Trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ khoanh vùng khu vực trồng trọt hữu cơ theo đặc trưng tài nguyên và môi trường tại vùng Trung du và miền núi Bắc bộ”. Mã số: TNMT.885.04” do PGS.TS Nguyễn Thế Chinh làm chủ nhiệm đã nghiên cứu vấn đề phát triển sản xuất rau, gia vị hữu cơ tại Vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TD&MNPB).
Nghiên cứu sử dụng nguồn số liệu thứ cấp đến năm 2021 và các phương pháp phân tích truyền thống như thống kê mô tả, so sánh để đánh giá. Kết quả cho thấy, rau, gia vị hữu cơ đã được trồng tại nhiều tỉnh trong vùng với quy trình sản xuất phù hợp, các hình thức liên kết trong sản xuất ngày càng đa dạng và mang lại hiệu quả kinh tế nhất định cho người nông dân. Tuy nhiên, hoạt động này còn một số hạn chế: diện tích sản xuất còn thấp; cơ cấu mặt hàng chưa đa dạng; liên kết sản xuất chưa chặt chẽ; thị trường tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn và hiệu quả kinh tế chưa thật sự ổn định. Từ thực trạng đó, nghiên cứu đã đề xuất 5 nhóm giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ nhóm sản phẩm này trong thời gian tới.
Vùng TD&MNPB là một trong 6 vùng kinh tế của Việt Nam, bao gồm 14 tỉnh. Tổng diện tích khoảng 116.898 km2, chiếm 35% diện tích cả nước; tổng dân số năm 2021 là 14,7 triệu người, với khoảng 30 dân tộc đang sinh sống. Vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Vùng TD&MNPB có điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế – xã hội để phát triển nông nghiệp hữu cơ nói chung và các loại cây trồng đặc thù như rau, gia vị nói riêng phù hợp với đặc điểm tự nhiên của vùng.
Với lợi thế của vùng TD&MNPB, cần phát triển sản phẩm hữu cơ đặc sản như: ớt, gừng trâu, nghệ đỏ, sả, dong giềng, rau su su, cải mèo… Những sản phẩm này, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước mà còn có nhiều thế mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, do đặc thù địa hình dốc và phân mảnh nên việc phát triển nông nghiệp nói chung và các sản phẩm hữu cơ nói riêng của vùng cần có các giải pháp phù hợp, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của vùng. Nếu không khai thác được tiềm năng, nền nông nghiệp các tỉnh TD&MNPB sẽ tiếp tục manh mún và tụt hậu, khó theo kịp các địa phương khác. Hướng tiếp cận mới đối với sản xuất nông nghiệp đó là sản phẩm hữu cơ, xanh, sạch, an toàn và đặc sản; nông nghiệp gắn với văn hóa, lấy cộng đồng làm trung tâm để tổ chức sản xuất.
Để khuyến khích, tạo hàng lang pháp lý cho nông nghiệp hữu cơ phát triển, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách như: Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-20230; Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về Nông nghiệp hữu cơ… Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra định hướng cho vùng TD&MNPB, đó là “Phát triển nông nghiệp vùng theo hướng nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, sản xuất an toàn, hữu cơ, xanh, sạch, đặc sản”. Trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng TD&MNPB, thực hiện chủ trương của Đảng và triển khai của Chính phủ về phát triển nông nghiệp hữu cơ, nội dung nghiên cứu phát triển rau, gia vị hữu cơ đã được thực hiện và có kết quả ban đầu.
Về phương pháp
Phương pháp thu thập và xử lý, tổng hợp thông tin, nghiên cứu sử dụng các thông tin thứ cấp phản ánh thực trạng phát triển sản xuất rau hữu cơ tại vùng TD&MNPB. Các số liệu này được thu thập từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau như: Bộ Nông nghiệp & PTNT, Hiệp hội hữu cơ Việt Nam, Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật các địa phương… Các số liệu sau khi thu thập được đưa vào xử lý, tổng hợp, làm cơ sở để rút ra những kết luận, đánh giá có căn cứ khoa học.
