Quan trắc chất lượng môi trường không khí sử dụng thiết bị cảm biến chi phí thấp (LCS)

Trong hai ngày 6 và 7/9 tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm không khí Châu Á (ACAP) – Nhật Bản đồng tổ chức khóa đào tạo với chủ đề “Quan trắc chất lượng môi trường không khí sử dụng thiết bị cảm biến chi phí thấp (LCS)”.

TS. Lê Ngọc Cầu phát biểu tại khóa đào tạo

Khóa đào tạo thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu. Trong đó, tham dự trực tiếp tại Hà Nội là 20 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, đơn vị chuyên môn trong và ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường, các viện nghiên cứu, các trường đại học, công ty liên quan đến quan trắc chất lượng môi trường không khí. 80 đại biểu tham dự trực tuyến đến từ các nước thành viên trong mạng EANET (Nhật Bản; Thái Lan; Trung Quốc, Lào, Campuchia, Indonesia; Malaysia; Mông Cổ; Nga; Philippin; Hàn Quốc; Myanma và Việt Nam); tổ chức quốc tế (ADB, US- EPA) và công ty sản xuất thiết bị LCS.

Phát biểu giới thiệu và khai mạc khóa đào tạo, TS. Lê Ngọc Cầu (Phó Viện trưởng Viện KTTVBĐKH) cho biết, mạng lưới giám sát lắng đọng axit vùng Đông Á (EANET) được Chính phủ Nhật Bản khởi xướng vào năm 1998 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2001. Với mục tiêu nhằm tạo ra sự hiểu biết chung về tình trạng lắng đọng axit và các vấn đề ô nhiễm không khí liên quan đến các nước ở Đông Á đồng thời cung cấp thông tin đầu vào hữu ích cho việc ra quyết định ở các cấp độ khác nhau và thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia tham gia mạng lưới EANET. Đến nay, mạng lưới EANET có 13 nước trong khu vực tham gia gồm có: Nhật Bản; Thái Lan; Trung Quốc, Lào, Campuchia, Indonesia; Malaysia; Mông Cổ; Nga; Philippin; Hàn Quốc; Myanma và Việt Nam. Trung tâm mạng lưới (NC) của EANET là Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm không khí Châu Á (ACAP) đặt tại Nhật Bản.

Bà Karma Yangzom (ADB) phát biểu trực tuyến

Những năm gần đây, thiết bị cảm biến chi phí thấp (LCS) được phát triển mạnh mẽ và sử dụng rộng rãi bởi khối tư nhân nhằm cung cấp thông tin về chất lượng môi trường không khí tới cộng đồng. Qua phân tích chi phí- lợi ích của LCS, các tổ chức quốc tế đã thúc đẩy việc sử dụng LCS cho các mạng lưới quan trắc chất lượng không khí chính thống ở những nơi nguồn lực còn hạn chế. Trong bối cảnh này, ACAP đã triển khai Dự án “Nghiên cứu phương pháp phát triển Mạng lưới quan trắc chất lượng không khí kết hợp (HAQMN) sử dụng thiết bị cảm biến chi phí thấp (LCS)” trong khuôn khổ hợp tác với Dự án “Nghiên cứu kỹ thuật về thiết bị cảm biến chi phí thấp (LCS) tại Việt Nam” của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong năm 2023 và 2024.  

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu là cơ quan đầu mối quốc gia của Việt Nam trong Mạng lưới EANET, đồng thời nhận được lời mời của ACAP về hợp tác thực hiện nghiên cứu nêu trên. Chính vì vậy, TS. Lê Ngọc Cầu rất mong khóa đào tạo sẽ giúp nâng cao năng lực sử dụng LCS để mở rộng mạng lưới quan trắc tại các quốc gia thành viên trong Mạng lưới EANET và các quốc gia liên quan đến ADB.

Ông Keichi Sato (ACAP) điều khiển khóa đào tạo

Tại khóa đào tạo, các chuyên gia đã lần lượt trình bày các báo cáo về 5 nội dung chính gồm: Thực trạng và những nỗ lực về thiết bị LCS tại Việt Nam; Thực trạng và những nỗ lực về thiết bị LCS của ADB và US-EPA ở các nước Châu Á; Giới thiệu Nghiên cứu kỹ thuật về thiết bị LCS tại Việt Nam và Myanmar của dự án EANET; Trình diễn vận hành thiết bị LCS; Sàng lọc và phân tích số liệu quan trắc thu được từ thiết bị LCS và  HAQMN.

Đại diện Viện KTTVBĐKH, TS. Lê Ngọc Cầu đã giới thiệu thực trạng và những nỗ lực về LCS của EANET tại Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc (CEM) trình bày về hệ thống quan trắc chất lượng không khí kết hợp tại Việt Nam. Bà Karma Yangzom (ADB) và TS. Alison Simcox (US-EPA) đã giới thiệu thực trạng và những nỗ lực về thiết bị LCS ở các nước Châu Á. TS. Akie Yuba (ACAP) đã trình bày báo cáo: Thiết kế quan trắc, quan trắc song song sử dụng LCS và thiết bị quan trắc đối chiếu và kết quả phân tích sơ bộ của Mạng quan trắc chất lượng không khí kết hợp (HAQMN) tại Việt Nam và Myanmar.

Ông Hiroaki Minoura (ADB)

Ở ngày thứ hai của khóa đào tạo, TS. Hiroaki Minoura, TS. Akie Yuba và TS. Keiichi Sato (ACAP) đã giới thiệu thực trạng và những nỗ lực về thiết bị LCS ở các nước Châu Á. Báo cáo “Các kỹ thuật sàng lọc và phân tích số liệu, cách diễn giải, trực quan hóa số liệu, cũng như cách phân tích xu thế” được TS. Hiroaki Minoura, TS. Akie Yuba (ACAP) và TS. Kazuhiro Misaka (Green Blue Company) trình bày.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận

Sau mỗi phần trình bày của các chuyên gia, rất nhiều câu hỏi thảo luận đã được đưa ra. Có thể thấy, với những chia sẻ kết quả quan trắc chất lượng không khí sử dụng LCS dự kiến để chứng minh rằng HAQMN có thể được phổ biến tại các quốc gia thành viên trong Mạng lưới EANET và các quốc gia liên quan đến ADB, khóa đào tạo đã nâng cao năng lực sử dụng LCS để mở rộng mạng lưới quan trắc tại các quốc gia thành viên trong Mạng lưới EANET và các quốc gia liên quan đến ADB. Đồng thời, giúp phổ biến tính hiệu quả của HAQMN ở những nơi mà nguồn lực xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng không khí còn hạn chế.