Xây dựng mô hình quản lý tổng hợp, tuần hoàn và tái sử dụng chất thải của một số làng nghề tái chế lưu vực sông Nhuệ – Đáy

Đó là tên đề tài khoa học cấp nhà nước thuộc chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai, mã số: KC.08/16-20 do TS. Đỗ Tiến Anh làm chủ nhiệm vừa được tổ chức nghiệm thu cấp Nhà nước tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ chiều 15/7.

Tái chế phế liệu là loại hình sản xuất tuy hình thành chưa lâu nhưng lại đang phát triển nhanh về cả quy mô và loại hình tái chế. Các làng nghề tái chế giờ đây đang đóng góp vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên tại nước ta hiện nay, các làng nghề tái chế chủ yếu hoạt động ở quy mô hộ gia đình tập trung theo nhóm và mang tính truyền thống. Việc sử dụng công nghệ sản xuất thủ công và không có biện phát kiểm soát ô nhiễm khiến các làng nghề tái chế đang gây ra nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng. Chính vì vậy, đề tài “Xây dựng mô hình quản lý tổng hợp, tuần hoàn và tái sử dụng chất thải của một số làng nghề tái chế lưu vực sông Nhuệ-Đáy” đặt ra mục tiêu: Xây dựng và triển khai áp dụng được một số mô hình phù hợp nhằm giảm thiểu nguyên, nhiên vật liệu, tuần hoàn, tái sử dụng chất thải phát sinh từ hoạt động của làng nghề tái chế nhựa, kim loại góp phần bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – Đáy.
 
 
 TS. Đỗ Tiến Anh trình bày các nội dung đề tài

Tại buổi đánh giá nghiệm thu, chủ nhiệm đề tài TS. Đỗ Tiến Anh đã trình bày các nội dung chính được nhóm nghiên cứu thực hiện gồm: Tổng quan, khảo sát hiện trạng sản xuất và ô nhiễm do các làng nghề tái chế nhựa, kim loại sông Nhuệ – Đáy; Tổng quan trong và ngoài nước các giải pháp xử lý chất thải (rắn, lỏng, khí) cho các hoạt động làng nghề tái chế nhựa và kim loại; Nghiên cứu mô hình tổng hợp giảm thiểu, tuần hoàn tái sử dụng và xử lý chất thải do tái chế nhựa và kim loại phù hợp với điều kiện làng nghề lưu vực sông Nhuệ – Đáy quy mô phòng thí nghiệm; Nghiên cứu mô hình tổng hợp xử lý chất thải do tái chế nhựa và kim loại phù hợp với điều kiện làng nghề lưu vực sông Nhuệ – Đáy quy mô cơ sở sản xuất; Chuyển giao công nghệ cho địa phương và đề xuất giải pháp nhân rộng.

Sau 2 năm thực hiện, TS. Đỗ Tiến Anh cùng các thành viên trong nhóm nghiên cứu đã hoàn thành được các sản phẩm đăng ký trước đó cho đề tài gồm: 01 giải pháp hữu ích; 3 bài báo khoa học trong nước đã đăng trên tạp chí Tài nguyên và Môi trường và tạp chí Khoa học công nghệ Xây dựng, 1 bài báo quốc tế đăng trên tạp chí WST (ISI, Q2); Hỗ trợ nghiên cứu sinh tiến sĩ làm Luận văn “Tích hợp mô hình IO trong phân tích dòng chất thải rắn liên ngành kinh tế Việt Nam”, 02 thạc sĩ đã bảo vệ ngày 17/11/2020.

 
 Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước

Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước sau khi làm việc, xét duyệt nội dung, kết quả thực hiện đã đưa ra đánh giá cho đề tài với 9/9 phiếu đạt.

Để lại một bình luận