Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của tỉnh Tây Ninh

Đó là tên dự án do Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thực hiện theo đặt hàng của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh vừa được nghiệm thu sáng ngày 20 tháng 10 bằng hình thức trực tuyến.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu ngày 20/10 tại điểm cầu Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

Cần xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21 và là một quá trình không thể đảo ngược. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Trong 50 năm qua, mực nước biển dâng 20cm, nhiệt độ trung bình tại Việt Nam đã tăng 0.7OC, số lượng các cơn bão tăng lên và diễn biến phức tạp hơn, hiện tượng lũ quét, lũ ống xảy ra thường xuyên… gây ra rất nhiều thiệt hại cả về người và cơ sở vật chất cũng như hậu quả lâu dài khác.

Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ tác động của BĐKH và coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa cấp thiết và đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tây Ninh là một tỉnh nối cao nguyên Nam Trung Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, vừa mang đặc điểm của một cao nguyên, vừa có dáng dấp, sắc thái của vùng đồng bằng. Trong những năm qua, mực nước ở các sông ở Tây Ninh có xu hướng gia tăng so với trung bình nhiều năm, gây ngập lụt tại một số khu vực, điều này cũng được dự đoán sẽ tăng trong tương lai. Mực nước biển dâng cao dẫn đến mặn xâm nhập sâu vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch và tầng chứa nước ngầm. Vấn đề chất lượng nước có thể tăng lên, nơi có ít dòng chảy tăng nguy cơ ô nhiễm từ các nguồn tự nhiên và con người. Môi trường nước chịu tác động rõ rệt của BĐKH cùng với đó, các hoạt động kinh tế-xã hội của người dân cũng gặp nhiều khó khăn, thiệt hại về người và của do thiên tai lên tới hàng tỷ đồng. Chỉ số khô hạn giai đoạn 1997 – 2019 được đánh giá thông qua lượng mưa mùa khô tại 6 trạm quan trắc thỏa mãn kiểm định M – K test bao gồm: trạm Tây Ninh, Gò Dầu, Cần Đăng, Kà Tum, Đồi 95, Bến Sỏi. Kết quả tính toán cho thấy chỉ số SPI chủ yếu ở mức trung bình – với tần suất hơn 60% (tại tất cả các trạm) và hơn 70% (tại các trạm Tây Ninh, Cần Đăng, Kà Tum, Bến Sỏi). Xu hướng gia tăng tình trạng hạn hán cũng được ghi nhận, đáng kể tại trạm Tây Ninh (0,4 điểm/10 năm so với 0,2 – 0,3 điểm/10 năm tại các trạm còn lại). Ngập nước gần đây thường xảy ra trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (4 tháng cuối năm). Thiệt hại ngày càng tăng cao theo sự gia tăng tần suất và mức độ ngập lụt, tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đường giao thông trên phạm vi cả tỉnh, đặc biệt tại huyện Trảng Bàng (Phước Chỉ, Đôn Thuận và Hưng Thuận), Bến Cầu (Long Khánh, An Thạnh) và Châu Thành (xã Biên Giới). Nguyên nhân chính gây ngập có thể do (i) triều cường và (ii) mưa lớn kết hợp triều cường và dòng chảy thượng nguồn (từ Campuchia). Trận lũ năm 2016 gây thiệt hại lớn, lên đến 95 tỷ đồng: ngập nhiều căn nhà, trường học, đường xá, mương cống cũng như nhiều diện tích rau màu, cây trồng.

Ứng phó với BĐKH là sự điều chỉnh hệ thống tự nhiên hoặc con người đối với hoàn cảnh hoặc môi trường thay đổi, nhằm mục đích giảm khả năng bị tổn thương do dao động và BĐKH hiện hữu hoặc tiềm tàng, tận dụng các cơ hội thuận lợi do nó mang lại. Để có các giải pháp thích ứng, giảm nhẹ với BĐKH phù hợp cần phải đánh giá đúng tác động của biến đổi khí hậu.

