Hội thảo Khoa học chống chịu với khí hậu và phát triển các-bon thấp

Ngày 10/10/2018, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội thảo Khoa học Chống chịu với khí hậu và phát triển cácbon thấp ” tại Hà Nội. 
 
 
 
Biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, các diễn biến gần đây vượt xa mức được ghi nhận là kỷ lục trước đó. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), năm 2016 lại phá kỷ lục của năm 2015 trở thành năm nóng nhất trong lịch sử tồn tại của loài người; nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tăng 0,06 độ C so với năm 2015. Mực nước biển trung bình toàn cầu dâng cao khoảng 20 cm kể từ đầu thế kỷ 20; diện tích băng các vùng cực tiếp tục bị thu hẹp, đang ở mức thấp nhất giai đoạn 1979-2016. Với nồng độ CO2 ghi nhận trong bầu khí quyển tiếp tục tăng, đã vượt quá ngưỡng 400 ppm vào tháng 3 năm 2015, cao nhất từ khi bắt đầu có số liệu quan trắc.
Nhiệt độ gia tăng, mực nước biển dâng làm tăng nguy cơ ngập lụt, triều cường, xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, làm giảm khả năng cung ứng các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đối với sinh kế của người dân đang là một trong các thách thức trực tiếp từ tác động của biến đổi khí hậu.
Hạn hán, lũ lụt, các hiện tượng khí hậu thời tiết cực đoan gia tăng, lượng mưa, phân bố mưa thay đổi làm tăng nguy cơ thiếu lương thực, xung đột tài nguyên, gia tăng ô nhiễm môi trường, tạo ra bất ổn xã hội do di dân, mất đất canh tác do xói lở, xâm nhập mặn là các thách thức được tạo ra từ tính chất làm gia tăng mức độ tác động của nhiều vấn đề hiện hữu khác của biến đổi khí hậu. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, hầu hết các cửa sông tại Đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn từ 50 km đến 70 km. Đặc biệt, trên sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn vào sâu hơn 90 km. Hàng loạt hậu quả nặng nề đã và đang ảnh hưởng trực tiếp với người dân. Diễn biến sạt lở bờ sông, bờ biển có xu thế ngày càng gia tăng. Tốc độ xói mòn đã vượt tốc độ bồi tích làm diện tích Đồng bằng sông Cửu Long giảm khoảng 300 ha một năm, chưa kể đến diện tích bị ngập do nước biển dâng, sụt lún và nâng hạ địa chất. Sau nửa ngày làm việc tập trung và trách nhiệm, Hội thảo Khoa học đã thành công tốt đẹp theo nội dung, chương trình đề ra. Hội thảo đã chia thành nhiều phiên làm việc nghiêm túc và hiệu quả theo những chủ đề khác nhau. Tại các phiên, đại biểu đã tập trung nghe các tham luận, thảo luận sôi nổi và cùng chia sẻ kinh nghiệm về công tác chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu; Các kết quả và khuyến nghị chính của Báo cáo đặc biệt của IPCC về tác động của sự nóng lên toàn cầu ở mức độ 1,50C (SR15) và một số kinh nghiệm quốc tế; Các phương án thích ứng với biến đổi khí hậu; Các phương án giảm nhẹ biến đổi khí hậu…Nội dung các tham luận tập trung vào những vấn đề liên quan đến chủ đề chung “Chống chịu với khí hậu và phát triển cácbon thấp ”.
Tại Hội thảo lần này, nhiều tham luận được các tác giả trình bày là kết quả nghiên cứu, phân tích, ứng dụng, các thành tựu khoa học chuyên sâu như: Những thành tựu của IPCC, một số kết quả, khuyến nghị chính của SR15 và những hoạt động nổi bật của IPCC, Nỗ lực toàn cầu trong thực hiện NDC và kết quả ban đầu của tiến trình đối thoại Talanoa, Phương thức tiếp cận đa ngành ứng phó với biến đổi khí hậu, Tài chính cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính…Tại hội thảo, các quý vị đại biểu sẽ được chia sẻ các nỗ lực của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững tại Đồng Bằng Sông Cửu Long; các mô hình tốt trong ứng phó với BĐKH, cách tiếp cận hài hòa và đồng lợi ích giữa các phương án thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam…
 
 
 Phòng KHĐTHTQT 
 

 

Để lại một bình luận