Chuyên đề thuộc đề tài cấp Bộ mã số TNMT.2021.562.05 do trung tâm Khí tượng Nông nghiệp, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu thực hiện đã chỉ ra tác động dựa trên mối quan hệ giữa tín phong với các yếu tố khí hậu trên lãnh thổ Việt Nam.
Nghiên cứu ảnh hưởng của tín phong đến nhiệt độ trên 7 vùng khí hậu là cần thiết
Nhiệt độ là một yếu tố khí tượng thể hiện đặc tính cường độ của trạng thái khí quyển. Ngoài việc đo yếu tố nhiệt độ vào các kỳ quan trắc và giản đồ được ghi lại bằng nhiệt ký còn có hai đặc trưng nhiệt độ được quan trắc hàng ngày đó là nhiệt độ tối cao (Tx) và nhiệt độ tối thấp (Tn). Nhiệt độ Tx và Tn hàng ngày là các giá trị tức thời của trạng thái khí quyển tại một địa điểm cụ thể. Các giá trị này luôn biến đổi từ ngày này sang ngày khác, từ khu vực này sang khu vực khác và biến đổi theo thời gian trong năm. Khi tính trung bình theo tháng, năm hoặc một khoảng thời gian đủ dài thì giá trị này đặc trưng cho khí hậu của khu vực đó và ít biến đổi hơn. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, rét đậm, rét hại, hạn hán… không thể đo đạc một cách trực tiếp mà phải xác định thông qua các giá trị nhiệt độ cực trị này.
Trong những năm gần đây, có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhiệt độ tối thấp và nhiệt độ tối cao không chỉ chịu ảnh hưởng của các yếu tố địa lý tự nhiên, địa hình, bức xạ của khu vực đó mà còn chịu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).
BĐKH tác động đến nhiều yếu tố khí hậu, nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Các yếu tố khí hậu bị tác động như nhiệt độ trung bình, nhiệt độ tối thấp, nhiệt độ tối cao, lượng mưa trung bình, lượng mưa ngày lớn nhất, chế độ bốc hơi, chỉ số ẩm ướt, hạn hán và một số yếu tố khác.
Yếu tố nhiệt độ bị tác động là không đồng nhất trên toàn cầu, ở các khu vực khác nhau chịu tác động và thay đổi không giống nhau, phụ thuộc vào những đặc điểm như địa hình, chế độ mặt đệm, hoạt động của con người… Sự tác động này thể hiện rõ nhất qua các chỉ số khí hậu cực đoan của nhiệt độ. Vì vậy, việc phân tích dựa trên bộ số liệu quan trắc trong quá khứ để hiểu rõ hơn về đặc điểm biến đổi của nhiệt độ cực trị là một việc làm hết sức cần thiết giúp cho việc hoạch định chính sách ứng phó phù hợp, giảm thiểu đến mức thấp nhất mức độ tổn thương và thích ứng tốt nhất với biến đổi khí hậu.
Báo cáo đánh giá lần thứ 5 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã khẳng định nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên từ cuối thế kỷ 19 và đây là một xu hướng không thể đảo ngược. Trong ba thập kỷ vừa qua bề mặt trái đất liên tục nóng lên, hơn tất cả các thập kỷ trước và thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI là nóng nhất. Nhiệt độ trung bình toàn cầu của cả bề mặt trái đất và đại dương đều có xu hướng tăng lên tuyến tính. Ở Việt Nam nhiệt độ có xu thế tăng ở hầu hết các trạm quan trắc, tăng nhanh trong những thập kỷ gần đây. Trung bình cả nước, nhiệt độ trung bình năm thời kỳ 1958-2014 tăng khoảng 0.62°C, riêng giai đoạn (1985- 2014) nhiệt độ tăng khoảng 0.42°C. Ảnh hưởng của áp cao cận nhiệt đới Bắc Thái Bình dương đến nhiệt độ đã được nghiên cứu, nhưng ảnh hưởng của tín phong đến nhiệt độ trên 7 vùng khí hậu chưa được nghiên cứu. Để hướng tới đánh giá vai trò của tín phong đối với thời tiết khí hậu, nghiên cứu đánh giá mối quan hệ giữa tín phong đối với nhiệt độ trên 7 vùng khí hậu Việt Nam.
Tác động của mối quan hệ giữa tín phong với các yếu tố khí hậu trên lãnh thổ Việt Nam
Chuyên đề “Đánh giá nhiệt độ ở 7 vùng khí hậu trong trường hợp chịu tác động của tín phong” với mục tiêu chỉ ra tác động dựa trên mối quan hệ giữa tín phong với các yếu tố khí hậu trên lãnh thổ Việt Nam đã xác định: Tín phong có quan hệ tương quan khá lớn (hệ số tương quan đạt độ tin cậy thống kê 95% theo kiểm nghiệm Student) ở khu vực Bắc Bộ (Tây Bắc, Đông Bắc và Đồng bằn Bắc Bô), Nam Trung Bộ, Nam Bộ (Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ) và Tây Nguyên trong cả năm, đặc biệt trong các tháng mùa thu và mùa đông, cho thấy sự mở rộng và ảnh hưởng của tín phong trên khu vực. Ở khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ có hệ số tương quan thấp hơn các vùng khác.
Tín phong không phải tác nhân chính làm thay đổi nhiệt độ cho Việt Nam, cụ thể hơn do yếu tố vận chuyển nhiệt cũng như trong các thời kỳ gió mùa tây nam gây hiệu ứng phơn và sự tác động của tín phong chủ yếu ở rìa phía tây trên cao tạo thời tiết tốt. Do đó tác động của tín phong có thể có lúc làm luồng khí mát làm giảm nhiệt độ, nhưng cũng có tháng làm gia tăng nhiệt độ trong mùa hè.