Trước các nguy cơ, thách thức của biến đổi khí hậu tác động tới mục tiêu phát triển bền vững kinh tế – xã hội, trong thời gian qua các cấp, ngành tỉnh Tây Ninh đã quan tâm đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngày 25 tháng 6 năm 2013, UBND tỉnh Tây Ninh đã phê duyệt “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013-2020” tại Quyết định số 1180/QĐ-UBND với mục tiêu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực trên địa bàn Tỉnh, xây dựng giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế của Tỉnh, củng cố và tăng cường năng lực tổ chức, thể chế chính sách và nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên đến nay, Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013- 2020 vẫn còn một số tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai. Hơn nữa, tại thời điểm thực hiện lập Kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2016, nên các nội dung đánh giá và giải pháp trong Kế hoạch vẫn chưa được thực hiện và bám sát theo kịch bản mới này. Bên cạnh đó các chiến lược, kế hoạch ứng phó với BĐKH quốc gia cũng đang được cập nhật; đàm phán quốc tế về BĐKH, hợp tác quốc tế cũng có nhiều thay đổi. Các nội dung đánh giá tác tác động của BĐKH đến các ngành, lĩnh vực và đề xuất các giải pháp kế hoạch thực hiện mới chỉ mang tính tạo tiền đề và xác định khung hướng hoạt động, chưa phân tích sâu để làm cơ sở xác định các giải pháp trọng tâm và thực tế. Trong quá trình triển khai Kế hoạch từ 2013 đến nay cũng đã gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, cơ chế phối hợp các ngành khiến cho việc thực hiện Kế hoạch chưa đạt được những mục tiêu đã đề ra.

 

Nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh theo hướng phát triển bền vững đồng thời thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020 của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017; xác định được các tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến quá trình phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương trong tỉnh; các giải pháp ưu tiên nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, lộ trình triển khai và nguồn lực thực hiện cho từng giai đoạn: 2021-2025, 2026-2030 và sau năm 2030; đồng thời bổ sung các yếu tố biến đổi khí hậu vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của Tỉnh, việc triển khai nhiệm vụ “Xây dựng, cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” là cần thiết và phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh; Kịch bản biến đổi khí hậu 2016; Nghị quyết 24 của Đảng, Nghị quyết 73, Quyết định 1670 của Chính phủ trong công tác ứng phó biển đổi khí hậu.

Đánh giá ảnh hưởng của BĐKH chi tiết cho các ngành, lĩnh vực, địa phương của Tây Ninh

Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã chỉ ra được xu hướng thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa tại các khu vực trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, làm cơ sở đánh giá ảnh hưởng của BĐKH chi tiết cho các ngành, lĩnh vực, địa phương của Tỉnh. Từ đó, xác định các giải pháp ứng phó với BĐKH cho từng ngành, lĩnh vực; các nhiệm vụ, dự án ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2021-2030.

