Chuẩn bị kỹ các phương án ứng phó kịp thời với những tác động của EL Nino

Biến đổi khí hậu kết hợp với El Nino sẽ khiến nhiệt độ trung bình các tháng trong năm nay đều cao hơn bình thường, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng trở nên nghiêm trọng. Để chủ động ứng phó với các tác động của hạn hán và EL Nino, PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) đã chỉ ra các phương án cụ thể.

Mới đây, cơ quan khí tượng quốc tế công bố El Nino bắt đầu xuất hiện vào đầu tháng 6. Dưới tác động của biến đối khí hậu kết hợp với El Nino, ngay từ đầu mùa hè năm nay các đợt nắng nóng và cực đoan khí hậu đã diễn ra trên khắp toàn cầu.

Tại Việt Nam, El Nino đã chính thức xuất hiện và được cơ quan khí tượng dự báo sẽ gia tăng vào các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Biểu hiện điển hình nhất là đợt nắng nóng và khô hạn xảy ra trong tháng 5 vừa qua, nhiệt độ cao nhất đã đạt mức xấp xỉ và phá vỡ kỷ lục quan trắc tại nhiều trạm quan trắc. Đặc biệt, kỷ lục về nhiệt độ đã xuất hiện như 44,2 độ C tại H.Tương Dương (Nghệ An) trong ngày 7/5 là mức nhiệt cao nhất Việt Nam tính tới thời điểm đó; 41,3 độ C vào ngày 17/5 tại Q.Hà Đông là mức nhiệt tại Hà Nội cao nhất trong tháng 5.

PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà

Cùng với tăng nhiệt thì tình trạng thiếu hụt lượng mưa cũng trở nên đáng lo ngại. Theo thống kê, từ đầu mùa khô 2022 – 2023 đến nay, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm ở khu vực Bắc bộ và hầu hết khu vực Tây nguyên. Tổng lượng mưa từ tháng 12/2022 – 5/2023 thiếu hụt so với trung bình nhiều năm vào khoảng 20 – 40% ở hầu hết khu vực Bắc bộ và dưới 20% ở khu vực Tây nguyên, cực nam của nam Trung bộ, Đông Nam bộ và một phần Đồng bằng Sông Cửu Long. Lý giải về vấn đề này, PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà cho biết: “Việc thiếu hụt mưa kết hợp với nắng nóng đến sớm và kéo dài cũng làm gia tăng tình trạng khô hạn trong những tháng qua. Tình trạng khô hạn thường nghiêm trọng hơn trong những năm El Nino; trong đó, các khu vực chịu tác động nghiêm trọng nhất là Nam bộ, nam Trung bộ và Tây nguyên”.

Trong bối cảnh phát triển hệ thống mạng lưới thủy điện ở các nước thượng nguồn lưu vực sông Mê Kông, tình hình thiếu hụt dòng chảy, hạn hán và xâm nhập mặn càng nghiêm trọng hơn ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Chính vì vậy, theo bà Ngà: “Một số ngành, lĩnh vực và địa phương chịu tác động của hạn hán và EL Nino cần chuẩn bị kỹ các phương án ứng phó kịp thời, như tích trữ đủ nước trong mùa mưa 2023 phục vụ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô 2023 – 2024; chủ động thay đổi cơ cấu thời vụ; thường xuyên cập nhật các bản tin để có chỉ đạo sản xuất kịp thời”.

Đợt rét kéo dài 5 ngày cuối tháng 1/2016 khiến tuyết rơi ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Ảnh: Gia đình & Xã hội

Ngoài ra, Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH cũng cho biết, trong những năm El Nino, diễn biến thời tiết và khí hậu thường rất bất thường và khó dự báo, thiên tai thường tác động nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế – xã hội, môi trường và sức khỏe người dân. Tiêu biểu như mùa đông 2015 – 2016 rét đậm, rét hại diện rộng ở miền Bắc, tuy không kéo dài nhưng xuất hiện băng tuyết ở nhiều nơi và cả ở những nơi trong lịch sử chưa hề có tuyết như Huyện Ba Vì (Hà Nội) và Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Năm 1997, cơn bão Linda có quỹ đạo khá bất thường đổ bộ vào khu vực Cà Mau gây rất nhiều thiệt hại do không có sự chuẩn bị ứng phó. Năm 2015, tại Quảng Ninh đã xuất hiện mưa lớn lịch sử vào cuối tháng 7. Năm 2002, mưa lớn xuất hiện và gây lũ lớn trên các khu vực sông Hồng và sông Thái Bình, lũ lớn ở Trung bộ cuối tháng 9…

Theo PGS-TS Phạm Thị Thanh Ngà, để chủ động ứng phó với El Nino và biến đổi khí hậu, cần thông tin dự báo đầy đủ, chi tiết, kịp thời và thời hạn dự báo đủ dài để làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó và ứng phó; lập kế hoạch về sản xuất, kinh doanh phù hợp; có sự tuyên truyền nâng cao nhận thức để có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân.