Tham vấn dự thảo Rà soát, cập nhật báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam

Ngày 29/8, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo Tham vấn Báo cáo kỹ thuật về Rà soát và cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC). Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã chủ trì Hội thảo. Tham dự có đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Công Thương, Tư pháp, Xây dựng, Tài chính, Y tế cùng các đối tác quốc tế, tổ chức phi Chính phủ; các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan.

Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, các đối tác phát triển, đội ngũ chuyên gia theo các lĩnh vực rà soát, cập nhật NDC của Việt Nam. NDC lần này sẽ thể hiện những nỗ lực cao nhất của Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2030 với thông tin rõ ràng, minh bạch, có định lượng và khả thi trong điều kiện kinh tế, xã hội của quốc gia. Đến nay, dự thảo ban đầu của báo cáo kỹ thuật đã hoàn thành và được đưa ra tham vấn rộng rãi tại hội thảo.
Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, việc rà soát cập nhật của Việt Nam cho các hợp phần NDC bao gồm: Hợp phần giảm nhẹ, hợp phần thích ứng, làm rõ thêm đóng góp của Việt Nam đối với nội dung tổn thất và thiệt hại. Đặc biệt, có những nội dung mới về áp dụng mô hình đánh giá tác động của các phương án giảm nhẹ phát thải, đánh giá đồng lợi ích cũng được nghiên cứu để tổng hợp, xem xét đưa vào báo cáo chung cập nhật NDC của Việt Nam.

 

Về những điểm mới so với NDC đầu tiên ban hành năm 2015, Giáo sư Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Uỷ ban quốc gia về Biến đổi khí hậu cho biết, NDC lần này sẽ bổ sung vào cấu trúc báo cáo các phần về sự phát triển Cabon thấp chống chịu khí hậu một cách hài hoà và đồng lợi ích (phát triển, thích ứng, giảm nhẹ), huy động sự tham gia của các bên liên quan để đạt dự đồng thuận cao nhất. Số liệu, phương pháp tính toán cho các nội dung của NDC cũng được cập nhật. NDC sẽ bổ sung đánh giá tác động của việc thực hiện NDC đến kinh tế – xã hội, phân tích nhu cầu tài chính để đạt được các mục tiêu, những tổn thất và thiệt hại do BĐKH, hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV) và ý nghĩa NDC ở tầm quốc gia và quốc tế.

 

Với hợp phần giảm nhẹ, năm 2014 làm năm phát thải cơ sở và tính toán các phương án. Theo đó, tổng lượng phát thải quốc gia đã đạt 283,9 triệu tấn CO2 tương đương và theo kịch bản phát triển thông thường (BAU), mức phát thải đến năm 2030 sẽ đạt 888,8 triệu tấn CO2 (NDC 1 là 787 triệu tấn). Việt Nam đặt mục tiêu phải giảm 9% lượng phát thải so với BAU bằng nguồn lực trong nước và có tăng lên đên 25% khi có sự hỗ trợ của quốc tế.

Hợp phần thích ứng khẳng định và làm rõ thêm hiện trạng cũng như xu thế BĐKH ở VIệt nam trên cơ sở kịch bản BĐKH và nước biển dâng năm 2016, cập nhật những nỗ lực và thành quả thích ứng; những thiếu hụt về thể chế, chính sách, tài chính, nhân lực và công nghệ, những đóng góp cho giai đoạn 2021 – 2030 phù hợp hơn với bối cảnh hiện tại…

Các nỗ lực từ nay đến 2030 sẽ tăng cường năng lực thích ứng quốc gia, giảm thiểu tác động của BĐKH và giảm nhẹ phát thải KNK. Từ đó, thúc đẩy phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế các bon thấp và tăng trưởng xanh; tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng cường bình đẳng, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường; phát triển quốc phòng an ninh, phát triển hài hòa nông nghiệp với công nghiệp; khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Tại hội thảo các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ những vấn đề liên quan đến giảm nhẹ, thích ứng, các giải pháp để bổ sung, hoàn thiện báo cáo kỹ thuật về rà soát và cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam. Các ý kiến tập trung vào làm rõ cơ sở dữ liệu, số liệu được đưa vào trong báo cáo, đồng thời đề xuất thêm các nội dung, phương án, giảm nhẹ, thích ứng phù hợp với điều kiện Việt Nam…

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Tổ công tác rà soát, cập nhật NDC tiếp thu các ý kiến để nghiên cứu đưa vào các dự thảo sau để đạt được sự đồng thuận tối đa giữa các Bộ ngành Trung ương, địa phương và tăng tính khả thi. Nếu cần thiết, các Bộ, ngành cần tự thảo luận trong nội bộ trước khi góp ý với Bộ TN&MT.

Sau hội thảo này, Bộ TN&MT sẽ gửi văn bản xin ý kiến tham vấn chính thức của các Bộ ngành và tổ chức các hội thảo tham vấn địa phương, các tổ chức dân sự – xã hội và doanh nghiệp. Dự kiến, Bộ TN&MT sẽ hoàn thành rà soát, cập nhật NDC và báo cáo Ủy ban quốc gia về BĐKH vào tháng 3/2019, sau đó trình Chính phủ để kịp nộp lên Ban thư ký Công ước khung về BĐKH trước tháng 9/2019.

 
 Khánh Ly_Báo TN&MT

Trả lời