Thông tin khí tượng thủy văn (KTTV) ngày càng đóng vai trò quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) và công tác phòng chống thiên tai. Trong những năm qua, Ngành KTTV đã không ngừng nghiên cứu và phát triển thông tin KTTV. Trong đó, những tiến bộ rõ ràng của Ngành KTTV được thể hiện rõ ràng qua chất lượng thông tin và bản tin ngày càng có độ chính xác cao, phục vụ hiệu quả công tác phòng chống thiên tai và giảm thiểu thiệt hại. Để đạt được điều đó, Ngành KTTV đã không ngừng hiện đại hóa hệ thống quan trắc, mô hình dự báo hiện đại trên thế giới được cập nhật, đội ngũ cán bộ có trình độ cao được đào tạo trong và ngoài nước bài bản, hợp tác quốc tế được mở rộng. Nhằm thúc đẩy hoạt động dịch vụ khí hậu đến người sử dụng một cách hiệu quả, tiến tới nghiên cứu xây dựng và ban hành khung dịch vụ khí hậu quốc gia – NFCS theo hướng dẫn của tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (IMHEN) phối hợp với CARE International in Vietnam tổ chức Hội thảo quốc gia “Dịch vụ khí hậu nông nghiệp: Nhu cầu và cơ hội” (Agro-Climate Services: Needs and opportunities) vào sáng 28/01 tại Hà Nội.
Chương trình Hội thảo quốc gia “Dịch vụ khí hậu nông nghiệp – Nhu cầu và cơ hội”; báo cáo viên và tên các bài trình bày
Hội thảo quốc gia “Dịch vụ khí hậu nông nghiệp – Nhu cầu và cơ hội” là Chương trình hội thảo đầu tiên có sự tham dự đông đủ với nhiều thành phần đại biểu khác nhau, từ những nhà nghiên cứu khoa học, giảng viên, các đơn vị cung cấp dịch vụ khí hậu ở Việt Nam, các cơ quan sử dụng thông tin khí hậu phục vụ sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, các tổ chức quốc tế, đại diện các địa phương (Điện Biên, Lai Châu) đến cán bộ nông nghiệp cấp xã. Cụ thể, trên 80 đại biểu tham dự Hội thảo đến từ các cơ quan chính: Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, các đơn vị trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội, Khoa các Khoa học Liên Ngành-ĐHQG Hà Nội, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Cục Trồng trọt, Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng chống Thiên tai và các Viện nghiên cứu), người sử dụng thông tin ở cấp địa phương tại tỉnh Điển Biên và Lai Châu (đại diện Sở NNPTNT, Hội Phụ Nữ, Đài KTTV tỉnh, cán bộ nông nghiệp xã, …), các tổ chức quốc tế (CARE, CIAT, ICRAF, GIZ, UNDP, …).
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh kỷ niệm
Chủ trì Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu nhấn mạnh “Việt Nam là đất nước có hơn 70% dân số tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu lúa gạo của nước ta đứng thứ hai thế giới. Trong nước hiện nay đang có nhiều tập đoàn kinh tế lớn tham gia sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nhiều cây công nghiệp, dược liệu có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, sản xuất nông nghiệp luôn phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, khí hậu. Thông tin khí hậu đóng vai trò là số liệu đầu vào then chốt cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp như quy hoạch, lập kế hoạch sản xuất, điều chỉnh thời vụ, phòng chống thiên tai, chăm sóc cây trồng…”. Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng “GFCS được WMO công bố năm 2009. Năm 2018, WMO đã ban hành tài liệu hướng dẫn xây dựng khung dịch vụ khí hậu quốc gia – NFCS. Tài liệu của WMO và kinh nghiệm của các nước đã ban hành NFCS là thông tin quan trọng trong nghiên cứu xây dựng và ban hành khung dịch vụ khí hậu quốc gia tại Việt Nam”.
