Chủ động đối phó La Nina


Bão và áp thấp nhiệt đới trong các năm có hiện tượng La Nina sẽ ảnh hưởng mạnh đến khí hậu và thời tiết nước ta.

Chỉ trong vài ngày, tháng 7 đã kịp xuất hiện hai cơn bão. Theo các chuyên gia khí tượng và thủy văn, nhiều khả năng hiện tượng biến đổi khí hậu La Nina sẽ xuất hiện vào cuối mùa thu năm 2016. Theo đó bão, lũ sẽ xuất hiện nhiều hơn.

La Nina xuất hiện sẽ ảnh hưởng thế nào?

Gặp chuyên gia cao cấp khí tượng và thủy văn – GS Trần Thục vào những ngày cơn bão số 2 xuất hiện ngoài Biển Đông, ông khẳng định: “Đến giờ phút này có thể nói, hiện tượng La Nina sẽ xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian tới”. GS Trần Thục cho biết: Chúng ta vừa trải qua một đợt El Nino mạnh và kéo dài, gây ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở nhiều vùng, đặc biệt là Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Theo quy luật khí hậu, sau khi El Nino kết thúc thường sẽ có hiện tượng La Nina xuất hiện. Hiện nay, số liệu quan trắc nhiệt độ bề mặt nước biển (SST) cho thấy điều kiện khí quyển – đại dương đang ở trạng thái bình thường (pha trung gian) và dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong ba tháng tiếp theo. Theo dự báo từ tổ hợp các mô hình khí quyển – đại dương, hiện tượng La Nina có khả năng xuất hiện vào cuối mùa thu 2016 ở Việt Nam với xác suất khoảng 70%.

Theo TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng – Khí hậu (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu), các nghiên cứu và thực tế đã chỉ ra: La Nina có tác động rõ rệt đến thời tiết và khí hậu ở nước ta. Trong những năm La Nina xuất hiện, nhiệt độ trung bình thấp hơn trung bình nhiều năm ở hầu hết các vùng khí hậu trong nước (chuẩn sai nhiệt độ âm). Lượng mưa cũng vượt trung bình nhiều năm ở các tỉnh ven biển Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, lượng mưa lại thấp hơn trung bình nhiều năm ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đáng lưu ý, khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn trong các năm xảy ra La Nina ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ, nhất là trong các tháng mùa thu và mùa đông, do gió mùa đông bắc hoạt động mạnh và vận chuyển một lượng ẩm đến.

Bão và áp thấp nhiệt đới trong các năm có hiện tượng La Nina, cũng hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam thường nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. “Những năm có La Nina, hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới Việt Nam thường nhiều hơn 38%. Nhưng bão, áp thấp nhiệt đới sẽ kết thúc muộn, gió mùa đông bắc hoạt động sớm, và mưa lũ xuất hiện với tần suất cao hơn năm 2015, đặc biệt ở khu vực miền trung”, Tiến sĩ Khiêm cho biết.

Dòng chảy trên các hệ thống sông theo đó cũng thường lớn hơn trung bình nhiều năm. Có năm, ở một số sông, lớn hơn tới 80 – 100%. Theo dự báo, mùa lũ chính vụ trên các sông Bắc Bộ có khả năng xuất hiện đúng theo chu kỳ trung bình năm ngoái với 2-3 đợt lũ lớn. Đỉnh lũ năm trên các sông phổ biến tương đương đỉnh lũ năm 2015, xuất hiện vào cuối tháng 7 đến tháng 8. Do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ, một vài đợt ngập úng cục bộ tại các vùng trũng và các đô thị có khả năng xuất hiện. Lũ quét, sạt lở có khả năng xảy ra nhiều hơn so với năm 2015, đặc biệt ở các khu vực vùng núi phía bắc.

Cần có những giải pháp ứng phó

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Trung ương, từ tháng 5 đến tháng 6-2016 đã xuất hiện ba áp thấp nhiệt đới ngay trên khu vực Biển Đông, tuy nhiên đều không ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Sang tháng 7 đã xuất hiện hai cơn bão: Cơn bão NEPARTAK có cường độ rất mạnh đã đi qua Đài Loan sau đó di chuyển vào địa phận phía đông nam tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Trước đó, vào đêm 27-7 cơn bão số 1, có tên quốc tế là MIRINAE, đã đổ bộ vào khu vực Thái Bình – Ninh Bình nước ta. Do ảnh hưởng của bão, ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 8-9, vùng ven biển cấp 10, gió giật mạnh cấp 10-13, tại Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7, đã gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương này. Các phân tích và dự báo mới nhất cho thấy, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện nhiều hơn trong những tháng cuối năm nay, và tập trung nhiều hơn ở khu vực giữa và nam Biển Đông, các tỉnh từ Trung Bộ trở vào phía nam.

Trước khả năng hiện tượng La Nina xuất hiện, thời điểm đó sẽ có nhiều mưa bão và áp thấp nhiệt đới, ảnh hưởng đến khu vực miền trung nước ta; nhiệt độ thấp vào mùa đông ở miền bắc, mưa lớn; mưa nhiều ở ven các tỉnh ven biển Trung Bộ; xoáy thuận nhiệt đới tập trung hơn, nhiều hơn, nên công tác chuẩn bị ứng phó với thời tiết bất thường là hết sức cần thiết và gấp rút. TS Mai Văn Khiêm cho rằng: Trước hết đòi hỏi chúng ta cần tăng cường giám sát, cảnh báo, dự báo tác động của hiện tượng La Nina tới các vùng dự báo chịu ảnh hưởng và tới tận người dân vùng này.

Trong mùa đông năm 2016 và năm 2017, nhiều khả năng sẽ xuất hiện các kỷ lục thấp về nhiệt độ ở phía bắc, đặc biệt là vùng núi Bắc Bộ. Do vậy, các hoạt động sản xuất chịu tác động của nhiệt độ thấp, như: chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, hoạt động du lịch,… tại các địa phương chịu ảnh hưởng cần sớm có các biện pháp phòng tránh rét, giữ ấm cho người, vật nuôi, cây trồng để giảm thiểu thiệt hại.

Bên cạnh đó, khả năng mưa lớn, mưa dồn dập gây lũ lụt, lũ quét,… xuất hiện nhiều hơn vào các tháng từ cuối hè năm nay đến đầu mùa đông, đặc biệt là các tháng mùa thu ở khu vực ven biển Trung Bộ, cần có các giải pháp điều tiết hồ chứa nước thủy điện hợp lý, tránh lũ và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tại vùng này.

Và như đã đề cập, trước nhiều khả năng bão và áp thấp nhiệt đới sẽ xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm ở khu vực Trung Bộ, đặc biệt là Trung Trung Bộ – Nam Trung Bộ, kèm theo đó khả năng mưa lớn do bão và áp thấp nhiệt đới gây ra ở các khu vực này là rất cao, đòi hỏi chính quyền cần có các giải pháp kịp thời và chủ động phòng tránh bão, lũ, điều tiết hồ thủy điện phù hợp, tránh trường hợp “lũ chồng lũ” gây thiệt hại cho người dân.

Cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những tác động, ảnh hưởng của La Nina đi cùng giải pháp phòng tránh. Bảo đảm an toàn, ứng phó kịp thời trước diễn biến bất thường của thời tiết, rất cần sự chung tay góp sức của các cấp chính quyền, cấp ngành và chính mỗi người dân.

Nguồn Báo điện tử Nhân dân cuối tuần. 

Để lại một bình luận