Biến đổi khí hậu không loại trừ Thủ đô


Hà Nội cần ứng phó với diễn biến khí hậu và thời tiết cực đoan hóa.

Nằm ở vùng đồng bằng, lại xa biển, nhưng không vì thế mà Thủ đô Hà Nội nằm ngoài những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Chủ động tìm biện pháp ứng phó là cách mà các ngành chức năng thực hiện để không “hoang mang” khi BĐKH đang ảnh hưởng từng ngày…

*Khi BĐKH là chuyện của chung

Có thể nói, với người dân Hà Nội, cụm từ BĐKH đã không còn xa lạ, bởi những diễn biến bất thường của thời tiết trong những năm gần đây đã tác động lớn đến đời sống và môi trường ở Thủ đô.

Ngay trong năm 2016, BĐKH khiến Hà Nội phải hứng chịu thiệt hại nặng nề ngay từ cơn bão số 1 (trước đây từ cơn bão số 3 mới bị ảnh hưởng). Nhiệt độ mùa Đông, mùa Hè và nhiệt độ năm của các thập kỷ gần đây cao hơn các nửa thập kỷ trước…

Bước sang năm 2017, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino yếu có thể quay trở lại vào mùa hè và mùa thu năm nay. Mưa trái mùa sẽ nhiều, mưa chính mùa sẽ ít hơn, lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Nắng nóng cũng sẽ hơn trung bình nhiều năm. Hà Nội cũng không tránh khỏi những nguy cơ thời tiết bất thường này.

Nhìn nhận một cách rộng hơn về tác động của BĐKH ở Thủ đô, tại buổi tọa đàm với các chuyên gia nước ngoài về việc nghiên cứu về giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu tác động đến TP Hà Nội, tổ chức ngày 24/4, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, Hà Nội có địa hình thoải dần từ Tây sang Đông, Bắc xuống Nam, nằm ở độ cao từ 5 – 20 mét so với mực nước biển. Theo dự báo, đến năm 2100 nước biển có thể dâng 1 mét, cực đoan có thể lên 4 mét, do đó Hà Nội không chịu tác động nhiều của nước biển dâng.

Vấn đề đặt ra đối với Hà Nội là việc ứng phó với diễn biến khí hậu và thời tiết cực đoan hóa, như mùa đông lạnh hơn, mùa hè nóng hơn, mùa khô khô hơn và mùa mưa thì mưa nhiều hơn…Hà Nội cũng có 6 dòng sông, trong những năm qua đã bị tác động rất lớn của biến đổi khí hậu, từ xói lở, hạ thấp mực nước…

*Lập bản đồ tổng thể về BĐKH của Hà Nội

Đây là đề xuất của nhóm nghiên cứu KT&NC (đoàn tư vấn Na Uy) khi trao đổi với Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.

Theo đó, việc lập bản đồ tổng thể về biến đổi khí hậu của Hà Nội sẽ dựa trên cơ sở thu thập, phân tích những thông tin về khí hậu, thủy văn, mưa bão… mục đích nhằm chỉ ra những khu vực có nguy cơ ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu, xây dựng kịch bản, đề xuất những giải pháp để tăng năng lực ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai, đồng thời giúp tối ưu hóa hiệu quả đầu tư chống biến đổi khí hậu…

“TP Hà Nội cần có cơ chế cung cấp thông tin, dữ liệu liên quan để nhóm nghiên cứu sâu hơn các vấn đề về khí hậu của Hà Nội”, TS Luca Garre nghiên cứu viên cao cấp đại diện nhóm nghiên cứu KT&NC đề nghị.

Chung tay với TP.Hà Nội trong ứng phó với BĐKH, Giám đốc quốc gia Ngân hàng ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick bày tỏ, sẽ quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực này và mong muốn, ADB và Hà Nội hợp tác chặt chẽ hơn.

Ghị nhận những đóng góp này, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, trong những năm qua Hà Nội đã có những giải pháp chống biến đổi khí hậu, nhưng về tổng thể chung trên toàn TP thì chưa có. Do đó, việc đánh giá tổng thể tác động BĐKH đối với TP Hà Nội, đề xuất những giải pháp ứng phó là rất cần thiết.

Được biết, bên cạnh sự trợ giúp của quốc tế, UBND TP Hà Nội cũng đã chủ động ban hành “Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH”. UBND TP đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn.

Bên cạnh đó, TP còn tổ chức tuyên truyền cho các cán bộ thuộc các ngành, lĩnh vực, địa phương và cộng đồng dân cư về tác động của BĐKH. Nghiên cứu các cơ chế chính sách, phương án hỗ trợ cộng đồng dân cư trong việc ứng phó với tai biến thiên nhiên. Xây dựng kế hoạch nhằm nâng cao năng lực, tăng cường khả năng tự ứng cứu trước những sự cố xảy ra do thiên tai và các hiện tượng thời tiết bất thường.

Thành phố cũng đang từng bước tiếp cận các phương pháp, mô hình nhằm góp phần giảm thiểu BĐKH. Trong đó, nhiệm vụ “kiểm kê, đánh giá và đề xuất các giải pháp quản lý phát thải khí nhà kính trên địa bàn TP Hà Nội” đang được triển khai, nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hướng đến một thủ đô xanh.

Nguồn: Bộ TN&MT

Trả lời