Đề tài nghiên cứu của PGS.TS. Doãn Hà Phong đã xác định được các giải pháp bước đầu cho việc thích ứng và sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp của tỉnh Nam Định trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
PGS.TS. Doãn Hà Phong trình bày báo cáo tại hội thảo thường niên của Viện KTTVBĐKH
Thiệt hại kinh tế của nước biển dâng do biến đổi khí hậu đến nông nghiệp tỉnh Nam Định
Theo Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu ước tính mực nước biển dâng (NBD) trung bình toàn cầu vào năm 2100 dao động từ 36 – 71cm (kịch bản trung bình thấp RCP4.5) đến 52 – 98 cm (kịch bản cao RCP8.5). Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016), mực nước biển dâng 100cm khiến 16,8% Đồng bằng sông Hồng nguy cơ ngập. Trong đó Nam Định có 58% toàn tỉnh, trên 60% diện tích 3 huyện ven biển ngập.
Trước tình hình đó, PGS.TS. Doãn Hà Phong đã chọn thực hiện nghiên cứu: “Đánh giá thiệt hại kinh tế của nước biển dâng do biến đổi khí hậu đến sử dụng đất nông nghiệp tỉnh Nam Định”. Đề tài xác định 3 mục tiêu hướng đến là: Xây dựng được quy trình đánh giá thiệt hại kinh tế của NBD do biến đổi khí hậu (BĐKH) đến sử dụng đất nông nghiệp (ĐNN) tại khu vực ven biển miền Bắc Việt Nam; Áp dụng quy trình và hệ phương pháp để xác định giá trị thiệt hại trong sử dụng đất nông nghiệp do nước biển dâng tại khu vực ven biển tỉnh Nam Định; Đề xuất các giải pháp thích ứng với NBD đến sử dụng đất nông nghiệp trong bối cảnh BĐKH tại tỉnh Nam Định.
Trong đó, PGS.TS. Doãn Hà Phong xác định đối tượng nghiên cứu là 4 loại đất nông nghiệp (nuôi trồng thủy sản, rừng ngập mặn, trồng lúa, làm muối) và cơ sở hạ tầng liên quan sản xuất nông nghiệp (đê, cống ngăn mặn) tại các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy và Xuân Trường trong chu kỳ 10 năm từ 2020 – 2050 được quy đổi giá trị về năm 2010.
Qua các phương pháp nghiên cứu, tác giả xác định tổng diện tích 4 loại ĐNN bị tác động bởi NBD từ 2020 – 2050 dao động khoảng 1,3% đến 9,3% diện tích đất tự nhiên của mỗi huyện. Tại huyện Nghĩa Hưng, tỷ lệ diện tích 4 loại ĐNN bị tác động lớn nhất và dao động từ 2,9 đến 9,3% diện tích đất tự nhiên của huyện, tương ứng với diện tích 762,1ha (2020) và 2461,6ha (2050). Mức tăng giảm dần ở huyện Hải Hậu, dao động từ 2,4 đến 8,3%, huyện Giao Thủy là 1,5 – 8,3% và cuối cùng là Xuân Trường khoảng 1,3 đến 5,1%.
Tính toán thiệt hại kinh tế do tác động của NBD đến 4 huyện vào năm 2020, 2030, 2040 và 2050 theo các phương án sử dụng đất cho thấy: Từ năm 2030, 2040 và 2050 tổng thiệt hại ở các huyện gia tăng lần lượt là 1,1%, 1,8 và 2,5% tổng GDP của địa phương. Trong đó, Giao Thủy là huyện bị thiệt hại nặng nhất. Vào năm 2030, giá trị thiệt hại tăng 103,2% so với năm 2020, đến năm 2040 giá trị thiệt hại tăng 53% so với năm 2030, năm 2050 giá trị thiệt hại ở huyện lên đến 343.879,7 triệu đồng (tăng 52,3%) so với năm 2040.
Trong các đối tượng bị tác động ở khu vực ngoài đê thì đất rừng ngập mặn là đối tượng chịu tác động lớn nhất. Khu vực trong đê thiệt hại chủ yếu là chi phí đầu tư để nâng cấp đê và diện tích đất trồng lúa.
Tổng giá trị thiệt hại ở 4 huyện có quan hệ mật thiết với diện tích các loại ĐNN bị tác động do NBD, trong đó phương án sử dụng đất theo hiện trạng 2010 có tỷ lệ ĐNN bị tác động lớn nhất, giảm dần ở phương án hiện trạng 2015 và quy hoạch 2020. Tương ứng với sự khác biệt về diện tích bị tác động là giá trị thiệt hại được tính toán theo các kịch bản và các năm. Phương án sử dụng đất theo hiện trạng 2010 có giá trị thiệt hại lớn nhất: năm 2020 tương ứng với mức thiệt hại hoàn toàn khu vực ngoài đê và thiệt hại nặng khu vực trong đê, tổng giá trị thiệt hại ở 4 huyện chiếm 0,8% GDP của tỉnh và tiếp tục tăng vào năm 2030 là 1,3%; 2% năm 2040 và 2,8% vào năm 2050.
