Hội thảo đã cung cấp thông tin cho các đơn vị, tổ chức và các chuyên gia trong việc xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện các hoạt động liên quan.
Ngày 27/20 tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo “Hội thảo tham vấn chuyên gia về báo cáo phát thải Cacbon đen cho một số ngành/lĩnh vực ở Việt Nam” thuộc khuôn khổ Dự án: Điều tra khảo sát vết cacbon và đề xuất hệ thống giám sát cacbon đen ở Việt Nam.
TS. Lê Ngọc Cầu phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Ngọc Cầu (Phó Viện trưởng Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) cho biết, tháng 4 năm 2016 tại Newyork, Mỹ, Việt Nam đã cùng với hơn 197 quốc gia ký Thoả thuận Paris về khí hậu với mục tiêu 1,5°C lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu cần bằng không trong giai đoạn 2060-2080 và mục tiêu 2°C trong giai đoạn 2080-2090. Thời gian gần đây, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra ảnh hưởng trực tiếp của cacbon đen đến sự ấm lên toàn cầu có thể gấp hai lần so với những con số ước tính trước đó. Các biện pháp kiểm soát, nếu được thực hiện trên toàn cầu vào năm 2030, có thể làm giảm 80% lượng khí thải cacbon đen toàn cầu. Đây cũng là vấn đề cần quan tâm xem xét và là mục tiêu của dự án mà Viện KTTVBĐKH đang thực hiện. Ông Cầu tin rằng, hội thảo lần này không chỉ cung cấp thông tin cho các đơn vị, tổ chức và các chuyên gia trong việc xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn là cơ hội để cùng trao đổi về các hoạt động liên quan.
ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoài giới thiệu về dự án
Tại hội thảo, ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoài (Trung tâm Nghiên cứu Môi trường, Viện KTTVBĐKH) đã trình bày tổng quan dự án điều tra khảo sát vết cacbon và đề xuất hệ thống giám sát cacbon đen ở Việt Nam. Trong đó, dự án xác định hai mục tiêu cụ thể là khảo sát và xác định được nguồn phát thải các bon đen của hoạt động sản xuất xi măng (lĩnh vực công nghiệp), hoạt động sản xuất điện (phi công nghiệp) và đường bộ (giao thông vận tải); Đề xuất hệ thống giám sát, báo cáo và thẩm tra (MRV) phát thải cacbon đen của các ngành sản xuất xi măng, sản xuất điện và đường bộ. Với mục tiêu đó, nhóm thực hiện đã tiến hành thu thập tài liệu, tổng quan về kiểm kê và giám sát các bon đen của các ngành/lĩnh vực, khảo sát và xác định được nguồn cac bon đen của các ngành/lĩnh vực ở Việt Nam nhằm hỗ trợ kiểm kê phát thải khí nhà kính…
PGS.TS. Trịnh Thị Thắm trình bày báo cáo tại hội thảo
Trong báo cáo “Phương pháp phân tích BC và xây dựng hệ số phát thải cacbon đen từ nhà máy nhiệt điện than”, PGS.TS. Trịnh Thị Thắm (Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đã giới thiệu khái quát về cacbon đen và nhiệt điện than tại Việt Nam, sử dụng phương pháp nghiêm cứu thực nghiệm (lấy mẫu bụi PM2.5 tại 08 nhà máy nhiệt điện than và phân tích tại phòng thí nghiệm) để ra được hàm lượng PM2.5 và cacbon đen trong khí thải một số nhà máy nhiệt điện than.
ThS. Lê Nguyên Tường báo cáo tại hội thảo
ThS. Lê Văn Linh (Viện Khoa học tài nguyên nước) trong báo cáo của mình đã thực hiện tính toán đánh giá phân bố ô nhiễm cacbon đen cho các nhà máy xi măng, nhiệt điện thuộc phạm vi nghiên cứu của dự án. ThS. Lê Nguyên Tường (Trung tâm Nghiên cứu Môi trường, Viện KTTVBĐKH) đã trình bày về mô phỏng phân bố lượng cacbon đen do phát thải từ ô tô giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh…
Các đại biểu tham dự hội thảo
Trong phiên thảo luận, các chuyên gia tham dự hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về các vấn đề liên quan đến phát thải cacbon đen, quy trình đo lường cacbon đen…