Ngày 30/10/2018, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo Tổng kết dự án “Hỗ trợ các hành động giảm nhẹ biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) tại Việt Nam” tại khách sạn Pullman, Cát Linh, Hà Nội.
Biến đổi khí hậu là một vấn đề sống còn đối với tất cả các nước đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực của tất cả các quốc gia, vùng, lãnh thổ trên toàn thế giới. Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn chủ động và tích cực thực hiện các cam kết quốc tế và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với việc phê duyệt Thoả thuận Paris, Việt Nam, trong những năm vừa qua, đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trọng tâm tập trung vào việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cũng như thực hiện các nghĩa vụ báo cáo liên quan đệ trình lên Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) như Báo cáo cập nhật 2 năm 1 lần (BUR) lần thứ 2, Thông báo quốc gia lần thứ 3 (TNC3). Ngoài ra, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đang phối hợp với các bộ, ngành rà soát, cập nhật báo cáo NDC cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội tại Việt Nam đồng thời chuẩn bị thông tin cho Đánh giá nỗ lực toàn cầu năm 2019.
Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cùng với các đối tác phát triển khác, thời gian vừa qua đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng các văn bản quan trọng liên quan tới ứng phó biến đổi khí hậu như Đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC hay còn gọi là NDC 1); Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, Dự án “Hỗ trợ các hành động giảm nhẹ biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) tại Việt Nam´được thực hiện trong 4 năm 2014 – 2018 đã đóng góp rất lớn cho các kết quả kể trên.
Dự án gồm có 5 hợp phần chính tập trung vào xây dựng khung thể chế chính sách cho NAMA tại Việt Nam, hỗ trợ xây dựng đề xuất NAMA cho 2 ngành cụ thể (giao thông công cộng bền vững và tiết kiệm năng lượng cho ngành dệt may), xây dựng Cổng thông tin theo dõi đánh giá (MRV), hỗ trợ năng lực đàm phán khí hậu của Việt Nam và xây dựng Đóng góp quốc gia tự quyết định NDC 1 và 2. Ngoài ra, Dự án cũng giúp quản lý và điều phối hoạt động của các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Khí hậu toàn cầu của Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam.
Với sự hợp tác chặt chẽ giữa Viện KTTV&BĐKH và Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ), Dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra và góp phần không nhỏ vào các nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu, cắt giảm phát thải khí nhà kính gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu đồng thời giúp các cộng đồng dân cư tránh được các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra.
Trong quá trình thực hiện, dự án đã phối hợp thành công với các bộ, ngành liên quan như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, v.v. cũng như các tổ chức phát triển khác như UNDP, JICA, WB để đảm bảo các hoạt động dự án mang lại các hiệu quả thiết thực cũng như tăng cường sự hợp tác liên ngành giữa các cơ quan chính phủ và các đối tác phát triển.
Sau 4 năm thực hiện, 2014-2018, dự án đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Hôm nay trong Hội thảo tổng kết dự án, 4 báo cáo đã trình bày trọng tâm vào kết quả chính và những thành tựu nổi bật của dự án. Dự án đã hỗ trợ đúng vào thời điểm Việt Nam rất cần thể hiện trách nhiệm của quốc gia, thực hiện các cam kết của một Bên thuộc Công ước khí hậu thông báo về đóng góp của mình cho nỗ lực chung toàn cầu, cũng như chuẩn bị triển khai Thỏa thuận Paris sau khi Chính phủ đã phê chuẩn vào cuối năm 2016.
Buổi hội thảo tổng kết dự án có mặt đông đủ các đại diện cho các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ, các đơn vị liên quan và các chuyên gia đã thể hiện mối quan tâm chung của tất cả chúng ta trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều nội dung liên quan đến hoạt động của dự án sẽ được tiếp tục thực hiện trong dự án mới, dự án SIPA. Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục tích cực triển khai công việc theo kế hoạch đã đề ra.