Chiều ngày 21/9, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá tính dễ bị tổn thương của các đối tượng trên lưu vực sông Ba theo cách tiếp cận “từ trên xuống” và “từ dưới lên”” của nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia do TS. Trần Văn Trà làm chủ nhiệm.
TS. Nguyễn Quốc Khánh chủ trì hội thảo
Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Quốc Khánh (Phó Viện trưởng Viện KTTVBĐKH) với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực khí tượng, thủy văn, kinh tế, môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại hội thảo, TS. Trần Văn Trà đã đại diện nhóm thực hiện đề tài giới thiệu chung về các nội dung thực hiện. Theo đó, đề tài xác định 3 mục tiêu chính gồm: Xây dựng được phương pháp luận theo hướng tiếp cận kết hợp “từ trên xuống” và “từ dưới lên” đánh giá rủi ro nguồn nước do thay đổi chế độ thủy văn dưới tác động của thay đổi khu vực và toàn cầu; Đánh giá được mức độ rủi ro nguồn nước, đề xuất các giải pháp giảm nhẹ rủi ro; Xây dựng được quy trình công nghệ đánh giá rủi ro nguồn nước và các giải pháp tổng thể nhằm thích ứng với những thay đổi khu vực và toàn cầu cho lưu vực sông được lựa chọn.
TS. Trần Văn Trà giới thiệu khái quát về đề tài
Từ các mục tiêu trên, nhóm thực hiện đã vạch ra 8 nội dung chính cần thực hiện là tổng quan các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam; Xây dựng cơ sở phương pháp luận và khung đánh giá rủi ro nguồn nước; Thiết lập mô hình khí hậu, thủy văn, thủy lực, mô hình hệ thống nguồn nước; Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương do thay đổi chế độ thủy văn dưới tác động của những thay đổi khu vực và toàn cầu; Áp dụng khung đánh giá rủi ro nguồn nước; Kiến nghị các giải pháp nhằm giảm nhẹ rủi ro nguồn nước; Xây dựng quy trình công nghệ đánh giá rủi ro nguồn nước; Xác định các giải pháp tổng thể.
Theo TS. Trần Văn Trà, tính đến thời điểm hiện tại, nhóm nghiên cứu đã thực hiện được 5 nội dung đầu tiên và đang triển khai nốt các nội dung còn lại.
Các báo cáo viên trình bày tại hội thảo
Sau phần giới thiệu của chủ nhiệm đề tài, nhóm thực hiện đã lần lượt trình bày 3 báo cáo liên quan. Trong đó, TS. Nguyễn Thị Thanh trình bày báo cáo “Xây dựng phương án tính toán các thay đổi toàn cầu có tác động đến chế độ thủy văn lưu vực sông Ba”. Theo kết quả nghiên cứu của báo cáo này, thời kỳ 2021-2040, nhiệt độ tăng phổ biến trong khoảng 0,5 đến 1⸰C, lượng mưa tăng hoặc giảm ở ngưỡng 10%. Trường hợp cực đoan nhất có thể xảy ra, nhiệt độ tăng phổ biến trong khoảng 0,5 đến 1⸰C, lượng mưa giảm ở ngưỡng 20%. Đối với thời kỳ 2041-2060, nhiệt độ tăng phổ biến trong khoảng 1,0 đến 1,5⸰C, lượng mưa tăng hoặc giảm ở ngưỡng 10%. Trường hợp cực đoan nhất có thể xảy ra thì nhiệt độ tăng phổ biến trong khoảng 1,0 đến 1,5⸰C, lượng mưa giảm ở ngưỡng 20%. Cuối cùng, với thời kỳ 2081-2100, nhiệt độ tăng phổ biến ở ngưỡng trên 2,5⸰C, lượng mưa tăng hoặc giảm ở ngưỡng 10%. Trường hợp cực đoan nhất có thể xảy ra, nhiệt độ tăng phổ biến ở ngưỡng trên 2,5⸰C, lượng mưa giảm ở ngưỡng 20%.
Báo cáo Đánh giá rủi ro do thiếu nước trên lưu vực sông Ba theo hướng tiếp cận kết hợp “từ trên xuống” và “từ dưới lên” do TS. Ngô Thị Thủy trình bày cho thấy, rủi ro nguồn nước được xác định dựa vào 02 thành phần: tổn thương nguồn nước (V) và khả năng xuất hiện của tổn thương đó (P). Cách tiếp cận kết hợp “từ trên xuống” và “từ dưới lên” phù hợp trong đánh giá rủi ro nguồn nước, tích hợp toàn diện các đánh giá từ kịch bản phát triển toàn cầu và khu vực trong tình hình thực tế của địa phương. Tổn thương do thiếu nước gây ra cho tưới và các ngành sử dụng nước khác.
Toàn cảnh hội thảo
Trong báo cáo Đánh giá rủi ro do ngập lụt hạ lưu sông Ba theo cách tiếp cận “từ trên xuống” và “từ dưới lên”, Thạc sĩ Văn Thị Hằng đã trình bày về hiện trạng, tác động của ngập lụt, các phương pháp thực hiện cũng như kết quả đánh giá rủi ro do ngập lụt tại hạ lưu sông Ba.
Sau phần trình bày của nhóm thực hiện đề tài, các chuyên gia tham dự hội thảo đã lần lượt đưa ra những ý kiến thảo luận về các vấn đề như: căn cứ tên đề tài để giới hạn phạm vi, các khía cạnh nghiên cứu, việc sử dụng cả CMIP5 và CMIP6…
Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Khánh đánh giá cao những kết quả nghiên cứu mà nhóm thực hiện đề tài đã làm được trong thời gian vừa qua. Cùng với đó, nhóm nghiên cứu cần tiếp thu các ý kiến đóng góp, triển khai các công việc để kịp tiến độ, chuẩn bị tốt cho hội thảo tiếp theo.