Sáng ngày 31/7, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) đã tổ chức Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Cơ sở cho nghiên cứu sinh (NCS) Trương Bá Kiên với đề tài: “Nghiên cứu vai trò của đồng hóa số liệu radar trong mô hình WRF đối với dự báo mưa định lượng hạn ngắn khu vực Nam Bộ”; Ngành: Khí tượng và khí hậu học; Mã số: 9440222.
PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà chủ trì buổi đánh giá
Buổi đánh giá luận án tiến sĩ cấp Cơ sở của nghiên cứu sinh NCS. Trương Bá Kiên diễn ra dưới sự chủ trì của PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Viện trưởng Viện KTTVBĐKH – Chủ tịch Hội đồng) với sự tham dự của TS. Lê Ngọc Cầu (Phó Viện trưởng), GS.TS. Trần Thục (Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam), PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng (Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Biến đổi khí hậu) cùng các chuyên gia thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường.
Tại buổi đánh giá, TS. Trần Thanh Thủy (Trưởng phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế) đã tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và công bố quyết định thành lập Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Cơ sở của nghiên cứu sinh NCS. Trương Bá Kiên gồm 7 thành viên: PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Viện KTTVBĐKH) là Chủ tịch Hội đồng; TS. Nguyễn Đăng Mậu (Viện KTTVBĐKH) là Ủy viên Thư ký; GS. TS. Phan Văn Tân (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) là Ủy viên Phản biện 1; PGS. TS. Mai Văn Khiêm (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) là Ủy viên Phản biện 2; TS. Võ Văn Hòa (Tổng cục Khí tượng Thủy văn), TS. Chu Thị Thu Hường (Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội) và TS. Công Thanh (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) là Ủy viên.
NCS. Trương Bá Kiên trình bày nội dung luận án trước các thành viên hội đồng
Trước các thành viên trong Hội đồng, NCS. Trương Bá Kiên đã trình bày tóm tắt các nội dung của luận án. Theo đó, ngoài phần mở đầu và kết luận, luận án được chia thành 4 chương với các nội dung: Tổng quan về đồng hóa số liệu ra-đa trong dự báo mưa lớn hạn cực ngắn; phương pháp đồng hóa số liệu ra-đa để dự báo mưa lớn hạn cực ngắn và số liệu sử dụng trong luận án; nghiên cứu lựa chọn bộ tham số phù hợp cho hệ thống HCM-RAP dự báo mưa hạn cực ngắn khu vực thành phố Hồ Chí Minh và vai trò của đồng hóa số liệu ra-đa trong dự báo mưa lớn hạn cực ngắn cho khu vực thành phố Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở thiết lập và tối ưu hệ thống đồng hóa cập nhật nhanh HCM-RAP trong việc nâng cao độ chính xác của kết quả dự báo mưa lớn hạn cực ngắn (1-6h) cho khu vực Thành phố Hồ Chính Minh trên cơ sở đồng hóa số liệu độ phản hồi và tốc độ gió xuyên tâm từng giờ với tần suất quan trắc ra-đa 15 phút cho với 7 cấu hình tổ hợp đa vật lý khác nhau đối với với 4 phương đồng hóa CTL, VR, ZH, ZHVR cho 15 đợt mưa trong 3 năm 2019-2021. Luận án đã thực hiện tổng số 29.568 mô phỏng, số liệu dự báo lượng mưa theo các ngưỡng mưa 0,1mm/h, 1, 2, 3, 4, 5 mm/h và các hạn dự báo 1, 3, 6 h của từng phương án nghiên cứu được trích suất so sánh đánh giá với số liệu mưa tích lũy từng giờ của 39 trạm quan trắc.
Kết quả cho thấy, luận án đã lựa chọn được 2 tổ hợp vật lý nhằm cập nhật nhanh dữ liệu ra-đa dự báo mưa lớn hạn cực ngắn (0-6 h) cho TP. Hồ Chí Minh. HCM-RAP cải thiện dự báo mưa hơn hẳn so với không đồng hóa ở cả 3 ngưỡng mưa (có, vừa, to, rất to) và các hạn dự báo. HCM-RAP cho VR tốt hơn so với không đồng hóa, HCM-RAP với ZH tốt hơn RAP với VR và ZHVR cho kết quả tốt nhất. Độ phản hồi có vai trò quyết định và ảnh hưởng nhiều nhất so với tốc độ gió xuyên tâm khi đồng hóa cập nhật nhanh đối với dự báo hạn cực ngắn và các ngưỡng mưa khác nhau cho khu vực TP. Hồ Chí Minh và đồng hóa độ phản hồi kết hợp với tốc độ gió xuyên tâm cho mô hình WRF có thể cải thiện khoảng 2 lần so với với không đồng hóa. Trong 4h đầu ngoại suy ra-đa có kĩ năng hơn đối vưới tất cả các ngưỡng mưa. Tuy nhiên hạn từ 4-6h thì HCM-RAP thể hiện kĩ năng vượt lên so với ngoại suy ra-đa. Đặc biệt ngưỡng mưa to và rất to (2 mm/h và 5 mm/h).
Toàn cảnh buổi đánh giá
Kết thúc phần trình bày của NCS, các thầy cô trong Hội đồng đã đưa ra nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá Luận án. Sau phiên họp kín, các thành viên trong Hội đồng đánh giá Luận án của NCS. Trương Bá Kiên đạt yêu cầu nhưng cần tiếp tục chỉnh sửa để chuẩn bị cho buổi đánh giá cấp Viện.