Ngược lại, với mức thiệt hại ngoài đê rất nặng và khu vực trong đê một phần thì giá trị thiệt hại giảm như sau: năm 2020 0,7%; 2030 1,1%; 2040 1,7% và 2,4% tương ứng 2050. Điều này chứng tỏ, việc quy hoạch và dịch chuyển trong sử dụng đất ở các huyện ven biển nhìn chung đang dần thích ứng với BĐKH. Tương tự, theo hiện trạng 2015, mức thiệt hại dao động từ 0,6% năm 2020 đến 2,5% tổng GDP của địa phương vào năm 2050. Theo quy hoạch 2020, mức thiệt hại là nhỏ nhất dao động từ 0,7 đến 2,5%.
Giải pháp thích ứng
Từ hiện trạng trên, PGS.TS. Doãn Hà Phong đã đưa ra các giải pháp nhằm thích ứng và sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên quản lý, giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Chuyển dịch cơ cấu đất ĐNN tại các huyện cần đảm bảo diện tích lúa đến năm 2020 ở huyện Nghĩa Hưng là 8.599,4 ha; huyện Hải Hậu với 8.014,4 ha; huyện Giao Thủy là 46.561,0 ha và huyện Xuân Trường là: 4.608,8 ha. Giám sát việc thực hiện quy hoạch hằng năm nhằm hạn chế việc chuyển đổi tự phát tại một số địa phương, đặc biệt là các khu vực: xã Hải Châu, Hải Phúc, Hải Quang – Hải Hậu; Giao Thịnh, Giao Yến, Giao Hải, Giao Thiện – Giao Thủy; Nghĩa Hồng, Nghĩa Lạc – Nghĩa Hưng; Thọ Nghiệp, Xuân Phú – Xuân Trường vì có thể thúc đẩy quá trình xâm nhập mặn và nhiễm mặn vào nội đồng nhanh hơn. Phân bổ, xác định ranh giới, cắm mốc; giao cho các Ban quản lý rừng và Ủy ban nhân dân xã trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý.
Các phương án và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trong bối cảnh nước biển dâng do biến đổi khí hậu được đưa ra với từng loại đất. Cụ thể, với việc sử dụng đất nuôi trồng thủy sản, tác giả khuyến cáo các hộ nên chuyển đổi mô hình nuôi quảng canh cải tiến sang mô hình nuôi tôm xen cá. Với đất trồng lúa, nghiên cứu đề xuất cần tiếp tục và mở rộng việc sử dụng giống lúa ưa mặn hoặc chuyển đổi thời vụ gieo trồng phù hợp.
Riêng đối với rừng ngập mặn, khuyến khích trồng mới và bảo vệ RNM theo 2 mô hình: Mô hình sinh kế ao/đầm tôm sinh thái tiến tới xây dựng thương hiệu “tôm sinh thái Nam Định”; Xây dựng “hương ước bảo vệ rừng ngập mặn” tại các xã vùng đệm vườn Quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên.
Cùng với đó, nghiên cứu đã xây dựng được bộ dữ liệu cho việc đánh giá thiệt hại kinh tế của nước biển dâng do BĐKH tại khu vực ven biển tỉnh Nam Định gồm: Cơ sở dữ liệu về kịch bản BĐKH, nước biển dâng; số liệu về sử dụng đất nông nghiệp…; Hệ thống bản đồ nguy cơ ngập và bản đồ tác động của nước biển dâng đến sử dụng đất nông nghiệp; Bảng số liệu về diện tích nguy cơ ngập được phân tách thành 2 khu vực trong và ngoài đê ở 4 huyện dao động từ 1,3-10,7% diện tích tự nhiên của các huyện, trong đó huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng có diện tích đất trồng lúa bị tác động do NBD nhiều nhất vào năm 2050 khoảng 25%.
Toàn cảnh hội thảo
Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ xem xét tác động của NBD do BĐKH tới các loại ĐNN. Những yếu tố khác như các hiện tượng thời tiết cực đoan: nắng nóng, rét đậm, rét hại, mưa lớn… cần được nghiên cứu để có thể đánh giá toàn diện tác động của BĐKH cho tỉnh Nam Định.