Việt Nam tham dự cuộc họp Ban chỉ đạo IHP khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (RSC-AP) lần thứ 31

Chương trình Thủy văn quốc tế (IHP) của UNESCO, được thành lập vào năm 1975, là chương trình liên chính phủ của Liên Hợp Quốc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu quốc tế về thủy văn, quản lý tài nguyên nước, giáo dục và nâng cao năng lực về đánh giá, quản lý tài nguyên nước và phát triển bền vững. Hàng năm, Chương trình Thủy văn Quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tổ chức Cuộc họp thường niên Ban chỉ đạo IHP khu vực châu Á – Thái Bình Dương (RSC-AP). Năm 2024, Cuộc họp thường niên Ban chỉ đạo IHP khu vực châu Á – Thái Bình Dương (RSC-AP) được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc.

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu được giao là cơ quan đầu mối chuyên môn của IHP tại Việt Nam. PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu hiện đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban quốc gia IHP Việt Nam đã tham dự Cuộc họp nêu trên.

Toàn cảnh cuộc họp

Ngày đầu tiên của hội thảo, hai phiên họp đã được diễn ra. Phiên họp bàn tròn về “Thực hiện UNESCO IHP-IX ứng phó với thiên tai liên quan đến nước ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”. 68 đại biểu đến từ 11 nước thành viên đã tập trung thảo luận và xác định những thách thức về nước trong tương lai, các phương pháp hiệu quả để giải quyết những thách thức này và đưa ra dự thảo Tuyên bố kêu gọi hành động của Ban chỉ đạo IHP khu vực châu Á – Thái Bình Dương với 05 chủ đề ưu tiên theo UNESCO IHP-IX gồm: (1) Nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; (2) Giáo dục về nước trong cách mạnh công nghiệp lần thứ 4; (3) Thu hẹp khoảng cách dữ liệu-kiến thức; (4) Quản lý nước tổng hợp dưới điều kiện thay đổi toàn cầu; (5) Quản lý nước dựa trên khoa học để giảm thiểu, thích ứng và phục hồi. Bên cạnh đó, các nước thành viên trao đổi và đưa ra tầm nhìn của RSC-AP hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập IHP.

Ban chỉ đạo IHP khu vực châu Á – Thái Bình Dương đưa ra Tuyên bố kêu gọi hành động

Phiên họp thảo luận song song, các nước thành viên tập trung thảo luận Danh mục Phân tích thủy văn (CHA) lần thứ 7 với chủ đề “Thiếu nước và hạn hán ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”. Bên cạnh đó, các nước thành viên đã cùng nhau chia sẻ kết quả thực hiện IHP-IX qua đó thúc đẩy cơ hội hợp tác khoa học và giáo dục giữa các quốc gia nói chung cũng như trao đổi kiến thức và kinh nghiệm giữa các nhà khoa học nói riêng.

Ngày thứ hai hội thảo, Cuộc họp Ban chỉ đạo IHP khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (RSC) lần thứ 31 đã được diễn ra. Tại đây, các nước thành viên đã trình bày báo cáo quốc gia. Đại diện đoàn Việt Nam, PGS. TS Phạm Thị Thanh Ngà đã trình bày báo cáo quốc gia của Việt Nam, thông qua các hoạt động thực hiện IHP-IX, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật là phát triển nhanh chóng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực tài nguyên nước và quản lý thảm họa liên quan (cảm biến từ xa, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật…) và có được sự hợp tác sâu rộng với các nhà nghiên cứu và đối tác quốc tế.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà trình bày báo cáo quốc gia

Tại Cuộc họp, các quốc gia, tổ chức thành viên tiến hành bầu Chủ tịch Ban chỉ đạo IHP khu vực châu Á – Thái Bình Dương (IHP – RSC) cho nhiệm kỳ mới. Với vai trò là thành viên tham gia tích cực các hoạt động của Chương trình Thủy văn Quốc tế, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu hiện, Chủ tịch Ủy ban quốc gia IHP Việt Nam đã được bầu làm Chủ tịch của Ban chỉ đạo IHP khu vực châu Á – Thái Bình Dương (RSC-AP) nhiệm kỳ 2025-2027, trở thành Chủ tịch nữ đầu tiên của RSC_AP trong lịch sử 50 năm.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà phát biểu nhận chức Chủ tịch Ban chỉ đạo IHP khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Ngày thứ 3 hội thảo, các đại biểu đã được đến thăm Trung tâm kiểm soát lũ tại Seoul

Các đại biểu tham quan Trung tâm Kiểm soát lũ Seoul

Cuộc họp thường niên Ban chỉ đạo IHP khu vực châu Á – Thái Bình Dương (RSC-AP) lần thứ 31 diễn ra là cơ hội đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường năng lực khoa học và kỹ thuật và thúc đẩy các hoạt động quản lý nước toàn diện của các quốc gia. Hướng tới kỷ niệm 50 năm Chương trình Thuỷ Văn Quốc tế (UNESCO/IHP), Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị IHP lần thứ 32 ở Việt Nam năm 2025, nhằm nâng cao vị thế và thúc đẩy các của hoạt động IHP ở khu vực hướng tới đạt được an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hỗ trợ các Mục tiêu phát triển bền vững và các sáng kiến toàn cầu khác như Thỏa thuận Paris và Sendai.