Sáng 21/7, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) đã tổ chức Hội thảo khoa học cho nhiệm vụ “Nghiên cứu đổi mới công nghệ dự báo các đợt rét đậm, rét hại, mưa lớn trong mùa đông ở khu vực phía bắc Việt Nam hạn đến 10 ngày dựa trên quy luật hoạt động của dòng xiết cận nhiệt đới” do TS. Trịnh Hoàng Dương làm chủ nhiệm.
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà chủ trì hội thảo
Buổi hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Viện trưởng Viện KTTVBĐKH) với sự tham dự của các chuyên gia thuộc lĩnh vực khí tượng, khí hậu.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã nghe ba báo cáo viên trình bày về những nội dung khác nhau của đề tài. Trong đó, mở đầu là báo cáo về đặc điểm hoạt động của dòng xiết cận nhiệt đới do CN. Lê Văn Phong đại diện nhóm nghiên cứu của đề tài trình bày. Báo cáo này đã nêu ra các đặc điểm hoạt động của dòng xiết cận nhiệt đới như phạm vi, tần suất hoạt động, các đặc trưng quy mô lớn…
CN. Lê Văn Phong trình bày báo cáo tại hội thảo
TS. Trịnh Hoàng Dương đại diện nhóm nghiên cứu đề tài đã trình bày tổng quan về đề tài và đặc biệt đi sâu vào mối quan hệ của dòng xiết cận nhiệt đới đối với rét đậm, rét hại ở phía bắc Việt Nam. Các nội dung chính được nêu trong báo cáo này gồm: Mối quan hệ gữa nhiệt độ khu vực Bắc Bộ với đặc trưng hoàn lưu qui mô lớn ở mực thấp; Mối quan hệ gữa nhiệt độ khu vực Bắc Bộ với đặc trưng hoàn lưu qui mô lớn ở mực cao; Mối quan hệ của các đặc trưng qui mô lớn và dòng xiết cận nhiệt đới với một số đợt rét ở khu vực Bắc Bộ.
TS. Trịnh Hoàng Dương trình bày nội dung báo cáo
Thành viên chính của đề tài, TS. Bùi Minh Tuân đại diện nhóm nghiên cứu đã trình bày báo cáo về khả năng ứng dụng phương pháp SOM trong dự báo rét đậm rét hại và mưa lớn. Theo đó, SOM (Self-Organization Map) là một nhánh của mạng thần kinh nhân tạo (ANN), trong đó sử dụng thuật toán học không giám sát (unsupervised) để tạo lên bản đồ 2 chiều của 1 tập số liệu nào đó theo không gian, nhằm biểu diễn trực quan nhất tập số liệu này. SOM có nhiều ứng dụng trong nghiên cứu khí hậu, ví dụ như nhận diện các hình thế hoàn lưu chính diễn ra trong 1 khu vực nào đó. Ở 1 số khía cạnh, SOM tương đối giống 1 thuật toán phân cụm như K-mean và phân tích thành phần chính (principle component).
TS. Bùi Minh Tuân trình bày nội dung báo cáo về SOM
Thực tế, SOM đã được áp dụng trong nhiều nghiên cứu khí hậu trước đây bao gồm cả trong và ngoài nước. Mục đích của nhóm thực hiện đề tài lần này là muốn áp dụng SOM để phân loại các hình thế liên quan đến sự xuất hiện của rét đậm rét hại trên khu vực phía bắc Việt Nam. Sử dụng số liệu ECMWF để dự báo hình thế trong 10 ngày tới, sử dụng SOM để nhận diện hình thế, từ đó đưa ra kết luận về khả năng xuất hiện rét đậm rét hại ở phía bắc Việt Nam.
Theo TS. Bùi Minh Tuân, qua quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã xây dựng thành công công nghệ dự báo rét đậm rét hại sử dụng phương pháp S-SOM (Structural selforganizing map). Phương pháp S-SOM có thể phân loại tương đối tốt các hình thế liên quan đến rét đậm rét hại ở miền bắc Việt Nam, với xác suất xuất hiện rét đậm rét hại lên tới 100%. Các hình thế tại các node tương đồng rất tốt với cơ sở động lực. Khi bổ sung thêm số liệu u200 và v200 trong quá trình tính toán, S-SOM cho kết quả thử nghiệm tốt hơn với 1 số trường hợp.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng cho ý kiến tại hội thảo
Kết thúc phần trình bày của nhóm thực hiện đề tài, các chuyên gia tham dự hội thảo đã lần lượt cho ý kiến đánh giá, góp ý. Trong đó, PGS.TS. Nguyễn Văn Thắng cho rằng cần phân chia giữa dự báo rét đậm, rét hại riêng và bổ sung dự báo về các đợt mưa lớn trong mùa đông.
Phát biểu kết thúc hội thảo, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà đánh giá cao tinh thần say mê tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo của các nghiên cứu viên trẻ. Tuy nhiên, theo người đứng đầu Viện KTTVBĐKH thì ngoài việc nghiên cứu trên lý thuyết, các nghiên cứu viên cần liên kết với điều kiện thực tiễn để rút ra kinh nghiệm. Cùng với đó, bà Ngà yêu cầu nhóm thực hiện đề tài sớm chỉnh sửa theo ý kiến của các chuyên gia, hoàn tất quá trình nghiên cứu để chuẩn bị tốt nhất cho buổi bảo vệ cấp cơ sở sắp tới.