Hoạt động của tín phong trong điều kiện El nino và hệ quả khí hậu ở Việt Nam

Chuyên đề với mục đích đánh giá ảnh hưởng của tín phong đến cực đoan nắng nóng và mưa lớn của Việt Nam đã đưa ra một số nhận xét về hoạt động của tín phong trong điều kiện El Nino.

Nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu hoạt động của tín phong (Trade wind) và ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu ở Việt Nam”, chuyên đề “Nghiên cứu hoạt động của tín phong trong điều kiện El nino và hệ quả khí hậu ở Việt Nam” đã được triển khai thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của tín phong đến cực đoan nắng nóng và mưa lớn của Việt Nam.

Cần đánh giá ảnh hưởng của tín phong đến cực đoan nắng nóng và mưa lớn của Việt Nam

“El Nino” là từ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, kéo dài 8 – 12 tháng, hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3 – 4 năm 1 lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn. Ngược lại, “La Nina” là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino. 

ENSO là chữ viết tắt của các từ ghép El Nino Southern Oscillation (El Nino – Dao động Nam) để chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương – Đông Ấn Độ Dương (Được gọi là Dao động Nam) để phân biệt với dao động khí áp ở Bắc Đại Tây Dương). 

Hiện tượng El Nino và La Nina có ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu toàn cầu với mức độ khác nhau và rất đa dạng. Tuy nhiên, đối với từng khu vực cụ thể, vẫn có thể xác định được những ảnh hưởng chủ yếu có tính đặc trưng của mỗi hiện tượng nói trên. Hiện tượng El Nino và La Nina thể hiện sự biến động dị thường trong hệ thống khí quyển – đại dương với quy mô thời gian giữa các năm, có tính chu kỳ hoặc chuẩn chu kỳ. Trong tình hình biến đổi khí hậu – sự nóng lên toàn cầu, hiện tượng ENSO cũng có những biểu hiện dị thường về cường độ. Nghiên cứu hiện tượng ENSO để hiểu biết về cơ chế vật lý, đặc điểm và quy luật diễn biến cũng như những hậu quả tác động của chúng, chúng ta có thể cảnh báo trước sự xuất hiện của ENSO, những ảnh hưởng có thể xảy ra đối với thời tiết, khí hậu và kinh tế – xã hội để có những biện pháp phòng, tránh hiệu quả, hạn chế và giảm nhẹ thiệt hại do ENSO gây ra.

Ảnh minh họa

Nhìn chung, Việt Nam chịu tác động của nhiều hiện tượng cực đoan, trong đó nắng nóng mưa lớn thường xuyên xuất hiện trong mùa hè đã gây thiệt hại khá nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế – xã hội ở nước ta. Trong những năm qua nhiều nghiên cứu đã nghiên cứu. Tuy nhiên vai trò của tín phong đến cực đoan nắng nóng và mưa lớn chưa được nghiên cứu nhiều. Chuyên đề với mục đích đánh giá ảnh hưởng của tín phong đến cực đoan nắng nóng và mưa lớn của Việt Nam là rất cần thiết nhằm có cơ sở khoa học trong đúc kết bài học kinh nghiệm phục vụ dự báo thời tiết, cực đoan nói chung và khí hậu nói riêng.

Hoạt động của tín phong trong điều kiện El Nino

Sau quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện chuyên đề đã đưa ra một số nhận xét về hoạt động của tín phong trong điều kiện El Nino. Trong đó, có thể nhận thấy rằng đới gió đông, đông bắc khá rõ ràng trong mùa đông và chuyển tiếp từ đông sang thổi đều đặn trong phạm vi vĩ độ từ 5-200N, và kinh độ từ 110-1800N. Tuy nhiên gió đông (tín phong) trong điều kiện El Nino có cường độ thấp hơn năm La Nina điều này là phù hợp với lý thuyết về hoàn lưu walker và hiện tượng ENSO hay năm gió tín phong yếu là năm El Nino.

Trong điều kiện El Nino (tín phong yếu), tần suất front lạnh có xu hướng thấp hơn trung bình. Hiện tượng bão/ATNĐ trong thời kỳ El Nino có xu hướng ít hơn trung bình. Nhiệt độ trong thời kỳ El Nino có xu hướng cao hơn trung bình, lượng mưa có xu hướng thấp hơn trung bình. Lưu lượng trên các dòng chảy cũng thấp hơn trung bình cũng đã được minh chứng trong nhiều công trình nghiên cứu.

Để lại một bình luận