Phương pháp phân tích thông tin, nghiên cứu sử dụng các phương pháp phân tích chính là so sánh và thống kê mô tả, phân tích – tổng hợp. Trong đó, so sánh được sử dụng để đối chiếu các chỉ tiêu theo thời gian và theo không gian. Thống kê mô tả được sử dụng để mô tả thực trạng sản xuất rau hữu cơ tại vùng TD&MNPB.
Thực trạng phát triển rau hữu cơ vùng TDMNPB
Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy: Tính đến năm 2021, diện tích sản xuất rau hữu cơ của vùng tập trung ở 8 địa phương là: Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang. Nhìn chung thì mức diện tích này còn khiêm tốn và có sự chênh lệch rất lớn giữa các địa phương. Các tỉnh có diện tích rau hữu cơ lớn bao gồm: tỉnh Hòa Bình (17,1 ha), tỉnh Tuyên Quang (13 ha), huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La (15 ha). Các địa phương còn lại có diện tích không cao, thấp nhất là tỉnh Lạng Sơn với 0,4 ha. Có thể thấy, các tỉnh có diện tích rau lớn đều có lợi thế nhất định về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, thị trường tiêu thụ thuận lợi.
Ví dụ, đối với tỉnh Hòa Bình, toàn bộ 17,1 ha trồng rau hữu cơ của tỉnh đều thuộc địa bàn huyện Lương Sơn. Đây là địa phương nằm ở cửa ngõ phía đông bắc tỉnh Hòa Bình nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Huyện chỉ cách thủ đô Hà Nội khoảng 40km, rất thuận lợi cho công tác vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng có tính tươi sống đặc thù như rau. Ngoài ra, chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ rau hữu cơ của huyện cũng phát triển khá hiệu quả, đó là: Hộ nông dân → Tổ hợp tác → Hợp tác xã → Doanh nghiệp → Siêu thị, Cửa hàng→ Người tiêu dùng. Chuỗi liên kết phát triển đã tạo điều kiện cho người nông dân thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm, hiện đang là một trong những khâu yếu nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Mô hình rau hữu cơ của các hộ nông dân huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát
Tương tự như vậy, với nhiều tiềm năng, lợi thế thuận lợi về đất đai, khí hậu, những năm qua, tỉnh Sơn La đã tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Hiện tại, rau hữu cơ được trồng chủ yếu ở 2 huyện là Mộc Châu và Mai Sơn. Cao nguyên Mộc Châu có khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp.
Phát huy lợi thế này, nông dân tại bản Lùn, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu đã liên kết với Công ty TNHH Ipood (Hàn Quốc) trồng rau bằng phương hữu cơ để xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Rau được công ty trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ: được chăm sóc trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Do phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, rau sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng trung bình đạt 20 tấn/ha, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Có thể thấy, khác với huyện Lương Sơn, chuỗi liên kết sản xuất của mặt hàng rau xuất khẩu của Mộc Châu gắn với người tiêu dùng nước ngoài: Hộ nông dân → Tổ hợp tác → Hợp tác xã → Doanh nghiệp → Người tiêu dùng (nước ngoài). Ngược lại, trong vùng hiện còn 6 địa phương hiện chưa có mặt hàng rau hữu cơ là: Bắc Kạn, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang. Trong đó, có một số tỉnh có rất nhiều tiềm năng như: Lào Cai có thị trường rau hàng hóa phát triển, Bắc Kạn với nhiều nông sản đặc sản…. Hiện nay, thực hiện Đề án phát triển NNHC của Chính phủ, các địa phương này đang tiến hành chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp sang NNHC. Tuy nhiên, tiêu chuẩn sản xuất NNHC hiện nay quy định tương đối khắt khe về vùng sản xuất, thời gian chuyển đổi,…: đối với đất đang trồng rau là cây hàng năm có thời gian chuyển đổi ít nhất là 12 tháng cho đến khi gieo hạt hoặc trồng rau hữu cơ”. Giai đoạn chuyển đổi có thể được rút ngắn nếu có bằng chứng về việc không sử dụng các chất cấm làm vật tư, nguyên liệu đầu vào hoặc không thực hiện các hoạt động bị cấm. Thời gian chuyển đổi sau khi rút ngắn không được ít hơn 6 tháng; riêng đối với đất nguyên sơ (không phải là rừng nguyên sinh) và đất hoang hóa, có thể bỏ qua giai đoạn chuyển đổi. Ngược lại, giai đoạn chuyển đổi có thể kéo dài trên cơ sở nhận diện và đánh giá các nguy cơ có liên quan.
Cây ớt, sả: cây ớt, hiện tại toàn vùng chỉ có mô hình ớt thực hiện tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng với 10,07 ha (năm 2019: 3,0 ha; năm 2020: 3,87 ha; năm 2021: 3,2 ha). Tương tự, cây sả được trồng toàn bộ tại tỉnh Bắc Kạn với 3,96 ha, chiểm 6,96% diện tích nhóm cây rau, gia vị hữu cơ.
Về tiêu thụ sản phẩm: Nghiên cứu cho thấy đối với các tỉnh gần thủ đô Hà Nội như: Hòa Bình, Bắc Giang, việc tiêu thụ sản phẩm khả quan. Tại Hòa Bình, mô hình rau hữu cơ mang lại mức sản lượng đạt 335 tấn/năm. Hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã được thực hiện theo chuỗi liên kết. Sau khi thu hoạch, hợp tác xã (HTX) tiến hành thu mua trực tiếp từ tổ hợp tác, xuất bán cho hệ thống siêu thị tại Hà Nội. Hiện nay, huyện Lương Sơn có 6 HTX và 25 tổ nhóm sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Năng suất trung bình rau hữu cơ dao động ở mức 200 – 250 tạ/ha/năm, giá trị đạt trên 350 triệu đồng/ha/năm, giá bán ổn định là 15 nghìn đồng/kg và được định kỳ điều chỉnh. Trung bình mỗi tháng, huyện cung cấp ra thị trường khoảng 16 tấn rau hữu cơ. Phần lớn rau hữu cơ Lương Sơn được xuất bán cho các cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội thông qua các đầu mối chính là Công ty TNHH Vinagap, Công ty Tràng An, Công ty Tâm Đạt, Công ty BAVIFARM, hệ thống cửa hàng Bác Tôm, một số cửa hàng bán lẻ trong và ngoài huyện; doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng/năm. Tương tự, tình hình tiêu thụ rau tại tỉnh Bắc Giang cũng rất thuận lợi.
Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ sản phẩm của các tỉnh xa trung tâm gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, tại tỉnh Cao Bằng, để hỗ trợ nông dân, các cán bộ của Sở NN& PTNT, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh đã trực tiếp tham gia tiếp cận thị trường tại các nhà hàng, siêu thị. Nhóm cán bộ thực hiện mô hình cũng trực tiếp đưa nhóm nông dân tiếp cận thị trường và quảng bá sản phẩm tại các cửa hàng nông sản an toàn, nhà hàng, siêu thị, các các cơ quan…Hiện nay sản phẩm đã được đưa vào giới thiệu tại cửa hàng nông sản VietGap và siêu thị Cao Bằng Hapromark, Bằng Giang, Giao tế, Bếp ăn Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cửa hàng thực phẩm sạch, công ty cổ phần công nghệ xanh, Doanh nghiệp Trường Thọ và 01 gian hàng bán tại chợ tạm thành phố…Tuy nhiên, nhìn chung thì thị trường không ổn định. Các cửa hàng nông sản sạch, doanh nghiệp thu mua nhưng số lượng ít dẫn tới tình trạng nhóm sản xuất phải tự bán sản phẩm tại các chợ… (Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Cao Bằng, 2019). Do vậy, nếu đảm bảo được thị trường tiêu thụ sản phẩm thì tiềm năng phát triển cây rau trên địa bàn các địa phương là rất lớn.
