Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rủi ro khí hậu đến các đô thị Việt Nam

Trong nghiên cứu của mình, TS. Nguyễn Hữu Quyền (Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng Nông nghiệp) đã khái quát các rủi ro khí hậu tại các đô thị Việt Nam, nêu kinh nghiệm quốc tế về đô thị chống chịu với BĐKH và đưa ra giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của rủi ro khí hậu đến các đô thị Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Rủi ro khí hậu đô thị ở Việt Nam

Biến đổi khí hậu đang tăng nhanh trong thế kỷ 21 do nóng lên toàn cầu. Qúa trình đô thị hóa làm thay đổi bề mặt, tập trung dân cư, ô nhiễm môi trường,… khiến các hiện tượng cực đoan theo mùa, trái mùa, vùng địa lý và BĐKH tăng nhanh hơn. Đô thị hóa càng phát triển, các hiện tượng cực đoan trong đô thị ngày càng gia tăng và mở rộng. Các đô thị ven biển còn chịu tác động do các thiên tai khác như: nước biển dâng, gió mạnh, sóng lớn, …

Theo Quyết định số 858/QĐ-BXD ngày 30/9/2022 của Bộ Xây dựng về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai của Bộ Xây dựng đến năm 2025 đã xác định các rủi ro và tác động của khí hậu đến đô thị Việt Nam. Trong đó, đô thị lớn tập trung (5 TP trực thuộc Trung ương và 14 đô thị loại 1) có nguy cơ ngập úng do mưa lớn, triều cường, bão lớn và dông lốc. Đô thị miền núi phía Bắc có nguy cơ sạt lở, lũ quét, rét hại, nắng nóng, sương muối, mưa lớn. Đô thị Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thì lũ, bão, ngập lụt, hạn hán, mưa lớn, nắng nóng, rét hại. Đô thị ven biển miền trung có các loại thiên tai như mưa lớn, lũ lớn, ngập lụt, XTNĐ, nước dâng, sạt lở bờ sông bờ biển,… Đô thị Tây Nguyên, Nam Trung Bộ thì nắng nóng, hạn hán, lũ, lũ quét, ngập lụt, XTNĐ. Đô thị Nam Bộ nguy cơ xoáy thuận nhiệt đới, lũ, ngập lụt, triều cường, nước dâng, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông bờ biển, dông lốc, sét, …

Đặc biệt, tình trạng mưa lớn và ngập lụt đô thị ngày càng phổ biến và gia tăng trong mùa mưa. Cụ thể, tại Hà Nội và các đô thị miền Bắc, kỷ lục mưa lớn vào cuối tháng 10, đầu tháng 11/2008 với lượng mưa ghi nhận là 572 mm (tại Hà Đông) và 408 mm (tại Láng) dẫn đến ngập lụt nghiêm trọng. Hàng năm, thủ đô lại ghi nhận các điểm ngập úng mới qua mùa mưa. Năm 2015, mưa lớn gây lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng tại Quảng Ninh vào tháng 8 với tổng lượng mưa cả đợt lớn nhất được ghi nhận khoảng 500mm tại Cửa Ông.

Tại các đô thị miền Trung, trận mưa lớn vào tháng 10/2020 tại Thừa Thiên Huế ghi nhận lượng mưa cả đợt 2236,2 mm (tại A lưới), 1864 mm (tại Huế). Mưa đặc biệt lớn vào tháng 10/2022 tại Đà Nẵng với lượng mưa là 1035mm (tại Bạch Mã), 709mm (tại TP Đà Nẵng).

Tại TP. Cần Thơ và các đô thị phía Nam, Mưa lớn cộng với triều cường thường xuyên gây ngập úng đô thị. Trận mưa lớn vào 26/11/2016 quan trắc được lượng mưa 345mm (tại Nhà Bè), 293 mm (tại Cần Giờ) và 407,6mm (tại Tân Bình).

Với các đô thị ở Đảo, đợt mưa lớn ở đảo Phú Quốc từ ngày 2/8 đến ngày 9/8/2019 quan trắc được là 1158 mm (chiếm 40% tổng lượng mưa năm).

Kết quả cập nhật phân vùng bão của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2014 cho thấy, số liệu công bố về gió mạnh và mưa lớn đều lớn hơn so với trong tiêu chuẩn Việt nam và quy chuẩn hiện hành của Ngành Xây dựng. Trong công bố năm 2022 của Bộ TNMT khẳng định Bão mạnh có xu thế gia tăng trong giai đoạn 1990-2018, dông lốc, mưa đá và gió mạnh ở các đô thị và khu công nghiệp có xu thế gia tăng, thiệt hại do gió mạnh và bão có xu thế gia tăng ở các đô thị.

