Tham vấn chuyên gia về hệ số phát thải đặc trưng của các bon đen cho 3 lĩnh vực: Sản xuất xi măng, nhà máy điện than, giao thông đường bộ

Đó là tên buổi hội thảo được Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức sáng ngày 7/12 tại Hà Nội nhằm lấy ý kiến đóng góp cho dự án “Điều tra khảo sát vết cacbon và đề xuất hệ thống giám sát cácbon đen ở Việt Nam” do Thạc sĩ Phùng Thị Thu Trang làm chủ nhiệm.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà chủ trì hội thảo

Buổi hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH với sự tham dự của các thành viên thực hiện dự án, các chuyên gia về lĩnh vực môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại hội thảo, Thạc sĩ Phùng Thị Thu Trang đã trình bày tổng quan về dự án. Trong đó, nêu ra tác động của các bon đen tới khí hậu, sức khỏe, hoạt động nông nghiệp và sự nóng lên của trái đất. Hàng loạt quốc gia đã đặt mục tiêu giảm lượng phát thải các bon đen trong báo cáo NDC của mình vào năm 2030 như Mexico (70%), Chile (25%), Colombia (40%), Nigeria (42%)… Việc kiểm kê phát thải các bon đen cũng được các nước này thực hiên và cho thấy, nguồn lượng phát thải các bon đen lớn nhất là từ hoạt động giao thông vận tải sau đó đến hoạt động công nghiệp.

Thạc sĩ Phùng Thị Thu Trang trình bày nội dung dự án

Theo Thạc sĩ Phùng Thị Thu Trang dự án “Điều tra khảo sát vết cacbon và đề xuất hệ thống giám sát cácbon đen ở Việt Nam” hướng đến các mục tiêu cụ thể như: Khảo sát và xác định được nguồn phát thải các bon đen của hoạt động sản xuất xi măng (lĩnh vực công nghiệp), hoạt động sản xuất điện (phi công nghiệp) và đường bộ (giao thông vận tải); Đề xuất hệ thống giám sát, báo cáo và thẩm tra (MRV) phát thải cacbon đen của các ngành/lĩnh vực lựa chọn.

Từ các mục tiêu trên, nhóm thực hiện dự án xác định phạm vi nghiên cứu tập trung trong 3 ngành thuộc 3 lĩnh vực chính gồm: Lĩnh vực công nghiệp (sản xuất xi măng); Lĩnh vực phi công nghiệp (sản xuất điện); Lĩnh vực giao thông vận tải (đường bộ).

Thành viên của dự án, bà Văn Diệu Anh (Viện Khoa học và công nghệ Môi trường, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) đã trình bày về tiếp cận tính toán phát thải cacbon đen và xác định hệ số phát thải cacbon đen trong công nghiệp và giao thông tại Việt Nam. Các nội dung được nêu ra gồm giới thiệu về cacbon đen, kiểm kê phát thải cacbon đen, tiếp cận xác định hệ số phát thải cacbon đen cho Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo

Trong khuôn khổ hội thảo, Ths. Nguyễn Đức Khánh (trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) đã trình bày về phương pháp đo đạc phát thải PM từ phương tiện diesel phục vụ tính toán hệ số phát thải cácbon đen cho giao thông. Trong đó tập trung vào hai phương pháp chính là đo độ khói theo phương pháp thử ở chế độ gia tốc tự do (TCVN 6438:2018) và đo độ khói theo phương pháp thử ở chế độ có tải (ISO 7644:1988).

Sau phần trình bày của các thành viên trong nhóm thực hiện đề tài, các chuyên gia đã đưa ra ý kiến trao đổi về các vấn đề còn vướng mắc và góp ý để đề tài tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo chất lượng và đúng thời gian quy định.

Trả lời