Kết quả chi tiết kịch bản biến đổi khí hậu cho thấy: Dự báo theo kịch bản RCP4.5, vào đầu thế kỷ, nhiệt độ trung bình năm tỉnh Tây Ninh tăng 0,5oC – 0,8oC. Vào giữa thế kỷ, mức tăng là 1,3oC. Đến cuối thế kỷ, nhiệt độ tăng 1,9oC. Theo kịch bản RCP8.5, vào đầu thế kỷ, nhiệt độ trung bình năm Tây Ninh tăng 0,6 ÷ 1oC so với thời kỳ cơ sở. Đến giữa thế kỷ, mức tăng là 1,7oC. Đến cuối thế mức tăng là 3,6oC. Về lượng mưa theo kịch bản RCP4.5, vào đầu thế kỷ 21, lượng mưa năm ở tỉnh Tây Ninh có mức tăng là 6,6 ÷ 10,8% so với thời kỳ cơ sở. Vào giữa thế kỷ, lượng mưa tăng khoảng 15,3%. Vào cuối thế kỷ, mức tăng là 18,9%. Theo kịch bản RCP8.5, vào đầu thế kỷ, lượng mưa năm ở Tây Ninh có mức tăng là 8,5 ÷ 11,1% so với thời kỳ cơ sở. Vào giữa thế kỷ, mức tăng lượng mưa là 19,3%. Đến cuối thế kỷ lượng mưa tăng 22,1%. Hạn hán theo kịch bản RCP4.5, trong thế kỷ 21 mức độ khắc nghiệt nhất của hạn (SPI_Min) ở Tây Ninh có xu thế giảm. Vào đầu thế kỷ, SPI_Min giảm từ 0,03 ÷ 0,13. Vào giữa thế kỷ, SPI_Min giảm nhẹ 0,01. Đến cuối thế kỷ, SPI_Min giảm là 0,005. Theo kịch bản RCP8.5, trong thế kỷ 21, SPI_Min ở Tây Ninh cũng có xu thế giảm so với thời kỳ cơ sở. Vào đầu thế kỷ, SPI_Min giảm nhẹ khoảng 0,01 ÷ 0,03%. Vào giữa thế kỷ, mức giảm là 0,04. Đến cuối thế kỷ giảm 0,07. Về thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan: số ngày có lượng mưa lớn hơn 100mm có xu thế tăng trong thời kỳ từ 1980-2020 với tốc độ tăng là 0,0035ngày/năm. Giai đoạn 2000-2020 tăng mạnh hơn với tốc độc 0,026ngày/năm; tăng mạnh nhất là thời kỳ 2010-2020 với tốc độ tăng 0,1 ngày/năm. Đối với nắng nóng gay gắt: Trong thời kỳ từ 1980-2020 số ngày xảy ra nắng nóng gay gắt có xu thế giảm nhẹ với tốc độ là 0,0054 ngày/năm; giai đoạn 2010 – 2020 có xu thế giảm mạnh hơn 0,0727 ngày/năm. Giai đoạn 2000-2020 lại có xu thế tăng với tốc độ 0,1195 ngày/năm.

Biến đổi khí hậu đã và đang tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Các vùng, địa phương trong Tỉnh dễ bị tổn thương chủ yếu là các khu vực: Bến Cầu, Châu Thành, Gò Dầu, Hòa Thành, Trảng Bàng.

Biến đổi khí hậu tác động đến các ngành, lĩnh vực của Tỉnh, đặc biệt là ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực: Tài nguyên nước (các sông suối thuộc tỉnh phần lớn chịu tác động của các hồ chứa, đây là một khó khăn lớn đối với công tác dự báo, cảnh báo lũ ở tỉnh Tây Ninh. Lũ lớn làm ảnh hưởng nặng nề đến môi trường nước hiện có của tỉnh Tây Ninh. Làm suy giảm chất lượng nước mặt và nước ngầm…); Nông nghiệp (chủ yếu ảnh hưởng đến năng suất cây trồng); Lâm nghiệp (sẽ là lĩnh vực chịu hậu quả nặng nề của BĐKH do tác động đến đa dạng sinh học và đây chính là những thách thức lớn gặp phải trong quá trình phát triển bền vững của tỉnh…); Công nghiệp và Năng lượng (do sự thay đổi các yếu tố khí tượng và hiện tượng thời tiết cực đoan như các đợt nắng nóng, gia tăng lượng mưa, dông lốc… Những hiểm họa này sẽ có những tác động khác nhau đến các loại hình công nghiệp tùy thuộc vào đặc điểm vùng địa lý, nhu cầu về sản phẩm đầu vào của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.); Xây dựng- Đô thị; Du lịch và đời sống người dân .

Trước tác động của BĐKH tại Tây Ninh, ngập lụt, lũ quét, sạt lở, xâm nhập mặn, các vấn đề về năng lực ứng phó và nhận thức của cộng đồng được xác định là những vấn đề cấp bách. Phát thải khí nhà kính, hạn hán và suy giảm đa dạng sinh học cũng được xem là các vấn đề quan tâm của Tây Ninh. Tỉnh Tây Ninh đã xác định được các giải pháp trọng tâm cho các ngành, lĩnh vực và đã rà soát, xác định, đưa ra 27 nhiệm vụ, dự án ứng phó BĐKH ưu tiên thực hiện giai đoạn 2021-2030. 

Một số hình ảnh tại buổi họp tổng kết dự án tại đầu cầu Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu:

 
 
 
 
 

Để lại một bình luận