Hội thảo khoa học đề tài cấp Nhà nước do TS. Vũ Văn Thăng làm chủ nhiệm

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu vừa tổ chức hội thảo khoa học đề tài cấp nhà nước: “Nghiên cứu các yếu tố và cơ chế ảnh hưởng đến sự thay đổi cường độ, hướng di chuyển của xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông và xây dựng phương pháp dự báo sớm” do TS. Vũ Văn Thăng làm chủ nhiệm vào sáng ngày 11.8.

PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội thảo

Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng (Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Biến đổi khí hậu) với sự tham gia của nhiều chuyên gia của lĩnh vực khí tượng khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại hội thảo, TS. Vũ Văn Thăng, chủ nhiệm đề tài, đại diện nhóm thực hiện đã trình bày giới thiệu về mục tiêu, tiến độ, sản phẩm mà đề tài đã đạt được đến thời điểm hiện tại. Theo đó, đề tài có 2 mục tiêu chính là: 1) Xác định được vai trò và cơ chế ảnh hưởng của các nhân tố ngoại lực và nội lực đến sự thay đổi cường độ và hướng di chuyển của xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông; 2) Xây dựng được phương pháp dự báo cường độ và quỹ đạo của xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông hạn 1-3 ngày, chú trọng đến các trường hợp bão thay đổi đột ngột cường độ và hướng di chuyển.

TS. Vũ Văn Thăng trình bày các nội dung tổng quan của đề tài

Từ mục tiêu trên, nhóm thực hiện triển khai các nội dung nghiên cứu khác nhau. Trong khuôn khổ hội thảo, Th.S. Trần Duy Thức đã trình bày báo cáo về nghiên cứu chỉ tiêu xác định sự thay đổi quỹ đạo đột ngột của bão trên khu vực Biển Đông. Báo cáo đã đưa ra kết quả nghiên cứu chỉ tiêu xác định bão đổi hướng đột ngột, kết quả lựa chọn các cơn bão đổi hướng đột ngột, đặc điểm của các cơn bão thay đổi hướng đột ngột và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo..

Th.S. Trần Duy Thức trình bày báo cáo

Báo cáo khả năng dự báo sự thay đổi đột ngột của cường độ bão trên Biển Đông bằng phương pháp thống kê của T.S Phạm Thanh Hà đã chỉ ra một số kết quả bước đầu về việc sử dụng ngưỡng phân vị 95 của ∆Vs để xác định sự thay đổi cường độ đột ngột (RI); Sử dụng 4 mô hình, LDA, LogR, Bayes và Ensemble để đánh giá kỹ năng dự báo dựa trên nhân tố đầu vào SHIPS.

CN. Phạm Thanh Hà trình bày báo cáo

Nằm trong nội dung đề tài, Th.S Nguyễn Văn Đức đã trình bày báo cáo về nghiên cứu nhận diện các nhân tố ngoại lực và nội lực ảnh hưởng đến sự thay đổi cường độ và hướng di chuyển của xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông. Trong đó nêu ra sự tương tác giữa các nhân tố môi trường với sự thay đổi cường độ và hướng di chuyển của xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) trên Biển Đông sử dụng số liệu tái phân tích; mối quan hệ giữa các nhân tố nội lực với sự thay đổi cường độ và hướng di chuyển của XTNĐ trên Biển Đông.

Th.S Nguyễn Văn Đức trình bày báo cáo

Trình bày về thiết kế cấu hình phù hợp cho mô hình HWRF dự báo sự thay đổi hướng và cường độ đột ngột của bão trên Biển Đông, HVCH. Nguyễn Đức Nam đã nêu bật được các kết quả mà nghiên cứu đạt được gồm: lựa chọn được độ phân giải ngang miền tính của mô hình HWF; lựa chọn được bộ tham số vật lý cho mô hình HWRF; sử dụng mô hình HWRF chạy mô phỏng các cơn bão có sự thay đổi cường độ và hướng đột ngột; đánh giá sai số ở các hạn dự báo khác nhau tại thời điểm thay đổi cường độ và quỹ đạo bão.

Th.S. Nguyễn Đức Nam trình bày báo cáo

Báo cáo cuối cùng tại hội thảo là nghiên cứu các nhân tố khí hậu tác động tới sự thay đổi quỹ đạo bão theo mùa do TS. Bùi Minh Tuân trình bày. Kết quả nghiên cứu này cho thấy sự thay đổi quỹ đạo bão theo mùa chịu tác động mạnh mẽ bởi các dao động quy mô synop; các dao động này liên quan đến sự phát triển của các chuỗi sóng trong dòng xiết và gợi ý tác động của dòng xiết tới quỹ đạo bão.

TS. Bùi Minh Tuân trình bày báo cáo

Sau phần trình bày của nhóm thực hiện đề tài, các chuyên gia tham dự hội thảo đã lần lượt cho ý kiến đóng góp về các vấn đề như: tiêu chí đánh giá sự thay đổi đột ngột của hướng di chuyển và cường độ bão, số cơn bão đi đúng quỹ đạo trên Biển Đông chiếm bao nhiêu %, tính toán ra sao với những cơn bão vào gần bờ, lý do bão mạnh ít đổi hướng và ngược lại, ảnh hưởng của gió mùa tây nam tới sự thay đổi đột ngột của cường độ và quỹ đạo bão,…

Phát biểu kết luận hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng đánh giá nhóm thực hiện đã có hướng nghiên cứu mới, tham khảo nhiều tài liệu. Tuy nhiên, cần có sự liên hệ chặt chẽ hơn nữa giữa kết quả nghiên cứu trong các báo cáo với nhau, nhóm thực hiện đề tài cần sử dụng các kết quả nghiên cứu về bão có sẵn có Viện để phân tích, đưa ra kết luận mang tính thuyết phục hơn, chuẩn bị tốt hơn cho hội thảo lần sau.