Bà Vũ Minh Hải, Quản lý Chương trình Dịch vụ khí hậu nông nghiệp của CARE, đồng Chủ trì Hội thảo, cho biết “CARE và các tổ chức quốc tế đã triển khai thực hiện nhiều dự án dịch vụ khí hậu nông nghiệp tới người sử dụng cuối cùng là cấp tỉnh-huyện và cộng đồng ở Việt Nam”, “Các dự án đã phát huy hiệu quả rõ ràng khi cán bộ ở địa phương và người dân được hỗ trợ cung cấp thông tin khí hậu phục vụ sản xuất nông nghiệp”, “Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu, người cung cấp dịch vụ khí hậu, người sử dụng thông tin khí hậu các cấp, … cùng trao đổi để xác định được: (1) Nhu cầu sử dụng thông tin khí hậu trong sản xuất nông nghiệp; (2) Khả năng đáp ứng của Ngành KTTV”. Bà Hải cũng cho rằng “Hội thảo cũng là cơ hội để cho chúng ta thấy rõ những lợi ích của dịch vụ khí hậu, lợi ích của việc xây dựng Khung dịch vụ khí hậu quốc gia -NFCS”. Đồng quan điểm với Viện trưởng Viện Khoa học KTTVBĐKH về tầm quan trọng của “Khung dịch vụ khí hậu quốc gia”, Bà Vũ Minh Hải nhấn mạnh: Hội thảo tạo cơ hội cho các bên liên quan, các tổ chức quốc tế, các đối tác và đại diện cho người dân chia sẻ, trao đổi về nhu cầu sử dụng, cũng như phát triển dịch vụ khí hậu ở Việt Nam. Đây cũng là dịp để đưa ra các đề xuất cụ thể cho tiến trình phát triển khung Dịch vụ khí hậu cho Việt Nam. Từ đó xây dựng được các khuyến cáo, chuyển tải chính xác, dễ hiểu đến người sử dụng cuối cùng, nhất là người dân thuộc nhóm dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa để họ có thể làm theo.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đăng Mậu, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã trình bày rõ các thành phần của Khung dịch vụ khí hậu toàn cầu – GFCS và hướng dẫn của WMO về nghiên cứu, xây dựng và ban hành Khung dịch vụ khí hậu quốc gia – NFCS. Theo TS. Mậu, các bước để xây dựng và ban hành Khung dịch vụ khí hậu quốc gia – NFCS: Bước 1: Đánh giá hiện trạng dịch vụ khí hậu: (1) Đối tượng sử dụng thông tin chính; (2) Hiện trạng nền tảng giao diện, dịch vụ khí hậu và khoảng chống; Bước 2: Tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia về dịch vụ khí hậu. Mục đích: (1) Xác định nhu cầu; (2) Nâng cao năng lực; (3) Xác định rõ khả năng phát triển nhu cầu; (4) Xây dựng thể chế, cơ chế chính sách thực hiện NFCS; Bước 3: Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động về NFCS; Bước 4: Thông qua, ban hành chiến lược và kế hoạch thực hiện NFCS và Bước 5: Triển khai thực hiện NFCS. Cũng theo TS. Mậu, để triển khai hiệu quả dịch vụ khí hậu “Cần xác định rõ nhu cầu của từng đối tượng sử dụng thông tin. Trong đó, việc xác định nhu cầu sử dụng thông tin cần được tiến hành theo các cấp từ cơ quan Trung ương, tỉnh, huyện và đến cộng đồng. Trong đó, yếu tố then chốt cần lưu ý là “Xác định đúng yêu cầu của người dùng và thiết kế sản phẩm khí hậu theo đúng yêu cầu là công việc cần thực hiện”, “Tương tác hai chiều giữa người cung cấp thông tin -người sử dụng thông tin thông qua giao diện tương tác (UIP)”. TS. Mậu cũng khẳng định cách tiếp cận “Chuỗi giá trị hướng đến người dùng cuối cùng” là cách tiếp cận quan trọng để phát triển dịch vụ khí hậu. Trên cơ sở phân tích các tài liệu của WMO, kinh nghiệm của các nước trên thế giới và thực tế ở Việt Nam, TS. Mậu cho rằng “Việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành Khung dịch vụ khí hậu quốc gia -NFCS ở Việt Nam là cần thiết” và TS đã đề xuất lộ trình (Roadmap) cho việc nghiên cứu, ban hành và triển khai NFCS ở Việt Nam, cũng như tổ chức bộ máy NFCS. Cụ thể, lộ trình như sau: (1) Giai đoạn khởi đầu: Thiết lập các thành phần của Khung dịch vụ khí hậu quốc gia – NFCS, cơ chế chính sách, khởi động và thực hiện các dự án/nhiệm vụ đối với các lĩnh vực ưu tiên; (2) Giai đoạn triển khai: Ban hành và triển khai thực tế Khung dịch vụ khí hậu quốc gia – NFCS đối với các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời không ngừng cải tiến hoạt động dịch vụ khí hậu và nghiên cứu dịch vụ khí hậu với các lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu khác ; (3) Giai đoạn sau: Cải tiến Khung dịch vụ khí hậu quốc gia – NFCS và hoàn thiện khung với các lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu khác.
Minh họa (a) các thành phần chính của GFCS (WMO, 2009) và (b) hướng dẫn tổ chức bộ máy hoạt động của NFCS theo hướng dẫn của WMO (2018)
Về năng lực cung cấp dịch vụ khí hậu phục vụ phát triển KTXH và phòng chống thiên tai, cũng như trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc Gia, Tổng cục KTTV đã cho thấy rất rõ những tiến bộ và công nghệ hiện đại ở các khía cạnh chính: (1) Hệ thống quan trắc được tăng cường và hiện đại hóa; (2) Công nghệ giám sát, cảnh báo và dự báo tiệm cận công nghệ hiện đại trên thế giới; (3) Năng lực tính toán hiện đại của hệ thống máy tính hiệu năng cao (HPC) và nguồn nhân lực chất lượng cao; (4) Phối hợp với các tổ chức quốc tế (IRI, Columbia University; CIAT, …) trong xây dựng Maproom hiện đại, dịch vụ khí hậu, … TS. Lâm cũng cho rằng, các sản phẩm dự báo không chỉ là những con số khí tượng mà còn có những phân tích khuyến cáo và tác động. Theo báo cáo của TS. Lâm, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia sẽ công bố “Maproom dịch vụ khí hậu” hiện đại trong năm 2021, đây là sản phẩm hợp tác với IRI (Hoa Kỳ).
Đại diện công tác nghiên cứu dịch vụ khí hậu nông nghiệp, PGS. TS. Dương Văn Khảm đã trình bày báo cáo “Triển khai thực hiện dịch vụ khí hậu nông nghiệp ở Việt Nam: Các hoạt động của IMHEN”. Trong bài trình bày, PGS. TS. Khảm đã cho thấy kinh nghiệm của Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng nông nghiệp (thuộc IMHEN): (1) Lịch sử nghiên cứu khí tượng nông nghiệp ở Việt Nam đã gần 50 năm; (2) Xây dựng được cơ sở khoa học sinh khí hậu của hầu hết cây trồng chính ở Việt Nam được đúc kết từ nghiên cứu thực nghiệm; (3) Kinh nghiệm nghiên cứu phân vùng khí hậu nông nghiệp, phân vùng và xác định cây trồng phù hợp ở các quy mô khác nhau (từ quy mô cả nước đến cấp huyện); (4) Kinh nghiệm cung cấp dịch vụ dự báo khí hậu nông nghiệp và bản tin khí hậu nông nghiệp nghiệp vụ của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; (5) Một số nghiên cứu tư vấn xác định khu vực có thể trồng các cây trồng có giá trị kinh tế cao, như sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó. PGS. TS. Khảm cũng đã nếu ra những thuận lợi, khó khăn và hướng nghiên cứu phát triển dịch vụ khí hậu và khí hậu nông nghiệp ở Việt Nam.
Minh họa hiện trạng hệ thống quan trắc KTTV ở Việt Nam
Từ phía người sử dụng thông tin khí hậu phục vụ sản xuất nông nghiệp, TS. Nguyễn Văn Dân và TS. Nguyễn Văn Vương đã trình bày báo cáo “Nhu cầu sử dụng thông tin khí hậu của ngành nông nghiệp ở việt nam, cơ hội, thách thức”.
Đặc biệt, các báo cáo từ đại diện của CIAT (Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế), ICRAF (Trung tâm Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế) và CARE đã trình bày các dự án triển khai thực tiễn dịch vụ khí hậu nông nghiệp hướng đến người sử dụng cuối cùng là cán bộ cấp huyện và cộng đồng dân cư. Trong đó, TS. TS. Kees Swaans Cornelis, CIAT và ThS. Lê Thị Tầm, ICRAF đã giới thiệu hiệu của của cách tiếp cận triển khai dịch vụ khí hậu nông nghiệp “Chuỗi giá trị dịch vụ khí hậu hướng tới người dùng cuối cùng” khi triển khai thực tế tại địa phương. Theo TS. Kee Swaans Cornelis, bài học kinh nghiệm khi triển khai dịch vụ khí hậu nông nghiệp: (1) Định dạng, nội dung, ngôn ngữ – đơn giản, dễ hiểu, hấp dẫn; (2) Các kênh chia sẻ thông tin; (3) Tần suất và mức độ liên quan của thông tin đối với nông dân; (4) Gắn kết sự tham gia của cán bộ cơ quan cấp địa phương để nhân rộng; (5) Vai trò của các Đài KTTV vùng và cấp tỉnh; (6) Cần cập nhật thường xuyên về cơ sở dữ liệu (CS-MAP); (7) Xây dựng năng lực.
