Hội thảo khoa học luận án tiến sĩ lần 2 của NCS. Trịnh Hoàng Dương

Sáng ngày 18/8/2021, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức Hội thảo khoa học luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh (NCS) Trịnh Hoàng Dương với đề tài: “Nghiên cứu đánh giá diễn biến năng lượng bão trên Biển Đông”, ngành: Khí tượng và khí hậu học; Mã số: 9440222 bằng hình thức trực tuyến.

Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện Quyết định số 113/ QĐ-VKTTVBĐKH ngày 21 tháng 5 năm 2021 của Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu ban hành Quy trình tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ theo hình thức trực tuyến, Hội thảo khoa học luận án tiến sĩ lần 2 của NCS. Trịnh Hoàng Dương đã được tổ chức trực tuyến với nhiều điểm cầu khác nhau, trong đó điểm cầu tại phòng 131 dành cho NCS. trình bày.

 

PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà chủ trì Hội thảo bằng hình thức trực tuyến

Buổi Hội thảo khoa học diễn ra dưới sự chủ trì của PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu), với sự tham gia của đại diện cơ sở đào tạo là PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng (Viện trưởng) cùng các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Khí tượng, khí hậu đến từ các cơ quan trong Bộ.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã nghe NCS. Trịnh Hoàng Dương trình bày các nội dung của luận án. Trong đó, luận án xác định hai mục tiêu chính: Làm rõ được đặc điểm diễn biến của năng lượng bão tích lũy trên Biển Đông và xác định mối quan hệ của nó với nhiệt độ mặt nước biển ở vùng biển đông nam Nhật Bản, với cường độ của dòng xiết cận nhiệt đới; Đánh giá được khả năng ứng dụng thông tin về nhiệt độ mặt nước biển ở vùng biển đông nam Nhật Bản và cường độ của dòng xiết cận nhiệt đới trong dự báo hạn mùa về chỉ số năng lượng bão tích lũy trên Biển Đông.

 

NCS. Trịnh Hoàng Dương trình bày các nội dung của luận án

Những đóng góp mới của luận án được nêu ra gồm: 1) Luận án đã xác định được sự tương đồng giữa Biển Đông và Tây bắc Thái Bình Dương về thời gian tập trung năng lượng bão trong năm vào tháng 7 đến tháng 11, sự khác biệt về thời gian cao điểm của năng lượng bão trên Biển Đông trong tháng 9 đến tháng 10, trong khi Tây bắc Thái bình Dương trong tháng 8 đến tháng 9 và diễn biến của năng lượng bão trên Biển Đông về xu thế giảm trong cả thời kỳ 1982-2018 nhưng tăng trong hai thập kỹ gần đây 1999-2018 dựa trên số liệu bão của JMA và JTWC;

2) Luận án đã đánh giá được mối quan hệ tương đối chặt chẽ về mặt thống kê giữa chỉ số năng lượng bão trên Biển Đông với nhiệt độ mặt nước biển ở vùng đông nam Nhật Bản và với cường độ dòng xiết cận nhiệt đới, đồng thời cũng đã lý giải được phần nào cơ chế vật lý của mối quan hệ này.

3) Luận án đã đánh giá được các nhân tố dự báo của sản phẩm mô hình toàn cầu CFS về nhiệt độ mặt nước biển ở vùng biển đông nam Nhật Bản và gió vĩ hướng khu vực cận nhiệt đới có thể sử dụng trong dự báo hạn mùa về chỉ số năng lượng bão tích lũy trên Biển Đông trước 1-2 tháng. Các phương trình dự báo có thể áp dụng trong nghiệp vụ dự báo hạn mùa về bão trên Biển Đông

Sau khi nghe NCS. trình bày, các thầy cô tham gia hội thảo đã có những ý kiến đóng góp cho NCS. để tiếp tục hoàn thiện Luận án.

Trả lời