Cùng với đó, nhiệt độ cao, nắng nóng không ngừng gia tăng. Báo cáo của Bộ TNMT năm 2022 cho thấy, các năm có nhiệt độ cao nhất xảy ra trong 2 thập kỷ gần đây. Số ngày nắng nóng tăng trong giai đoạn 1961-2018, mức tăng phổ biến 10-40 ngày và tăng nhanh hơn ở các đô thị. Theo kịch bản RCP4.5, số ngày nắng nóng ở các đô thị tăng khoảng 20-80 ngày vào cuối thế kỷ 21.

Nhiệt độ không ngừng tăng cao khiến độ bền của các công trình bị giảm. Tăng tiêu thụ điện, phụ tải điện, giảm hiệu suất truyền điện và tăng nguy cơ chập cháy mất an toàn. Nắng nóng cũng làm tăng nguy cơ cháy rừng, phá hủy hệ sinh thái, tăng tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân.

Ngoài ra, BĐKH còn tạo sức ép lớn đến đô thị ven biển và các đô thị Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Nếu mực nước biển dâng 100 cm, 47,29% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập vĩnh viễn.

Kinh nghiệm quốc tế về đô thị chống chịu với BĐKH và giải pháp cho Việt Nam

Kinh nghiệm của các đô thị trên thế giới về giải pháp chống chịu với BĐKH đã được IPCC (2018) đúc kết. Trong đó, giải pháp đầu tiên là tích hợp giảm nhẹ và thích ứng. Đây là nhóm giải pháp tổng hợp và hài hòa với tự nhiên, thực hiện đồng thời các giải pháp về giảm nhẹ và thích ứng. Giải pháp này hướng đến đô thị xanh, các-bon thấp, tạo môi trường dễ chịu cho con người sinh sống và chống chịu với thiên tai. Tuy nhiên, giải pháp này thường đòi hỏi nguồn tài chính lớn, ổn định và lâu dài.

Giải pháp thứ hai là giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH. Nhóm giải pháp này tập trung vào chống chịu với thiên tai bằng các giải pháp công trình (công trình chống chịu gió mạnh, ngập lụt, nắng nóng, nước dâng,…), tăng cường khả năng dự báo và cảnh báo thiên tai.

Tiếp theo là đồng xây dựng thông tin về rủi ro. Sự tham gia của các bên (nhà hoạch định chính sách, quản lý, nhà khoa học, cộng đồng, doanh nghiệp,…) trong đánh giá rủi ro khí hậu đô thị và xây dựng chính sách ứng phó phù hợp.

Cùng với đó là tập trung vào nhóm dân cư có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều đô thị trên thế giới chủ yếu tập trung các giải pháp ưu tiên ứng phó với BĐKH đối với những tối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, phụ nữ, nhập cư. Cuối cùng là quản trị, tài chính và mạng lưới tri thức. Thể chế, chính sách, quy hoạch, tài chính, kết nối giữa các đô thị trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, IPCC cũng chỉ ra rằng, cần làm rõ về mặt khoa học và thực tiễn 15 vấn đề trước khi tiến hành các giải pháp giảm phát thải KNK và chống chịu với BĐKH tại các đô thị. Các vấn đề này gồm: Vấn đề khoa học cơ bản về khí hậu đô thị và phát thải khí nhà kính (KNK), rủi ro thiên tai, xác định và triển khai các giải pháp giảm phát thải KNK và thích ứng với BĐKH, quy hoạch và thiết kế đô thị, công bằng, chất lượng môi trường và biến đổi khí hậu đô thị, tài chính và sự tham gia của các bên liên quan, đa dạng sinh học và hệ sinh thái đô thị, đô thị ven biển và BĐKH, sức khỏe cộng đồng và BĐKH, nhà ở và các khu dân cư, chuyển đổi năng lượng, giao thông, quản lý nước, quản lý phát thải rắn, thể chế và chính sách.

TS. Vũ Văn Thăng đặt câu hỏi về nội dung nghiên cứu

Từ các giải pháp chống chịu với BĐKH của quốc tế, TS. Nguyễn Hữu Quyền đã đưa ra một số kiến nghị cho Việt Nam. Trong đó, cần triển khai thực hiện các nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học về khí hậu đô thị và rủi ro thiên tai phục vụ công tác quy hoạch và thiết kê đô thị giảm phát thải KNK và chống chịu với BĐKH. Ưu tiên triển khai thực hiện các giải pháp giảm phát thải KNK và chống chịu với BĐKH dựa vào tự nhiên và hướng tới đô thị thông minh ứng phó với BĐKH. Xác định rõ lộ trình lâu dài nhằm hướng đến mục tiêu chung là phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ 21, chống chịu với thiên tai do BĐKH.