Đề xuất dự án Quỹ Môi trường toàn cầu

Chiều ngày 22/5, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã có buổi làm việc với tổ chức IFAD và tỉnh Thanh Hóa về đề xuất dự án Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF).

TS. Lê Ngọc Cầu (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đại diện Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã cùng phía IFAD đã trao đổi về những lĩnh vực thế mạnh của hai bên.

Đại diện IFAD đã giới thiệu về dự án hạ tầng nguồn nước thích ứng Biến đổi khí hậu cho nông hộ nhỏ tỉnh Thanh Hóa. Trong thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 4/2023, IFAD đã cử 02 Đoàn công tác thiết kế ý tưởng dự án đến tỉnh Thanh Hóa với các mục tiêu: Bước đầu chuẩn bị báo cáo đánh giá xã hội – môi trường – BĐKH theo tiêu chuẩn của IFAD (SECAP); tiếp tục xây dựng hợp phần 2 của dự án phù hợp với Mẫu xác định dự án (PIF) nhằm huy động nguồn tài trợ không hoàn lại của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF).

Đại diện IFAD phát biểu tại buổi làm việc

Theo đại diện IFAD, đề xuất dự án Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) được xây dựng với mục tiêu phát triển là tăng cường bảo vệ môi trường và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững tại tỉnh Thanh Hóa.

Chiến lược tổng thể của dự án được xác định nhằm thúc đẩy quản lý cảnh quan tổng hợp nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường, tăng cường khả năng thích ứng khí hậu và cải thiện cơ hội kinh tế định hướng thị trường cho cộng đồng dân cư (tại huyện Hoằng Hóa và Hà Trung).

Đặc biệt, dự án có các hướng tiếp cận sáng tạo như: Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội định hướng thị trường thích ứng BĐKH được phân cấp và có sự tham gia; Các cơ chế đồng quản lý và đồng đầu tư nhằm thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và kế hoạch hành động chuỗi giá trị; Thí điểm các hệ thống quản lý chất thải sáng tạo hiệu quả và cơ chế chi trả dịch vụ môi trường phục vụ quản lý cảnh quan tổng hợp; Thí điểm mô hình nông nghiệp ít khí thải trong kế hoạch phát triển chuỗi giá trị.

Toàn cảnh buổi làm việc

Trong thời gian tới, Đoàn sẽ thiết kế Hợp phần 2 của dự án, trên cơ sở đó trình IFAD và GEF đánh giá và phê duyệt kỹ thuật, đồng thời phối hợp với phía Việt Nam tiến hànhcác thủ tục để Chính phủ xem xét và phê duyệt chủ trương theo quy định tại Nghị định số 114/2021.

Với dự án này, IFAD hy vọng sẽ được cùng hợp tác với Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu hoàn thiện hợp phần 2 của dự án để nộp quỹ GEF.