Cây ớt: Mô hình 10,07 ha ớt thực hiện tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng đã mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định, với năng suất đạt 12-13 tấn/ha, sản lượng thu được khoảng 200 tấn, giá thu mua bình quân từ 13.000 – 15.000 đồng/kg, giá trị thu được khoảng 150 triệu/ha, cao hơn so với ngô, lạc, đậu tương 100 triệu. Thực tế này cho thấy, hiệu quả kinh tế của cây ớt cao hơn nhiều so với các nông sản khác, việc mở rộng diện tích cây ớt hữu cơ là giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.
Kết quả nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ sản phẩm rau quả, cây gia vị hữu cơ có sự biến động giữa các tỉnh trong vùng. Đối với các tỉnh ven đô hoặc có chuỗi liên kết sản xuất phát triển, hoạt động tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, giá bán cao hơn so với các loại thông thường. Ngược lại, tại các tỉnh vị trí xa trung tâm việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, nếu đảm bảo được thị trường tiêu thụ ổn định thì sản xuất NNHC sẽ mang lại cho người nông dân hiệu quả kinh tế khả quan trong dài hạn.
Đánh giá thực trạng phát triển rau, gia vị hữu cơ tại Vùng TD&MNPB
Những kết quả đạt được, số địa phương tham gia sản xuất: nhóm hàng rau, gia vị là giống cây ngắn ngày nhanh cho thu hoạch và do đặc điểm dễ thích nghi hơn các loại cây trồng khác nên rau được trồng tại nhiều tỉnh trong vùng, đặc biệt là các tỉnh có lợi thế về điều kiện tự nhiên.
Các hình thức liên kết trong sản xuất: Các hình thức liên kết trong sản xuất đối với rau, gia vị ngày càng phát triển đa dạng, phù hợp với điều kiện và lợi thế của từng địa phương. Đối với các tỉnh ven đô như Hòa Bình có hình thức hợp tác phổ biến là: Hộ nông dân → Tổ hợp tác → Hợp tác xã → Doanh nghiệp → Siêu thị, Cửa hàng → Người tiêu dùng. Một số tỉnh xa trung tâm, chẳng hạn Sơn La, thành công trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư và xuất khẩu sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Chuỗi liên kết phát triển đã tạo điều kiện cho người nông dân thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Về quy trình sản xuất: tùy theo tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam hay quốc tế mà các địa phương chủ động xây dựng quy trình sản xuất phù hợp. Theo đó, các hộ nông dân phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, được cụ thể hóa từ khâu khoanh vùng sản xuất, chọn giống đến bón phân, phòng trừ sâu bệnh. Trong quá trình sản xuất, các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học ngày càng đa dạng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng của người dân trong sản xuất trồng trọt hữu cơ. Chính vì vậy, sản xuất NNHC đã góp phần phục hồi và cải thiện sức khỏe của đất, giúp hệ sinh thái tự nhiên cân bằng và duy trì đa dạng sinh học, các sản phẩm NNHC giữ được hương vị tự nhiên đặc trưng và hoàn toàn không có dư lượng các chất độc hại, và chất kháng sinh trên sản phẩm…Từ đó đảm bảo sức khỏe cho con người, bảo vệ môi trường.
Về hiệu quả kinh tế: giá bán sản phẩm hữu cơ cao hơn so với các loại thông thường. Do vậy, hiệu quả kinh tế của sản phẩm NNHC sẽ khả quan cao trong dài hạn.
Những hạn chế, diện tích sản xuất còn thấp: Hiện nay toàn vùng mới có 66,93 ha sản xuất nhóm hàng này. Diện tích này còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Vùng.
Cơ cấu mặt hàng chưa đa dạng, đặc biệt là các loại gia vị. Điều này cũng do diện tích đất sản xuất NNHC của vùng còn khiêm tốn, do vậy, hộ nông dân chưa thể sản xuất xen canh đa dạng cây trồng, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hữu cơ chưa chặt chẽ: mặc dù chuỗi liên kết này khá phát triển tại một số địa phương như: Hòa Bình, Sơn La… song nhìn chung chuỗi liên kết chưa hiệu quả.
