Trong bài thuyết trình tại Hội thảo khoa học thường niên lần thứ XXIV của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Thạc sĩ Nguyễn Hoài Thu đã trình bày về “Cách tiếp cận dựa vào thị trường trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”.
Cách tiếp cận dựa vào thị trường và cách tiếp cận truyền thống
Theo đó, trong lĩnh vực quản lý tài nguyên (QLTN), bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu, cả lý thuyết về quản lý môi trường lẫn kinh nghiệm thực tiễn tại nhiều quốc gia đều cho thấy, Nhà nước không thể có đủ nguồn lực và đặc biệt là không đủ thông tin cần thiết để dẫn dắt tất cả các bên liên quan thực hiện các quyết định phù hợp và hiệu quả. Chính vì vậy, xu hướng chung của thế giới là đẩy mạnh tiếp cận thị trường, giảm gánh nặng can thiệp của Nhà nước và nâng cao hiệu quả công tác QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH.
Trong đó, cách tiếp cận thị trường (MBA) trong thích ứng với BĐKH được quan tâm nhiều nhất. Theo MBA, các chủ thể thị trường như doanh nghiệp và tổ chức có tư cách pháp nhân được tự do tham gia kinh doanh và cung cấp các dịch vụ liên quan tới QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH theo quy luật cung – cầu của thị trường. Cùng với đó, cách tiếp cận MBA còn khuyến khích các hành vi thông qua các tín hiệu thị trường hơn là các hướng dẫn, chỉ thị của Nhà nước.
Thạc sĩ Nguyễn Hoài Thu trình bày nội dung nghiên cứu
Các giải pháp của cách tiếp cận dựa vào thị trường cho phép huy động được nguồn lực của toàn xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách và bộ máy điều hành của Nhà nước trong việc QLTN, BVMT và ứng phó với BĐKH.
So với cách tiếp cận truyền thống là mệnh lệnh và kiểm soát (CAC), MBA có nhiều ưu điểm vượt trội. Trong khi CAC yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải thực hiện các chiến lược kiểm soát ô nhiễm tương tự nhau, bất kể các chi phí liên quan. Với CAC, các doanh nghiệp sẽ được thông báo về các lệnh cấm, tiêu chuẩn công nghệ, tiêu chuẩn hiệu suất và hình phạt cho việc không tuân thủ. Cách tiếp cận truyền thống khiến Nhà nước không đủ nguồn lực để thực hiện còn doanh nghiệp sẽ tốn kém và không hiệu quả về kinh tế, không khuyến khích doanh nghiệp chủ động giảm thải.
Ngược lại, MBA có các công cụ chính sách rõ ràng về thuế ô nhiễm, phí hoặc lệ phí, giá nước, trợ cấp hoặc giảm trợ cấp, giấy phép phát thải có thể giao dịch, các chính sách kết hợp như chương trình hoàn lại tiền đặt cọc, chi trả cho các dịch vụ hệ sinh thái. Cách tiếp cận dựa vào thị trường sẽ giúp huy động nguồn lực của toàn xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách và bộ máy điều hành. Hạn chế của MBA là doanh nghiệp có thể không tham gia do phụ thuộc vào sự chủ động, tự giác của họ.
Theo trình bày của Thạc sĩ Nguyễn Hoài Thu, cách tiếp cận dựa vào thị trường gồm cơ chế mua bán tín chỉ các-bon và cơ chế thuế các-bon. Trong đó, cơ chế mua bán các-bon là công cụ dựa vào thị trường để giảm nhẹ BĐKH, được thực hiện theo hai hình thức: Hạn ngạch và mua bán; Bù trừ các-bon. Thị trường buôn bán các-bon được phân làm hai loại là thị trường chính thống trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto và thị trường các-bon ngoài khuôn khổ Nghị định thư (NĐT) Kyoto (thị trường tự nguyện).
Cơ chế thuế các-bon bao gồm thuế đầu nguồn (áp thuế trên hàm lượng các-bon của nhiên liệu) và thuế cuối nguồn (áp thuế đối với việc phát thải khí nhà kính trực tiếp) hoặc kết hợp cả hai. Thuế các-bon có ưu điểm là có thể được sử dụng như công cụ để tạo doanh thu cho khu vực công và có thể được sử dụng để thay thế cho các loại thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp hay thuế giá trị gia tăng (VAT). Thuế các-bon đem lại sự đảm bảo cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lên kế hoạch đầu tư. Việc thực hiện thuế các-bon đơn giản và không yêu cầu hệ thống tài chính phức tạp.
Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Theo báo cáo của World Bank năm 2016, hiện nay có khoảng 40 quốc gia và hơn 20 thành phố, bang, khu vực (chiếm gần ¼ tổng phát thải KNK toàn cầu) đã định giá cho các-bon. Doanh thu định giá carbon toàn cầu năm 2021 lập kỷ lục với khoảng 84 tỷ USD, tăng khoảng 31 tỷ USD so với năm 2020 – tương đương mức tăng gần 60%.
Doanh thu tăng phần lớn do giá carbon cao hơn, bao gồm ở cả Hệ thống thương mại khí thải Liên minh châu Âu (EU-ETS), nơi chiếm tới khoảng 41% tổng doanh thu định giá carbon toàn cầu, cũng như New Zealand ETS và chương trình mua bán phát thải California. Giá thuế carbon và ETS đạt mức kỷ lục ở nhiều khu vực pháp lý, được thúc đẩy bởi các chính sách khí hậu đầy tham vọng cũng như các yếu tố kinh tế như giá năng lượng.
Đặc biệt, năm 2021, doanh thu từ ETS tăng vọt với 56 tỷ USD, lần đầu tiên vượt qua doanh thu từ thuế carbon, chiếm tới 67% tổng doanh thu định giá carbon toàn cầu. Nó cho thấy sự gia tăng nhanh chóng cả về giá trị cũng như tỷ trọng của ETS.
Tính đến tháng 4/2022, có 68 công cụ định giá carbon đang hoạt động trên toàn cầu với 3 công cụ khác đang được lên kế hoạch thực hiện. Định giá carbon đang bao trùm khoảng 23% tổng lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.
Trong một năm qua (từ tháng 5/2021 đến tháng 5/2022), có một loại thuế carbon mới (ở Uruguay) và ba ETS mới đã đi vào hoạt động (ở Oregon, New Brunswick và Ontario).
Các khách mời lắng nghe bài trình bày
Ngoài ra, các công cụ định giá carbon cũng đã được lên kế hoạch thực hiện tại Indonesia, Áo và bang Washington (Mỹ). Một số quốc gia, khu vực khác đã công bố ý định phát triển định giá carbon như Israel, Malaysia, Botswana. Việt Nam cũng đã vạch ra lộ trình để thiết lập ETS. Việc nghiên cứu và đưa ra số liệu đầy đủ, chính xác cho hệ thống ETS có vai trò quan trọng giúp Việt Nam rút ra được bài học kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai đẩy mạnh cách tiếp cận dựa vào thị trường trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trườngvà ứng phó với BĐKH.