Đầu tư phát triển khao học cơ bản chuyên sâu về mây hay tăng cường hiểu biết về mây sẽ giúp cho việc cải tiến chất lượng dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai, dự báo khí hậu. Dưới đây là toàn bộ bài trả lời phỏng vấn của PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu đối với những câu hỏi được đưa ra bởi phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường xung quanh vấn đề này.
PV: Bà đánh giá như thế nào về công tác nghiên cứu mây hiện nay?
PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương: Trong hệ thống khí hậu Trái đất, mây là một nhân tố vô cùng quan trọng. Tuy vậy, khoa học nghiên cứu về mây đến nay còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân do thuộc tính của mây (năng suất phản xạ bức xạ trực tiếp và mây gây mưa) rất phức tạp, phụ thuộc vào kích thước của các giọt nước và phương thức kết dính các phần tử hơi nước với nhau. Vì sự phụ thuộc này và những khó khăn trong giám sát mây toàn cầu, các nhà khoa học gặp rất nhiều thách thức khi tham số hóa các đám mây trong mô hình khí hậu. Đóng góp của mây đối với sự ấm lên toàn cầu vẫn còn là một bài toán nan giải trong khoa học khí quyển.
Ngoài ra, mức độ đóng góp vào hiệu ứng nhà kính của các thành phần trong khí quyển mới chỉ là ước tính. Trên thực tế, khó có thể nói chính xác chúng đóng góp bao nhiêu phần trăm, vì một số chất khí hấp thụ và phát xạ bức xạ có cùng bước sóng với những chất khác và hiệu ứng nhà kính tổng cộng không đơn thuần là tổng đóng góp của từng chất khí.
Chính vì vậy, phát triển khoa học cơ bản chuyên sâu về mây hay tăng cường “Hiểu biết về mây” là cơ sở khoa học quan trọng giúp con người có thể cải tiến chất lượng dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai, dự báo khí hậu và dự tính biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, sẽ đưa ra được các đánh giá về biến đổi khí hậu một cách cách chính xác hơn.
PV: Bà nhận định thế nào về xu hướng tăng cường nghiên cứu khoa học sâu rộng về BĐKH hiện nay?
PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương: Vấn đề xu hướng nghiên cứu khoa học sâu rộng về BĐKH, tôi cho rằng, đây là xu thế đúng đắn và mang tính toàn cầu.
Có thể thấy rất rõ trong những năm qua, BĐKH đã trở thành thách thức an ninh phi truyền thống lớn nhất mà thế giới phải đối mặt, bên cạnh các vấn đề khủng bố hay an ninh mạng. Các kết quả quan trắc toàn cầu đã ghi nhận những năm nóng nhất trong lịch sử và nhiều kỷ lục cao của nhiệt độ, kèm theo nắng nóng xảy ra gần đây. Nhiều cơn bão trái quy luật, có cường độ xảy ra hơn; nhiều trận mưa lớn phá vỡ kỷ lục và mưa lớn trái mùa; nhiều đợt khô hạn và nắng nóng kỉ lục ở nhiều nơi trên thế giới… Bởi vậy, việc phát triển khoa học sâu rộng về BĐKH là nhiệm vụ mang tính toàn cầu, nhằm giảm thiểu những rủi ro và giúp con người có thể đưa ra các giải pháp thích ứng với BĐKH hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ khoa học công nghệ là lý do quan trọng tạo nên xu hướng này. Khoa học công nghệ tính toán ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhiều hệ thống siêu máy tính đã được trang bị cho ngành khí tượng thủy văn. Khoa học Trái đất nói chung, khoa học cơ bản về vật lý khí quyển, trong đó, có các nghiên cứu về mây ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiểu biết của con người về hệ thống khí hậu toàn cầu ngày càng được nâng cao. Đây là tiền đề quan trọng giúp con người có thể cải tiến chất lượng dự báo, giải thích đầy đủ căn cơ về vấn đề BĐKH. Khoa học về giám sát bề mặt Trái đất cũng phát triển không ngừng. Thông qua cải thiện chất lượng hoạt động quan trắc, giám sát khí quyển và đại dương, con người có thể đưa ra các cảnh báo sớm tác động nghiêm trọng của thời tiết, điều kiện khí hậu. Đặc biệt, việc tăng cường phát triển các hệ thống giám sát các thành phần trong hệ thống khí quyển Trái đất sẽ góp phần quan trọng trong việc đánh giá chính xác mức độ đóng góp vào hiệu ứng nhà kính của các thành phần trong khí quyển.
PV: Là tổ chức khoa học, công nghệ và đào tạo hàng đầu cả nước trong các lĩnh vực KTTV, tài nguyên nước, môi trường và BĐKH, Viện KHKTTV&BĐKH có hướng đầu tư như thế nào để tăng cường khả năng ứng phó với những ảnh hưởng của BĐKH tại Việt Nam hiện nay, thưa bà?
PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương: Các hiện tượng cực đoan ở Việt Nam như: bão/áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, mưa lớn, lũ quét, hạn hán, xâm nhập mặn, lốc, vòi rồng… ngày càng diễn biến phức tạp trong bối cảnh BĐKH như hiện nay. Tuy vậy, công tác dự báo, đánh giá tác động còn khá hạn chế do mạng lưới quan trắc của Việt Nam chưa đủ tinh, các số liệu thám không, số liệu ra đa còn hạn chế, việc nghiên cứu ứng dụng các mô hình động lực độ phân giải cao chưa được phát triển mạnh do hạn chế về tài nguyên tính toán…
Trải qua 40 năm phát triển, Viện KTTV&BĐKH đã xây dựng được đội ngũ cán bộ trình độ cao, tập hợp các nhà khoa học đầu ngành trong từng lĩnh vực KTTV, tài nguyên nước, môi trường và BĐKH. Trong những năm tiếp theo, Viện phấn đấu đưa các nghiên cứu đạt trình độ tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á và một số lĩnh vực đạt trình độ Châu Á và thế giới.
Ngoài đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đối với các lĩnh vực đã và đang là thế mạnh của Viện như khí tượng, khí hậu, khí tượng nông nghiệp; thủy văn, tài nguyên nước; KTTV biển; môi trường; BĐKH… Viện hướng tới nghiên cứu về dự báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, các cực đoan khí hậu (hạn hán, nắng nóng, rét đậm, rét hại), nghiên cứu phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, trượt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn. Đánh giá tác động của BĐKH, mức độ tổn thương do BĐKH và xây dựng các giải pháp thích ứng đối với BĐKH…
Viện sẽ tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành TN&MT, trong đó, tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên đạt chuẩn trong nước và quốc tế trên cơ sở nguồn cán bộ khoa học của Viện, phát triển hợp tác đào tạo với các cơ sở đào tạo quốc tế… Đồng thời, mở rộng cung ứng các dịch vụ về điều tra cơ bản, tư vấn, thẩm định, thông tin, xuất bản, phổ biến khoa học và công nghệ…; đưa các dịch vụ vào phục vụ thiết thực cho các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!