Hoạt động tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, thực trạng này do nhiều nguyên nhân khác nhau như: chuỗi liên kết sản xuất tại nước ta chưa phát triển; trên thị trường vẫn còn hiện tượng trà trộn giữa sản phẩm hữu cơ với các sản phẩm khác, thậm chí cả những sản phẩm không an toàn, khiến người tiêu dùng mất niềm tin; một bộ phận người tiêu dùng có thu nhập chưa cao trong khi hoạt động xuất khẩu chưa được mở rộng đã ảnh hưởng đến sức mua mặt hàng này.
Hiệu quả kinh tế: Trong ngắn hạn, hiệu quả kinh tế SXNNHC không rõ ràng so với sản xuất thông thường, do vậy hiệu quả kinh tế chưa cao.
Nguyên nhân của hạn chế, điều kiện tự nhiên của vùng còn một số hạn chế nhất định cả về đất đai, khí hậu, nguồn nước; Đất đai của vùng TD&MNPB chủ yếu là đồi núi, phần diện tích đất nông nghiệp nhỏ, nhưng lại phân tán ở nhiều địa hình khác nhau, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trên quy mô lớn; Khí hậu, thời tiết của vùng thường xuyên biến động thất thường, tuyết rơi vào mùa đông, các hiện tượng như rét đậm, rét hại, sương muối và tình trạng thiếu nước về mùa đông … đã gây ảnh hưởng đến nông nghiệp và đời sống của con người; Nguồn nước của vùng có nguồn tài nguyên nước phong phú nhưng do hệ thống hạ tầng thủy lợi còn hạn chế, chưa được quy hoạch, xây dựng hợp lý do địa hình phức tạp, thiếu vốn đầu tư nên còn thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp, gây ảnh hưởng đến kết quả sản xuất nông nghiệp trong vùng. Hệ thống thủy lợi đã được khắc phục rất nhiều trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu sử dụng [5].
Quy hoạch vùng: việc quy hoạch vùng sản xuất NNHC tại vùng TD&MNPB chưa được xây dựng gây khó khăn cho việc mở rộng diện tích NNHC.
Chính sách về NNHC: việc ban hành các văn bản quy phạm hướng dẫn tổ chức thực hiện, cấp chứng nhận về NNHC còn chậm, chưa có các hướng dẫn hỗ trợ cụ thể, chi tiết cho DN và nông dân khi tham gia SXNNHC. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ cho NNHC chưa cụ thể, khó khăn về nguồn kinh phí hỗ trợ.
Các tác nhân trong chuỗi liên kết sản xuất chưa phát triển: các tác nhân, đặc biệt là doanh nghiệp, tham gia vào chuỗi còn hạn chế cả về số lượng, quy mô và trình độ.
Chi phí đầu vào cao: thông thường sản xuất nông nghiệp hữu cơ năng suất giảm trong đó chi phí, đặc biệt là chi phí nhân công tăng làm cho giá thành sản xuất cao. Ngoài ra, kinh phí chứng nhận các sản phẩm hữu cơ, đặc biệt là Chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế có dịch vụ rất cao (200 triệu đồng). Trong khi đó, vật tư đầu vào đáp ứng yêu cầu của sản xuất hữu cơ (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…), không sẵn có, không được kiểm soát.
Một số Giải pháp phát triển rau, gia vị hữu cơ tại Vùng TD&MNPB
Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất, với vùng nguyên liệu trồng rau, gia vị hữu cơ không tập trung, diện tích trồng còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng của vùng TD&MNPB do vậy việc trước tiên phải đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất rau, gia vị hữu cơ một cách đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với từng địa phương. Nguồn lực cần có để đầu tư cơ sở hạ tầng là rất lớn vì vậy đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất cần được lựa chọn theo nguyên tắc ưu tiên. Nội dung xác định nhu cầu đầu tư tùy thuộc vào thực trạng của từng vùng sản xuất cụ thể nhưng trong đó ưu tiên hàng đầu là bảo đảm các điều kiện để chất lượng nước tưới đúng quy định và bảo đảm hệ thống nhà sơ chế đủ công suất hoạt động theo yêu cầu sản xuất tại vùng, địa phương đó.
