Tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu vừa tổ chức hội thảo đề tài cấp nhà nước: “Nghiên cứu xây dựng phương pháp luận theo hướng tiếp cận kết hợp “từ trên xuống” và “từ dưới lên” đánh giá rủi ro nguồn nước do thay đổi chế độ thủy văn dưới tác động của thay đổi khu vực và toàn cầu” do TS. Trần Văn Trà làm chủ nhiệm vào sáng ngày 8/12.
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà chủ trì hội thảo
Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu), với sự tham gia của ông Nguyễn Việt Anh, Đại diện Văn Phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước; ông Trần Nam Bình, Đại diện Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên; các chuyên gia thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu và các thành viên thực hiện đề tài.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe TS. Trần Văn Trà, TS. Ngô Thị Thủy, ThS. Văn Thị Hằng lần lượt trình bày các báo cáo về giới thiệu chung, tổng quan, phương pháp tiếp cận kết hợp “từ trên xuống” và “từ dưới lên”, các kết quả bước đầu đánh giá rủi ro nguồn nước, đánh giá tác động đến ngập lụt hạ lưu sông Ba theo hướng tiếp cận “từ trên xuống”.
TS. Trần Văn Trà đã trình bày tóm tắt nội dung đề tài
Các báo cáo đã trình bày tổng quan tình hình nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam rủi ro nguồn nước, phân tích cách tiếp cận “từ trên xuống” và “từ dưới lên”, từ đó, đề xuất hướng tiếp cận kết hợp và xây dựng quy trình đánh giá rủi ro nguồn nước, áp dụng cho lưu vực sông Ba dựa trên kịch bản thay đổi sử dụng đất, phát triển kinh tế – xã hội và kịch bản thay đổi các đặc trưng khí hậu.
Kết quả bước đầu tính toán nhu cầu nước và cân bằng nước nông nghiệp cho thấy khi nhiệt độ tăng lên 2,0°C, tất cả các vùng tưới đều thiếu nước cho dù lượng mưa tăng lên 10%. Đề tài cũng đã xác định được ngưỡng mức đảm bảo cấp nước (tổng lượng nước cấp/tổng nhu cầu nước) là 85%.
TS. Ngô Thị Thủy trình bày tại hội thảo
Về đánh giá tác động đến ngập lụt hạ lưu sông Ba theo hướng tiếp cận “từ trên xuống”, đề tài đã sử dụng kết hợp các mô hình Mike 11, Mike 22 và Mike flood để tính toán mức độ ngập lụt; lựa chọn trạnh lũ tháng XII/1999 làm kịch bản nền (ứng với mức báo động III) và trình bày một số kết quả sơ bộ về tính toán ngập lụt hạ lưu với các kịch bản tăng giảm mưa 10%, 20% và tăng nhiệt độ 0,5°C; 1,0°C; 1,5°C; 2,0°C; 2,5°C. Kết quả nghiên cứu cho thấy tổng diện tích ngập tăng lên tương ứng 24 km2 với kịch bản tăng mưa 20%; giảm tương ứng 30 km2 với kịch bản giảm mưa 20%. Kịch bản tăng 10% lượng mưa và nhiệt độ tăng 1,0°C thì mực nước lớn nhất tại Phú Lâm vượt mức 4m (gây thiệt hại lớn tới hạ lưu sông Ba) tương ứng 1-2 giờ, và lên tới 10 giờ với kịch bản tăng mưa 20%.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp của các chuyên gia để làm rõ hơn khái niệm, phương pháp luận của đề tài và cách xác định ngưỡng lũ và ngưỡng cấp nước.