Cũng theo cách tiếp cận của CIAT, ThS. Lê Thị Tầm đại diện của ICRAF trình bày kinh nghiệm thực tế khi triển khai dịch vụ khí hậu nông nghiệp tại Hà Tĩnh, bài học kinh nghiệm: (1) Cần phải xác định rõ người sử dụng ở cấp huyện và cộng đồng dân cư cần gì? (2) Xác định được yếu tố khí hậu cần cung cấp; (3) Cần xây dựng bản tin dễ hiểu, bản tin cần có khuyến nghị sản xuất nông nghiệp; (4) Sử dụng nhiều phương thức truyền thông để đưa thông tin đến người sử dụng kịp thời. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của ICRAF cũng đã đề xuất một số tiêu chí đánh giá hiệu quả dịch vụ khí hậu nông nghiệp ở Việt Nam gồm: (1) Mạng lưới DVKH được thiết lập; (2) Cách tiếp cận: hợp tác cùng xây dựng; (3) Có khả năng nhân rộng; (4) Xây dựng dựa trên nhu cầu; (5) Tính bền vững; (6) Giới, tính toàn diện và công bằng.
Đặc biệt trong dự án InfoAct của CARE, cũng theo cách tiếp cận Chuỗi giá trị dịch vụ khí hậu hướng tới người dùng cuối cùng” triển khai trên khu vực tỉnh Điện Biên và Lai Châu, CARE đã lượng hóa được “hiệu quả kinh tế” khi áp dụng dịch vụ khí hậu nông nghiệp đối với cây lúa, chè, cà phê. Trong dự án này, CARE đã thử nghiệm đánh giá và so sánh hiệu quả của giữa vùng sử dụng thông tin khí hậu nông nghiệp và vùng không sử dụng thông tin khí hậu nông nghiệp. Kết quả cho thấy, hiệu quả kinh tế được cải thiện hơn đối với cả ba loại cây trồng trong vùng được hỗ trợ của dự án so với các vùng không nhận được sự hỗ trợ. Từ kết quả của dự án InfoAct, CARE kiến nghị: (1) Các kết quả của dự án được đánh giá rất tích cực, có hiệu quả cao về phân tích kinh tế, tài chính và tính áp dụng cao về mặt thực tiễn; (2) Đề nghị mở rộng bản tin dự báo gắn với lập kế hoạch cho diện tích canh tác lúa, cà phê, chè của các xã khác được hưởng lợi; (3) Tăng cường truyền thông và trao đổi để tăng số lượng hộ trồng chè tham gia vào các tổ nhóm VLSA hoặc các hội đoàn thể khác trong thôn bản để các hộ có thể được tiếp cận với kiến thức chăm sóc, thu hoạch chè, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình; (4) Tăng cường trao đổi, phổ biến cách tiếp cận với các bản tin mùa, bản tin tháng, bản tin tuần cho các loại cây trồng, cập nhật các bản tin dự báo thời tiết thông qua phần mềm ứng dụng kết nối giữa máy điện thoại và trạm quan trắc quy mô nhỏ tại cấp xã; (5) Xem xét mở rộng bản tin cho một số cây trồng và vật nuôi được đánh giá là sản phẩm chủ lực, có hiệu quả kinh tế cao. Điều này sẽ giảm được chi phí và nằm trong kiến thức chuyên môn của các cán bộ phụ trách từng mảng nông nghiệp khác nhau.
Theo bà Nguyễn Thị Yến, chuyên gia kỹ thuật của CARE “Dự án InfoAct triển khai thực hiện hỗ trợ đối tượng là người dân tộc thiểu số ở vùng núi cao khó khăn, nhiều người không biết chữ, không biết tiếng Việt, khó khăn tiếp cận các phương tiện truyền thông về thông tin khí hậu, … Như vậy, dự án thực hiện thành công thì khả năng nhân rộng mô hình của dự án là rất lớn”.
Minh họa (a) Khu vực triển khai dự án InfoAct; (b) So sánh lợi nhuận sản xuất giữa nhóm hộ VLSA (1000 VND/ha)
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến trao đổi xoay quanh các vấn đề: (1) Vai trò của khung dịch vụ khí hậu quốc gia – NFCS và cần thiết phải xây dựng và ban hành NFCS; (2) Nhu cầu sử dụng thông tin khí hậu trong sản xuất nông nghiệp; (3) Thông tin khí hậu được xây dựng phục vụ ngành nông nghiệp; (4) Bài học kinh nghiệm từ các dự án triển khai thực tế của CARE, CIAT, ICRAF, …: Hiệu quả, cách tiếp cận và những tồn tại, hạn chế.
Đồng Chủ trì Hội thảo, PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tóm tắt kết quả Hội thảo, các ý kiến thảo luận và đưa ra kết quả chung của Hội thảo:
– Nhu cầu sử dụng thông tin khí hậu phục vụ ngành nông nghiệp: Ngành Nông nghiệp và ngành KTTV có mối quan hệ chặt chẽ. Phân bố cây trồng và các hoạt động sản xuất nông nghiệp đều gắn liền với yếu tố khí hậu. Do vậy, thông tin khí hậu đóng vai trò là yếu tố đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Như trong báo cáo của đại diện Bộ NNPTNT, CARE, CIAT và ICRAF cho thấy, tùy thuộc người dùng và mục đích khác nhau, ngành nông nghiệp có nhu cầu sử dụng rất lớn thông tin khí hậu, như số liệu, bản đồ, các loại bản tin (ngày, tuần, tháng, mùa và năm) và kịch bản biến đổi khí hậu.
– Cơ hội phát triển dịch vụ khí hậu nông nghiệp ở Việt Nam: Cơ hội phát triển dịch vụ khí hậu nói chung và dịch vụ khí hậu nông nghiệp là rất rõ ràng, đến từ: (1) Nhu cầu sử dụng thông tin ngày càng tăng, khách hàng sử dụng thông tin ngày càng nhiều (các cơ quan nhà nước, cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp); (2) Chất lượng thông tin khí hậu của ngành KTTV hiện đại và tiệm cận công nghệ của thế giới, hệ thống quan trắc được cải tiến và hiện đại hóa; (3) Thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã bắt đầu được đưa vào ứng dụng trong ngành KTTV, phát triển các hệ thống dịch vụ khí hậu nông nghiệp thông minh (CSA); (4) Các nghiên cứu cơ bản về cơ sở sinh khí hậu nông nghiệp (mối quan hệ sinh học giữa yếu tố KTTV với cây trồng) và quan hệ thống kê giữa khí hậu và nông nghiệp đã được đúc kết và làm rõ trong nhiều nghiên cứu của suốt quá trình gần 50 năm nghiên cứu ở Việt Nam, là căn cứ khoa học quan trọng phục vụ phát triển dịch vụ khí hậu nông nghiệp, đặc biệt là các bản tin tác động và khuyến cáo.
– Kinh nghiệm thực tế triển khai dịch vụ khí hậu nông nghiệp: Các dự án triển khai thực tiễn về dịch vụ khí hậu nông nghiệp tại khu vực cụ thể và nhiều mô hình dịch vụ khí hậu nông nghiệp thông minh (CSA) đã được triển khai. Các kết quả triển khai thực tiễn cho mô hình cụ thể cho thấy rõ hiệu quả của việc sử dụng dịch vụ khí hậu nông nghiệp tại Hà Tĩnh (ICRAF), đồng bằng sông Cửu Long (CIAT) và Điện Biên, Lai Châu (CARE). Tuy nhiên, thách thức gặp phải là việc chuyển đổi từ dự án sang dịch vụ, duy trì sự hỗ trợ cung cấp dịch vụ khí hậu nông nghiệp sau khi dự án kết thúc, … Ngoài ra, kinh nghiệm từ các dự án cũng cho thấy, người dân và cán bộ cấp huyện gặp rất nhiều khó khăn trong việc đọc được hết ý nghĩa của bản tin dự báo hiện nay được cung cấp bởi các cơ quan KTTV.
– Kiến nghị cần thiết phải nghiên cứu xây dựng và ban hành “Khung dịch vụ khí hậu quốc gia – NFCS” ở Việt Nam. Từ kết quả thảo luận, PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà cho rằng để phát triển dịch vụ khí hậu ở Việt Nam và thông tin khí hậu được sử dụng hiệu quả trong hỗ trợ ra quyết sách, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH năm 2030 tầm nhìn 2050, cũng như tháo gỡ những khó khăn và tồn tại hiện nay, “Khung dịch vụ khí hậu quốc gia -NFCS” cần được nghiên cứu, xây dựng và ban hành kịp thời.
Đại biểu đến từ CIAT phát biểu ý kiến trao đổi