Đánh giá toàn cầu tại Việt Nam

Đó là tên hội thảo vừa được Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) phối hợp với Văn phòng đại diện tổ chức Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) tại Việt Nam; Nhóm Công tác về Biến đổi Khí hậu của Tổ chức Phi chính phủ (CCWG) và Tổ chức WWF tại Việt Nam đồng tổ chức tại Hà Nội sáng 17/10.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Viện trưởng Viện KTTVBĐKH) cho biết, Viện KTTVBĐKH là đơn vị có bề dày lịch sử và luôn đi đầu trong nghiên cứu về khí tượng, thủy văn, môi trường và BĐKH. Viện đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao chủ trì thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng trong ứng phó với BĐKH. Ngoài ra, Viện cũng hợp tác với các tổ chức quốc tế thực hiện nhiều hoạt động, dự án nhằm xây dựng chính sách ứng phó với BĐKH cho các Bộ, ngành, địa phương.

Theo PGS. TS Ngà, hội thảo “Đánh giá toàn cầu tại Việt Nam” diễn ra trước thềm Hội nghị COP28. Hội thảo sẽ cập nhật bối cảnh thực hiện các mục tiêu khí hậu cấp quốc tế từ COP27 cùng với đánh giá tổng quát quá trình thực hiện thỏa thuận Paris tại Việt Nam và các thông tin về ứng phó với BĐKH tại UAE, các chủ đề chính sẽ được đề cập tại COP28… Ngoài ra, hội thảo cũng sẽ tạo cơ hội để các khách mời và các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm trong công tác ứng phó với BĐKH.

Với diễn giả là đại diện đến từ các cơ quan Nhà nước, các ban ngành, viện nghiên cứu và các tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực về BĐKH và bảo vệ môi trường, người đứng đầu Viện KTTVBĐKH tin chắc rằng, các đại biểu sẽ thu được nhiều thông tin và kiến thức bổ ích, góp phần hỗ trợ cho công tác liên quan đến BĐKH.

Bà Franziska Schmidtke chia sẻ tại hội thảo

Đồng quan điểm với PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, bà Franziska Schmidtke (Giám đốc Dự án Khí hậu và Năng lượng châu Á, Viện Friedrich-Ebert-Stiftung Việt Nam) cho hay, đã gần 7 năm trôi qua từ khi Thỏa thuận Paris chính thức có hiệu lực. Như vậy với 197 quốc gia trong đó có Việt Nam đã đi hết một nửa chặng đường để có thể giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Với bối cảnh thế giới mới sau đại dịch, mục tiêu này đang ngày càng trở nên khó đạt được, đặc biệt là với những nước dễ chịu tổn thương bởi biến đổi khí hậu như Việt Nam. Do đó, Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (hay gọi tắt là COP 28) sẽ đánh dấu lần đầu tiên thế giới nhìn lại việc phối hợp thực hiện thỏa thuận Paris bằng cách ban hành cơ chế đánh giá nỗ lực toàn cầu (tên tiếng Anh là Global Stocktake). Đây sẽ là nền tảng cho việc đánh giá tiến độ hiện tại trong nỗ lực đạt được các mục tiêu về khí hậu để chuẩn bị tốt nhất cho bản cập nhật NDC tiếp theo vào năm 2025.

Ông Bader Abdulla Almatrooshi

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền UAE – Đại sứ quán các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất tại Việt Nam, ông Bader Abdulla Almatrooshi đã chia sẻ về những nỗ lực trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu tại các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và những nội dung chính mà nước chủ nhà sẽ thúc đẩy trao đổi tại COP28.

Tại hội thảo, bà Chu Thanh Hương (Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hơp tác Quốc tế, Cục BĐKH) đã trình bày các cập nhật đáng chú ý trong quá trình thực hiện cam kết trong thỏa thuận Paris sau COP26 tại Việt Nam. Ông Philipp Beherns (Vụ trưởng Vụ Quỹ Sáng kiến khí hậu quốc tế, Bộ Kinh tế và Khí hậu, Cộng hòa Liên bang Đức) đã trình bày về những khái niệm Global Stocktake – Đánh giá nỗ lực toàn cầu toàn cầu, những kết quả chính trong quá trình thực hiện đã qua và những điểm cần đến sự nỗ lực trong thời gian tới. Bà Anushree Tripathi (chuyên gia thuộc Vụ Biến đổi khí hậu, Bộ Môi trường, Lâm nghiệp và Biến đổi khí hậu Ấn Độ) trình bày về bối cảnh thực hiện Global Stocktake trên thế giới và thông tin quan trọng  về quá trình nộp hồ sơ từ Ấn Độ.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Là một trong những tổ chức đi đầu trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam  tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam đã có rất nhiều những dự án, hoạt động thành công tại cấp quốc gia và cấp địa phương. Bà Nguyễn Thị Yến, cố vấn kĩ thuật Khí hậu và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai từ tổ chức CARE đã có bài trình bày về Giới và ứng phó với BĐKH. Trong đó nêu bật những gương phụ nữ điển hình thích ứng tốt với BĐKH từ dự án của các thành viên.

Đại diện Viện KTTVBĐKH, bà Phùng Thị Thu Trang, Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu Môi trường đồng thời là chuyên gia thực hiện báo cáo nghiên cứu về Global Stocktake đã có bài trình bày về kết quả báo cáo về thực hiện kiểm toán toàn cầu tại Việt Nam.

Sau phần trình bày của các chuyên gia, gần 100 khách mời tham dự hội thảo đã có thời gian trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến COP28.  

TS. Lê Ngọc Cầu phát biểu tổng kết tại hội thảo

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Lê Ngọc Cầu (Phó Viện trưởng Viện KTTVBĐKH) khẳng định: Hội thảo “Đánh giá toàn cầu tại Việt Nam” đã cập nhật bối cảnh thực hiện các mục tiêu khí hậu cấp quốc tế từ COP27 cùng với đánh giá tổng quát quá trình thực hiện thỏa thuận Paris tại Việt Nam và các định hướng chính cần có trong đánh giá nỗ lực toàn cầu. Đồng thời, nêu ra cách thức để tham gia vào các giai đoạn của việc đánh giá và những hỗ trợ mà các tổ chức, viện nghiên cứu có thể thực hiện được để đóng góp cho cập nhật và nâng cao tham vọng của chính sách hiện tại của quốc gia.

Một số hình ảnh các chuyên gia báo cáo tại hội thảo:

Bà Chu Thanh Hương

Ông Philipp Beherns

Bà Phùng Thị Thu Trang

Bà Nguyễn Thị Yến

Các khách mời tham dự hội thảo.