Tập trung đầu tư: cứng hóa đường giao thông nội đồng, hệ thống tưới – tiêu (bao gồm cả nguồn nước tưới), nhà lưới, hệ thống điện cho diện tích quy hoạch sản xuất rau, gia vị hữu cơ… Đối với mô hình điểm sản xuất rau, gia vị hữu cơ cần đầu tư thêm một số tiến bộ khoa học kỹ thuật như: hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt, sản xuất giống trong khay…
Lựa chọn các giống rau phù hợp, năng suất cao, tùy vào đặc điểm địa lý của từng khu vực, do tính chất đất, nước và khí hậu có sự khác biệt để chọn giống cây trồng phù hợp, đảm bảo chất lượng, năng suất phù hợp với điều kiện tự nhiên, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng như: xà lách, cải bó xôi, súp lơ xanh, bắp cải, cà chua, đậu bắp, cà tím, cà rốt, khoai tây, dưa leo, hành tây, ớt, sả…. Mặt khác, để sản phẩm đến người tiêu dùng không bị giảm chất lượng, khâu bảo quản, vận chuyển rau, gia vị hữu cơ phải phù hợp cho từng địa phương, như vậy mới đảm bảo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng có hiệu quả.
Liên kết giữa các Nhà trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất, bảo quản rau, gia vị hữu cơ, Nhà nước, chính quyền địa phương nắm vai trò chủ đạo trong việc kết nối giữa các bên với nhau, giữa các nhà khoa học, các trường đại học, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cây trồng hữu cơ áp dụng các nghiên cứu tiên tiến trên lý thuyết vào thực tiễn tại các trường thông qua các vườn ươm kỹ thuật, các giống rau, gia vị mới, năng suất và chất lượng tốt hơn, liên kết với các cơ quan chuyên môn cấp trên, các trường cao đẳng, đại học trong ngành nông nghiệp mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất rau, gia vị hữu cơ cho các cơ sở, các hộ nông dân trên địa bàn các địa phương đã có kinh nghiệm trồng rau, gia vị hữu cơ và tổ chức hội nghị hội thảo đánh giá kết quả thực hiện dự án hàng năm.
Tổ chức triển khai: thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, hợp tác, xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ hiệu quả; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về tiềm năng phát triển, tập trung vào chất lượng và không làm theo phong trào; ưu tiên dành những nguồn lực cần thiết, tối đa hóa các nguồn lực để phát triển. Tổ chức chứng nhận, tổ chức sản xuất, tổ chức phân phối lưu thông thị trường và nâng cao nhận thức của người dân. Lựa chọn xây dựng những mô hình trọng điểm, thế mạnh, hoàn thiện quy trình sản xuất hữu cơ chuẩn, chuyển giao, nhân rộng đến các HTX, doanh nghiệp và người nông dân. Xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai thực hiện các đề án, làm cơ sở để các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp và người dân tham gia triển khai, phối hợp tổ chức thực hiện.
Chuyển giao công nghệ: chuyển giao công nghệ, hợp tác, xây dựng và nhân rộng phương pháp tưới nhỏ giọt, sản xuất giống cây con trong khay nhựa, túi bầu. Thực hiện luân canh các mô hình như: bí ăn ngọn – rau muống – cà chua, đậu đũa – rau dền – su hào, cải ngọt – rau đay – xà lách. Các mô hình này trồng luân canh nhau trên các luống của khu vực sản xuất. Phổ biến nhanh các kiến thức kỹ thuật về sản xuất, sơ chế, kinh doanh rau, gia vị hữu cơ đến mọi đối tượng có liên quan bằng các hình thức tập huấn ngắn hạn. Bước tiếp theo là xây dựng đội ngũ nông dân nòng cốt để tiếp tục phổ biến lan tỏa những tiến bộ kỹ thuật về sản xuất, sơ chế rau, gia vị hữu cơ.
Khai thác và phát triển chuyển giao công nghệ, hợp tác, xây dựng và nhân rộng mạng pháp tưới nhỏ giọt, sản xuất giống cây con thông thường. Vì vậy, tìm các giải pháp khai thác và phát triển thị trường là điều kiện tiên quyết để mở rộng sản xuất rau, gia vị hữu cơ.
Thứ nhất, xây dựng được liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp với nông dân trong hợp tác xã, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt chuỗi giá trị trong tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đó là giải pháp tiên quyết cho phát triển nông nghiệp hàng hóa nói chung, đặc biệt đối với sản xuất hữu cơ, khi nông dân đa số nhỏ lẻ, chưa thể chủ động tiếp cận thị trường, ngay cả thị trường trong nước.
Thứ hai, cần đầu tư nhiều hơn cho chế biến rau, gia vị hữu cơ ở dạng sấy, ngâm, đông lạnh; các loại tinh dầu, kem dưỡng da, nước hoa; các loại gia vị hữu cơ như bột hạt tiêu, bột ớt, tương ớt… nhằm đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, kéo dài thời gian bảo quản, khắc phục hạn chế của xuất khẩu rau quả tươi do thị trường Mỹ, châu Âu… cách xa Việt Nam.
Đối với thị trường xuất khẩu: Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) năm 2018, Việt Nam có khoảng 50 công ty được chứng nhận các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế cho các mặt hàng như rau, củ, dừa và sản phẩm từ dừa, trái cây sấy, gạo…, xếp hạng 51/179 quốc gia. Để xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm được các nhà nhập khẩu hữu cơ chuyên nghiệp thông qua các hội chợ (ví dụ, như Biofach hoặc Fruit Logistica ở EU) hoặc danh bạ các công ty buôn bán thực phẩm hữu cơ để trao đổi, giới thiệu sản phẩm hiện có hoặc tiềm năng sản xuất của Việt Nam, tìm được các nhà nhập khẩu hữu cơ có uy tín. Họ sẽ tư vấn về thủ tục và đặt hàng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ phù hợp với thị trường. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp các thông tin thị trường, tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại, đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu, xây dựng được thương hiệu nông sản hữu cơ Việt Nam.
Đối với thị trường trong nước: doanh nghiệp, HTX cần mở nhiều điểm chuyên bán sản phẩm hữu cơ, các siêu thị cần có gian hàng hữu cơ riêng, áp dụng mua bán online; sản phẩm bán phải được chứng nhận của bên thứ 3 và đặc biệt, Nhà nước phải kiểm tra, bảo đảm thị trường minh bạch, bảo vệ người tiêu dùng; từng bước đưa sản xuất hữu cơ vào chương trình giáo dục các cấp; khuyến khích các mô hình như bữa ăn hữu cơ hàng tuần, hàng tháng tại trường học, nhà ăn tập thể; truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về nông sản hữu cơ gắn liền với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ….
Mỗi năm, các tổ thanh tra tiến hành thanh tra chéo 2 lần, kiểm tra giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất rau hữu cơ dựa trên Bộ tiêu chuẩn PGS. Nhóm sản xuất nào vi phạm, không đạt tiêu chuẩn tổ thanh tra có quyền ra quyết định xử lý vi phạm. Vi phạm lần 1 cảnh báo trước liên nhóm; lần 2 xử phạt hành chính bằng tiền sung vào quỹ; vi phạm lần 3 sẽ xử phạt hành chính và thu hồi chứng nhận PGS. Tùy mức độ vi phạm quyền lợi của các hộ sản xuất sẽ bị ảnh hưởng theo. Tất cả tổ thanh tra đánh vào quyền lợi kinh tế buộc bà con phải tuân thủ. Chỉ cần 1 thành viên trong nhóm vi phạm cả nhóm đều bị xử phạt, cảnh cáo. Nâng cao ý thức quy trình sản xuất phải chuẩn, an toàn, tuyệt đối tuân thủ quy chuẩn. Các tổ thanh tra kiên quyết xử lý, không bỏ qua cho bất kỳ trường hợp vi phạm nào.
Tăng cường và kết hợp tham gia giám sát của 5 nhà: Nhà nước kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhà khoa học kiểm soát về giống và thuốc phòng trừ sâu bệnh; doanh nghiệp giám sát chất lượng; người trồng rau giám sát lẫn nhau; người tiêu dùng giám sát các doanh nghiệp.