Nhân dịp chào mừng 1 năm thành lập Chi hội nữ trí thức Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, chào mừng ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, trong khuôn khổ thực hiện kế hoạch năm 2024, sáng ngày 18/10, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) phối hợp với Chi hội Nữ Trí thức Việt Nam tổ chức Hội thảo “Động lực học nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các giải pháp sáng tạo và lồng ghép vấn đề giới nhằm giảm thiểu rủi ro”. Hội thảo nhằm thúc đẩy lồng ghép giới trong các nghiên cứu sáng tạo của Chương trình IHP.
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Viện trưởng) với sự tham dự của các khách mời: Bà Lê Thị Hợp (Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam); NGND. GS. TS. Đặng Thị Kim Chi (Trưởng Ban Đào tạo và Nâng cao năng lực cho Nữ trí thức); PGS.TS. Bùi Công Quang (Nguyên giảng viên cao cấp Đại học Thủy lợi); Đại diện các cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà cho biết, Viện KTTVBĐKH được thành lập năm 1977, là một trong những đơn vị nghiên cứu đi đầu về khí tượng, thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu tại Việt Nam và được giao làm cơ quan đầu mối quốc gia của Chương trình thủy văn liên chính phủ (IHP) tại Việt Nam. Đây là chương trình liên chính phủ của Liên hợp quốc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu quốc tế về thủy văn, quản lý tài nguyên nước, giáo dục và nâng cao năng lực về đánh giá, quản lý tài nguyên nước và phát triển bền vững. Chương trình IHP giai đoạn 9 năm 2022 – 2029 với tầm nhìn hướng đến thế giới an toàn về nước, quản lý tổng hợp hiệu quả nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Các chuyên gia tham dự hội thảo
Theo PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến động lực học của nước, làm thay đổi các chu kỳ mưa, lũ lụt, hạn hán, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của hàng triệu người trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, các giải pháp sáng tạo nhằm quản lý và bảo vệ nguồn nước là điều vô cùng cần thiết. Tháng 9 vừa qua, Việt Nam vừa trải qua cơn bão số 3 Yagi – cơn bão mạnh nhất châu Á, gây mưa lớn diện rộng, ảnh hưởng nặng nề đến miền Bắc và miền Trung Việt Nam, khiến hơn 30.000 người dân phải sơ tán. Điều này minh chứng rõ ràng cho sự cấp thiết của việc phát triển các giải pháp sáng tạo nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Người đứng đầu Viện KTTVBĐKH cho rằng, việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai không chỉ dừng lại ở việc phát triển các giải pháp kỹ thuật, mà còn phải chú trọng đến việc lồng ghép vấn đề giới trong các chính sách và giải pháp ứng phó. Việc đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ và nam giới trong quá trình quản lý và sử dụng tài nguyên nước sẽ giúp tăng cường hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu rủi ro.
Các đại biểu tham dự hội thảo và chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam
Đồng quan điểm với PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Bà Lê Thị Hợp (Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam) cho rằng, trong một năm qua, Chi hội Nữ Trí thức Viện Khoa học KTTVBĐKH đã có những bước phát triển đáng khích lệ, cả về số lượng thành viên lẫn chất lượng các hoạt động. Các chị em đã tham gia tích cực vào các nghiên cứu và đề tài khoa học quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.
Bà Lê Thị Hợp phát biểu tại hội thảo
Theo Bà Hợp, phụ nữ trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong các lĩnh vực nghiên cứu đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao. Tuy nhiên, chị em trong Chi hội đã thể hiện bản lĩnh, tài năng và tinh thần cống hiến không ngừng nghỉ, để vượt qua những khó khăn và tạo nên những thành quả đáng tự hào. Tại hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ III – 2023, Chi hội có 3 nữ trí thức, là những tiến sĩ trẻ tuổi có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học được vinh dự nhận bằng khen tại hội nghị. Nữ trí thức của Viện cũng đã tích cực tham gia đóng góp cho các hoạt động của Hội nữ trí thức Việt Nam, đặc biệt trong Hội nghị mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực Châu Á, Thái Bình Dương – APNN tổ chức ngày 4-5/10/2024 vừa qua. Bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức mới, đòi hỏi cần có những giải pháp khoa học và công nghệ tiên tiến để ứng phó hiệu quả, đặc biệt giảm thiểu rủi ro cho các đối tượng dễ bị tổn thương trong đó có phụ nữ.
Trong khuôn khổ hội thảo, các báo cáo viên đã lần lượt trình bày những nghiên cứu liên quan đến tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu. TS. Trịnh Thu Phương (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) trong báo cáo: “Đặc điểm lũ lớn và nhận dạng lũ lớn trong nùa lũ chính vụ phục vụ vận hành hồ chứa và phòng chống thiên tai” đã giới thiệu về hệ thống sông Hồng- Thái Bình, đặc điểm lũ lớn, nhận dạng lũ và một số kết quả thử nghiệm.
TS. Trịnh Thu Phương
PGS. TS. Hoàng Thị Thu Hương (Khoa Hóa học và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội) đã trình bày góc nhìn toàn cảnh về hiện trạng sử dụng nước, ô nhiễm nước, việc quản lý tài nguyên nước cũng như việc sử dụng nước thông minh trong bảo tồn nước sạch và vai trò của phụ nữ trong quản lý tài nguyên nước.
PGS. TS. Hoàng Thị Thu Hương
Trong báo cáo của mình, TS. Tạ Thị Thu Hằng (Trung tâm nghiên cứu Môi trưởng) đã đánh giá chất lượng nước sông và hồ trên địa bàn nội tỉnh tỉnh Hòa Bình, hiện trạng xả thải vào nguồn nước của các lưu vực sông trên địa phận Tỉnh, đánh giá sức chịu tải và khả năng tiếp nhận nước thải hệ thống sông ngòi hồ chứa và đề xuất giải pháp cải thiện nâng cao chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
TS. Tạ Thị Thu Hằng
Đề cập đến vấn đề đang mang tính thời sự hiện nay, báo cáo của TS. Nguyễn Thanh Thủy (Đại học Thủy Lợi) đã đánh giá hiểm họa ngập lụt đô thị ở Hà Nội trong điều kiện khí hậu hiện tại và tương lai.
TS. Nguyễn Thanh Thủy
Là đại diện nam duy nhất báo cáo tại hội thảo, ThS. Lương Tuấn Trung, (Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và Hải văn) đã trình bày về giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống lũ và hệ thống hỗ trợ ra quyết định ứng phó tình huống xảy ra lũ lớn, tổ hợp lũ bất lợi trên lưu vực sông Hồng. Nghiên của của ThS Trung cho thấy, hệ thống hỗ trợ quyết định để quản lý các kịch bản lũ lụt lớn và phức tạp ở lưu vực sông Hồng bao gồm một nền tảng cơ sở dữ liệu và WebGIS để hiển thị và trích xuất dữ liệu, thông tin về giám sát và dự báo thủy văn-khí tượng, các kịch bản lũ lụt, rủi ro lũ lụt, v.v. xây dựng trên bằng công nghệ mã nguồn mở: PostGreSql, PostGIS, Geoserver.
ThS. Lương Tuấn Trung
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, mang tính xây dựng cao, các chuyên gia tham dự hội thảo đã nhiệt tình trao đổi khoa học về động lực nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, chia sẻ các giải pháp mới và lồng ghép vấn đề giới để giảm thiểu các rủi ro liên quan đến nước.