Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ cấp Cơ sở của NCS. Trần Đỗ Bảo Trung

Luận án đã xác định được lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông công cộng của thành phố Hà Nội; xác định được các giải pháp công nghệ và tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính.

 

PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương chủ trì buổi đánh giá

Sáng ngày 12 tháng 1, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức buổi đánh giá Luận án tiến sĩ cấp Cơ sở của NCS. Trần Đỗ Bảo Trung với đề tài: “Nghiên cứu phương pháp đánh giá hiệu quả kinh tế trong triển khai giải pháp giảm phát thải khí nhà kính của giao thông công cộng đô thị tại Việt Nam”; Ngành: Biến đổi khí hậu; Mã số: 9440221 bằng hình thức tiếp kết hợp trực tuyến.

 

Các thành viên trong Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ cấp Cơ sở của NCS. Trần Đỗ Bảo Trung

Buổi đánh giá diễn ra dưới sự chủ trì của PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) với sự tham gia của đại diện cơ sở đào tạo là PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng (Viện trưởng), GS.TS. Trần Hồng Thái (Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn), GS. Trần Thục (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) cùng các chuyên gia đầu ngành về biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trước các thành viên Hội đồng, NCS. Trần Đỗ Bảo Trung đã trình bày các nội dung của luận án. Trong đó, mục đích nghiên cứu của luận án được tác giả nêu ra gồm: Xác định được lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông công cộng của thành phố Hà Nội; xác định được các giải pháp công nghệ và tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính. Đánh giá định lượng được các đồng lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường của giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông công cộng đô thị tại Hà Nội và đề xuất được các giải pháp công nghệ, chuyển đổi phương thức giao thông nhằm giảm phát thải khí nhà kính và đạt được các đồng lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường.

NCS. Trần Đỗ Bảo Trung trình bày luận án

Từ kết quả nghiên cứu định lượng phát thải khí nhà kính và lượng giá đồng lợi ích từ các kịch bản giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông công cộng tại thành phố Hà Nội của Luận án này, luận án đã xác định được mức hệ số chuyên chở tối thiểu để các loại phương tiện giao thông công cộng có thể đem lại tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính. Từ đó, tính toán định lượng tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính (KNK) của các kịch bản chuyển đổi sử dụng xe máy sang các loại phương tiện giao thông công cộng tại thành phố Hà Nội. Các kịch bản chuyển đổi sử dụng xe máy sang phương tiện giao thông công cộng đều có tiềm năng giảm phát thải KNK, nếu tăng hiệu suất hoạt động cao hơn hoặc bằng mức hệ số chuyên chở tối thiểu. Tiềm năng giảm phát thải KNK vào năm 2030 khi thực hiện chuyển đổi hoàn toàn xe máy sang sử dụng xe buýt thường đạt 0,48 triệu tấn CO2tđ; xe buýt nhanh BRT đạt 0,47 triệu tấn CO2tđ và tàu điện đạt 0,55 triệu tấn CO2tđ.

Cùng với đó, từ số liệu về hiện trạng giao thông vận tải tại Hà Nội, Luận án đã lượng giá các đồng lợi ích trong giao thông công cộng gồm: tín chỉ các-bon, tiết kiệm năng lượng, thời gian di chuyển và sức khỏe do ô nhiễm không khí. Trong đó, tàu điện là loại phương tiện giao thông công cộng có thể đem lại giá trị đồng lợi ích cao nhất khi thay thế xe máy. Xe buýt thường và xe buýt nhanh BRT có đem lại các giá trị đồng lợi ích dương về tín chỉ các-bon và tiết kiệm năng lượng, tuy nhiên, vẫn có nhược điểm về thời gian di chuyển và ô nhiễm không khí khi so sánh với xe máy.

Việc xác định tương quan giữa tiềm năng giảm phát thải KNK và giá trị kinh tế đồng lợi ích theo các nhóm giải pháp chuyển đổi sử dụng xe máy sang phương tiện giao thông công cộng tại Hà Nội đã dẫn đến một kết luận là dư địa giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình phát triển giao thông công cộng của Hà Nội còn rất lớn. Tùy theo yêu cầu của việc giảm phát thải khí nhà kính hoặc yêu cầu về phát triển kinh tế – xã hội – môi trường, các nhà quản lý có thể lựa chọn các tổ hợp phát triển loại hình giao thông công cộng khác nhau để tối ưu hóa loại đồng lợi ích được lựa chọn.

 

Toàn cảnh buổi đánh giá

Theo đó, kết quả nghiên cứu có thể được tiếp tục hoàn thiện và áp dụng rộng rãi tại các thành phố khác ở Việt Nam để đánh giá chính xác hơn tác động về kinh tế – xã hội – môi trường trong triển khai các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính của lĩnh vực giao thông công cộng.

 

NCS. Trần Đỗ Bảo Trung nghe nhận xét của Hội đồng

Sau phần trình bày của NCS, các thầy cô trong Hội đồng đã đưa ra các nhận xét, góp ý cho luận án. Sau phiên họp kín, Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ cấp Cơ sở của NCS. Trần Đỗ Bảo Trung đều thông qua đánh giá với 7/7/7 phiếu đồng ý. Như vậy, NCS. Trần Đỗ Bảo Trung sẽ tiếp tục hoàn thiện luận án cho buổi đánh giá cấp Viện trong thời gian tới.

Để lại một bình luận