Ngày 28/1, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tổ chức Hội thảo trước nghiệm thu đề tài cấp nhà nước “Xây dựng mô hình quản lý tổng hợp, tuần hoàn và tái sử dụng chất thải của một số làng nghề tái chế lưu vực sông Nhuệ-Đáy”, mã số KC.08.20/16-20 do TS. Đỗ Tiến Anh làm chủ nhiệm.
Buổi Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia trong và ngoài Viện.
PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh chủ trì Hội thảo
Tại Hội thảo, TS. Đỗ Tiến Anh đã trình bày các nội dung liên quan đến đề tài. Trong đó, mục tiêu cụ thể của Đề tài là: Nghiên cứu đề xuất được các giải pháp tổng hợp giảm thiểu chất thải, tuần hoàn tái sử dụng chất thải cho các làng nghề tái chế nhựa và tái chế kim loại phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội lưu vực sông Nhuệ – Đáy; Áp dụng 02 mô hình thí điểm cho các hộ tái chế nhựa, kim loại thuộc các làng nghề tái chế lưu vực sông Nhuệ – Đáy.
TS. Đỗ Tiến Anh trình bày các nội dung của Đề tài
Đề tài có 5 nội dung chính gồm:
Tổng quan, khảo sát hiện trạng sản xuất và ô nhiễm do các làng nghề tái chế nhựa, kim loại sông Nhuệ – Đáy.
Tổng quan trong và ngoài nước các giải pháp xử lý chất thải (rắn, lỏng, khí) cho các hoạt động làng nghề tái chế nhựa và kim loại.
Nghiên cứu mô hình tổng hợp giảm thiểu, tuần hoàn tái sử dụng và xử lý chất thải do tái chế nhựa và kim loại phù hợp với điều kiện làng nghề lưu vực sông Nhuệ – Đáy quy mô phòng thí nghiệm.
Nghiên cứu mô hình tổng hợp xử lý chất thải do tái chế nhựa và kim loại phù hợp với điều kiện làng nghề lưu vực sông Nhuệ – Đáy quy mô cơ sở sản xuất.
Chuyển giao công nghệ cho địa phương và đề xuất giải pháp nhân rộng.
Toàn cảnh Hội thảo
Đề tài có ý nghĩa lớn về khoa học công nghệ như: Tạo tiền đề cho việc phát triển các mô hình, giải pháp khoa học và công nghệ đồng bộ trong lĩnh vực xử lý môi trường làng nghề; Góp phần thúc đẩy các giải pháp công nghệ hiệu quả trong việc xử lý môi trường làng nghề, phù hơp với các điều kiện địa phương làng nghề Việt Nam; Hiệu quả về kinh tế -xã hội; Tăng cường năng lực nghiên cứu và năng lục phát triển công nghệ cho các cán bộ tham gia đề tài; hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học và trên đại học; Tạo ra mô hình công nghệ thực tiễn để mở rộng khai thác hay nhân rộng đủ đáp ứng cho nhu cầu xử lý môi trường tại các làng nghề tái chế nói riêng và các làng nghề nói chung; Tạo ra sản phẩm với đặc tính công nghệ có thể so sánh được trên mặt bằng công nghệ quốc tế và đủ năng lực cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu.