Hội thảo: “Những thành tựu của IPCC và các hành động của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu”

        Sáng nay, 24/10/2016, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (MONRE) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), tổ chức Hội thảo: “Những thành tựu của IPCC và các hành động của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu”. Hội thảo được tổ chức với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện cho các tổ chức xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí ở Việt Nam.
        Đến tham dự và phát biểu khai mạc tại Hội thảo có ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam và Trưởng đại diện chương trình phát triển Liên hợp quốc, và ông Hoesung Lee, Chủ tịch IPCC.
        Tham dự hội thảo có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, và các nhà khoa học trong và ngoài nước, đại diện cho các tổ chức xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí ở Việt Nam.
 
 
 
Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc hội thảo.
 
      Trong phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: “Việt Nam nhận thức rõ ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai là vấn đề sống còn cho sự phát triển bền vững đất nước. Việt Nam đã ban hành và triển khai thực hiện một số chiến lược và chính sách về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh”.
 
Ông Hoesung Lee, Chủ tịch IPCC phát biểu tại buổi khai mạc hội thảo
 
      Chủ tịch IPCC, cho biết Báo cáo Đánh giá AR6 sẽ được xây dựng trên cơ sở của Báo cáo Đánh giá lần Thứ năm (AR5) về tác động toàn cầu của biến đổi khí hậu. Báo cáo AR5 được hoàn thành vào năm 2014. Thực hiện đề nghị của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại quyết định của Hội nghị COP 21, IPCC đang xây dựng “Báo cáo đặc biệt về tác động của sự nóng lên toàn cầu 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp và các đường phát thải khí nhà kính tương ứng”.
 
      Ông Lee nói: “Trong báo cáo AR6, chúng tôi mong muốn các nhà khoa học giải quyết các câu hỏi mang tính địa phương và cung cấp các thông tin khoa học để có thể đưa vào các đánh giá. Chúng tôi cũng hi vọng rằng Việt Nam và các nước đang phát triển khác sẽ đề cử các nhà khoa học tham gia với vai trò tác giả cho các chủ đề liên quan đến báo cáo đánh giá của IPCC”.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng đại diện chương trình phát triển Liên hợp quốc
 
       Đề cập đến việc Việt Nam thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng khí hậu cực đoan, bà Pratibha Mehta lưu ý: “Phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và các dân tộc thiểu số thuộc nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất, vì thế chúng ta cần phát huy mọi nỗ lực cần thiết để giúp xây dựng khả năng chống chịu và phục hồi của họ. Chính sách, năng lực và kiến thức phù hợp luôn là ưu tiên được đặt ra để có thể triển khai các biện pháp giảm thiểu rủi ro khí hậu. Nếu không, khó có thể thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam”.
 
 
Đoàn chủ tịch Hội thảo
 
 
Ảnh lưu niệm tại hội thảo
 
      Tại hội thảo, các nhà khoa học trình bày kết quả của báo cáo AR5. Đây là báo cáo góp phần quan trọng vào Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã được thông qua vào tháng 12 năm 2015. Báo cáo AR5 nhận định rằng thế giới có đủ khả năng hạn chế sự nóng lên toàn cầu và xây dựng một tương lai thịnh vượng và bền vững hơn, nhưng để có thể đạt được mục tiêu giới hạn sự nóng lên ở mức dưới 2ºC so với thời kỳ tiền công nghiệp, cần giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính trong các thập kỷ tới.
 
      Một trong các diễn giả, Ông Hans-Otto Pörtner, đồng Trưởng Nhóm Công tác II của IPCC về tác động của biến đổi khí hậu và các nỗ lực thích ứng, cho biết: “Phát thải cao kéo dài sẽ làm tăng rủi ro cho Việt Nam vốn dễ bị tổn thương bởi một loạt các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm mực nước biển dâng và các hiện tượng khí hậu cực đoan. Biến đổi khí hậu là mối đe dọa cho sự phát triển bền vững, tuy nhiên có rất nhiều cơ hội để liên kết việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu với các mục tiêu xã hội khác”.
 
      Các diễn giả khác tại hội thảo gồm có ông Panmao Zhai – Đồng Trưởng Nhóm Công tác I của IPCC, bà Joy Pereira – Phó Chủ Tịch của Nhóm công tác II, bà Diana Ürge-Vorsatz – Phó Trưởng Nhóm công tác III, và đại diện của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu Việt Nam (IMHEN), Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (DMHCC), Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu (VPCC), và UNDP.
 
      Cũng tại hội thảo, các nhà khoa học của Việt Nam trình bày dự thảo kịch bản về biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng năm 2016 cho Việt Nam, các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam và Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris.
Phòng KHĐT&HTQT

Để lại một bình luận