Chiều ngày 12/12, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu niên độ dự án “Điều tra khảo sát vết cacbon và hệ thống giám sát cacbon đen ở Việt Nam” do Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hoài làm chủ nhiệm.
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà chủ trì buổi họp
Buổi nghiệm thu diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Chủ tịch Hội đồng), với sự tham gia của các thành viên trong Hội đồng và nhân sự thực hiện dự án.
Tại buổi nghiệm thu, Thạc sĩ Phùng Thị Thu Trang đã đại diện cho nhóm thực hiện dự án trình bày về các nội dung nghiệm thu niên độ. Theo đó, trong năm 2022, dự án triển khai thu thập tài liệu; tổng quan về kiểm kê và giám các bon đen của các ngành/lĩnh vực; khảo sát và xác định được nguồn cac bon đen của các ngành/lĩnh vực ở Việt Nam nhằm hỗ trợ kiểm kê phát thải khí nhà kính; xác định và lựa chọn được phương pháp kiểm kê và giám sát phát thải các bon đen phù hợp với Việt Nam.
Các-bon đen (bồ hóng) được hình thành do sự đốt cháy không hoàn toàn các loại nhiên liệu hóa thạch, gỗ hay các nhiên liệu khác. Theo IPCC, tuy các-bon đen chỉ tồn tại trong khí quyển khoảng 4-12 ngày từ khi phát thải. Do đó, muốn xác định được vết các bon đen, nghĩa là phải xác định được ngành/lĩnh vực có khả năng phát sinh nhiều chất này để kiểm kê lượng phát thải BC.
Thạc sĩ Phùng Thị Thu Trang trình bày nội dung niên độ 2022
Chính vì vậy, đối với nội dung tổng quan về kiểm kê và giám sát các bon đen dự án đã thực hiện 3 nhiệm vụ chính. Đầu tiên là rà soát các báo cáo quốc tế về kiểm kê và giám sát các bon đen, trên cơ sở kết quả tính toán lượng các bon đen của quốc tế, rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc kiểm kê lượng phát thải các bon đen, các bước triển khai và tính toán lượng phát thải gồm: phương pháp kiểm kê được sử dụng, các xác định hệ số đặc trưng của BC, số liệu cần thu thập và phương thức thu thập tài liệu cho từng lĩnh vực.
Tiếp đó là rà soát, tham vấn chuyên gia và lựa chọn được các ngành/lĩnh vực cần thực hiện việc định lượng phát thải các bon đen phù hợp với Việt Nam. Để triển khai nhiệm vụ này, dự án cần thu thập các thông tin, tài liệu về các hiện trạng hoạt động, tình hình thu thập được số liệu, tình hình kiểm kê phát thải KNK, tác động môi trường… của các lĩnh vực được dự kiến chọn để từ đó xác định được lĩnh vực/ngành phù hợp.
Các-bon đen không được liệt kê là các khí nhà kính bị kiểm soát bởi Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris thuộc Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Tuy nhiên, đã có 3 quốc gia đưa mục tiêu giảm lượng phát thải các-bon đen trong NDC của mình là Mexico, Chile và Nigeria và một số nước cũng đã tính toán lượng phát thải các bon đen như Canada. Trên cơ sở các nghiên cứu và phân tích trong các nhiệm vụ 1 và 2, dự án sẽ định hướng việc bổ sung, cập nhật lượng phát thải các bon đen trong các báo cáo NDC tiếp theo của Việt Nam. Bên cạnh, việc đạt được các mục tiêu giảm nhẹ PTKNK theo các cam kết bắt buộc của Việt Nam (NDCs), thì việc lượng hóa được lượng phát thải của các bon đen cần giảm cũng chính là mặt đóng góp tích cực đối với các hoạt động UPBĐKH toàn cầu nói chung với Thỏa thuận Paris nói riêng.
Ông Trần Trung Thành, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính phát biểu tại buổi họp
Bằng các phương pháp thu thập thông tin, phân tích thống kê, phỏng vấn, dịch tài liệu và tổ chức hội thảo tham vấn chuyên gia về phương pháp kiểm kê phát thải các bon đen và các lĩnh vực lựa chọn ưu tiên để kiểm kê phát thải các bon đen tại Việt Nam, nhóm thực hiện đã hoàn thiện các kết quả nghiên cứu theo đúng niên độ đề ra.
Sau phần trình bày của chủ nhiệm dự án, các thành viên Hội đồng đã đưa ra ý kiến nhận xét, đóng góp. Dự án được các thành viên trong Hội đồng đánh giá hoàn thành và được đồng ý tiếp tục hoàn thiện trong năm tiếp theo.