Hội thảo tham vấn Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu của Việt Nam


Đoàn chủ trì Hội thảo

Sáng ngày 01/9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân Cộng hòa liên bang Đức (BMUB) ủy quyền Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức “Hội thảo tham vấn về kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình dương của UNDP, ông Haoliang Xu; Điều phối viên của Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Pratibha Melta và Tham tán Phát triển Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam, ông Martin Hoppe đồng chủ trì Hội thảo.

Tham gia hội thảo còn có các Thành viên của Hội đồng tư vấn cho Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các Đại sứ quán, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cơ quan hoạt động vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam và đại diện các cơ quan báo chí trong và ngoài nước.

Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris: góp phần ứng phó với BĐKH tại Việt Nam và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Thoả thuận Paris được thông qua tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả các Bên trong ứng phó với BĐKH. Trách nhiệm này đã được các Bên cam kết thông qua Đóng góp Dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC).

“Việc thông qua Thỏa thuận Paris đã mở ra một kỷ nguyên phát triển mới trên toàn cầu. Đó là kỷ nguyên phát triển phát thải các bon thấp với các mô hình sản xuất, tiêu dùng thân thiện với môi trường; hạn chế, tiến tới xóa bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Hội thảo

Là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của BĐKH, được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động vì sự phát triển bền vững, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó thông qua xây dựng và thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH và Chiến lược Tăng trưởng xanh (TTX). Đây là những định hướng chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề BĐKH một cách căn cơ, bài bản trong nhiều thập kỷ tiếp theo và là nội dung chủ đạo khi xây dựng cam kết nêu trong INDC của Việt Nam trình Liên hợp quốc tháng 10 năm 2015.

“Việc nhanh chóng triển khai Thỏa thuận Paris sẽ góp phần ứng phó với BĐKH ở Việt Nam, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế giải quyết một trong những thách thức to lớn, đe doạ đến sự tồn vong của nhân loại.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kết quả của Hội nghị COP21, được sự hỗ trợ về tài chính trực tiếp từ UNDP và GIZ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris. Đến nay, dự thảo Kế hoạch đã hoàn thành và được gửi xin ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan.

Bản Dự thảo Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris gồm 5 nội dung chính:

1. Xác định các hoạt động giảm nhẹ phát thải thực hiện Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) và tận dụng cơ hội phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp;

2. Xác định các hoạt động thích ứng thực hiện INDC và tăng khả năng chống chịu của cộng đồng và bảo đảm sinh kế cho người dân;

3. Chuẩn bị nguồn lực về con người, công nghệ và tài chính để thực hiện các đóng góp về giảm nhẹ, thích ứng và các nghĩa vụ khác do Thỏa thuận Paris quy định;

4. Thiết lập và vận hành hệ thống công khai, minh bạch (MRV) nhằm giám sát, đánh giá việc thực hiện thích ứng, giảm nhẹ, chuẩn bị nguồn lực theo quy định của Thỏa thuận Paris;

5. Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo lập môi trường thuận lợi và tập trung nỗ lực quốc gia cho ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường phối hợp xử lý các vấn đề liên vùng, liên ngành; thu hút nguồn lực tư nhân và hỗ trợ quốc tế.

Tham vấn các bên liên quan, hoàn thiện Kế hoạch đảm bảo tính khả thi

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Kế hoạch, Tổ công tác liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước, các chuyên gia các Bộ, ngành, Hội đồng tư vấn cho Uỷ ban quốc gia về BĐKH. Để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện, hôm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tham vấn ý kiến rộng rãi với sự tham gia của các Bộ, ban ngành Trung ương, các đối tác quốc tế, các tổ chức phi chính phủ.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đại biểu tập trung vào thảo luận các nội dung chính như sau:

Một là, tính khả thi của các nội dung dự thảo Kế hoạch trong các giai đoạn từ nay đến năm 2020 (giai đoạn chuẩn bị), từ sau năm 2020 (giai đoạn thực hiện); tính kế thừa về chủ trương, đường lối của Đảng và Quốc hội, chính sách pháp luật hiện nay của Nhà nước và quyết tâm của Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Hai là, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; kiến nghị các giải pháp về mặt thể chế, chính sách, tổ chức bộ máy, nguồn lực thực hiện. Trong đó, cần lưu ý những thay đổi trong các cơ chế, chính sách toàn cầu về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và những tác động tiềm tàng đối với toàn bộ nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối tư nhân.

Ba là, các giải pháp thu hút sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt các tổ chức dân sự xã hội, các tổ chức phi chính phủ và khối doanh nghiệp vào các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu theo tinh thần của Thoả thuận Paris, cũng như các giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm tận dụng hiệu quả các cơ hội từ thị trường trao đổi phát thải trong nước và quốc tế.

Bốn là, khả năng đóng góp của các nội dung trong Kế hoạch vào quá trình tham gia đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng, quyền phát triển của Việt Nam với tư cách là một nước đang phát triển dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu nhưng rất trách nhiệm trong việc cùng thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, “Để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Việt Nam cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các Bộ ngành trung ương, các tổ chức chính trị, xã hội và nhất là sự tham gia của khu vực tư nhân, các doanh nghiệp và người dân sẽ là động lực lớn góp phần cho sự thành công của kế hoạch. Đồng thời, Việt Nam mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ tài chính, tri thức và kinh nghiệm quản lý để thực hiện tốt trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.”

Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành và địa phương của Việt Nam đã nhận được những sự hỗ trợ hiệu quả về xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách và các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của cộng đồng các đối tác quốc tế, của cộng đồng doanh nghiệp, của các tổ chức hoạt động vì sự phát triển vững bền của Việt Nam.

“Tôi mong muốn các đối tác quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức dân sự, các cơ quan nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong và ngoài nước sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành và địa phương có liên quan trong việc triển khai thực hiện Thoả thuận Paris cũng như những đóng góp do Việt Nam tự quyết định đã được đệ trình năm 2015.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

 

Ông Haoliang Xu, Giám đốc Khu vực châu Á và Thái bình dương của UNDP phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Haoliang Xu, Giám đốc Khu vực châu Á và Thái bình dương của UNDP, nêu rõ hai lĩnh vực chủ chốt đối với Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu giảm thiểu theo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết, đó là năng lượng và lâm nghiệp. Ông nhấn mạnh sự tham gia và đóng góp của các doanh nghiệp trong và ngoài nước là rất quan trọng trong việc thực hiện những mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris.

Ông Haoliang Xu nói: “Tạo điều kiện cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp sẽ bổ sung cho các khoản chi của Chính phủ và đẩy mạnh đầu tư xanh. Khu vực tư nhân cũng có thể góp phần giảm chi phí cho Nghiên cứu và Phát triển thông qua việc ứng dụng công nghệ tiên tiến đã được thích nghi với điều kiện riêng của Việt Nam. Công nghệ này sẽ giúp giảm phát thải nhà kính, tận dụng những lợi thế của năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường”.

 

Ông Martin Hoppe, Tham tán Phát triển, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Ông Martin Hoppe, Tham tán Phát triển, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội chia sẻ: ”Trong thời gian qua,Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vì Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Đã đến lúc phải đẩy nhanh việc triển khai các cam kết giảm nhẹ và thích ứng. Nước Đức luôn sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện INDC theo cam kết của Thỏa thuận Paris”.

Hội thảo là cơ hội tốt để các thành viên Hội đồng tư vấn quốc gia về biến đổi khí hậu, đại diện các tổ chức quốc tế, các Bộ ngành, các doanh nghiệp cũng như các Tổ chức Phi chính phủ góp ý chi tiết cho dự thảo Kế hoạch của Việt Nam. Ý kiến thu được từ Hội thảo sẽ giúp Bộ TNMT và Tổ công tác xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch của Việt Nam, trình Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2016.

 

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

Nguồn Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trả lời