Hội thảo tham vấn chuyên gia về hệ số phát thải đặc trưng của cacbon đen và hệ thống giám sát, báo cáo phát thải cacbon đen cho một số ngành/lĩnh vực ở Việt Nam

Ngày 23/10 tại TP.HCM đã diễn ra “Hội thảo tham vấn chuyên gia về hệ số phát thải đặc trưng của cacbon đen đen và hệ thống giám sát, báo cáo phát thải cacbon đen cho một số ngành/lĩnh vực ở Việt Nam” với sự tham gia của đại diện các cơ quan Nhà nước, các ban ngành, viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực về BĐKH và bảo vệ môi trường.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Thanh Long (Phân viện trưởng Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) cho biết, biến đổi khí hậu được xem là một trong những thách thức lớn đối với sự phát triển và tồn tại của nhân loại trong thế kỷ 21. Theo các đánh giá của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu là do sự phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính quá mức từ các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của con người.

Bên cạnh đó, trong nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra ảnh hưởng trực tiếp của Cacbon đen đến sự ấm lên toàn cầu có thể gấp hai lần so với những con số ước tính trước đó. Với đặc tính thời gian tồn tại trong khí quyển ngắn kết hợp với khả năng ấm lên mạnh mẽ của cacbon đen giúp các chiến lược có mục tiêu để giảm lượng khí thải có thể mang lại lợi ích về khí hậu và sức khỏe trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Các biện pháp kiểm soát, nếu được thực hiện trên toàn cầu vào năm 2030, có thể làm giảm 80% lượng khí thải cacbon đen toàn cầu, cũng là vấn đề cần quan tâm xem xét và là mục tiêu của dự án. Chính vì vậy, ông Long hy vọng hội thảo lần này sẽ cung cấp thông tin về cacbon đen cho các đơn vị, tổ chức và các chuyên gia trong việc xây dựng kế hoạch ứng phó với BĐKH.

ThS. Phùng Thị Thu Trang phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, các báo cáo viên đã lần lượt trình bày về quá trình triển khai thực hiện dự án, việc quan trắc và lấy mẫu khí thải, các phương pháp phân tích cacbon đen trong phòng thí nghiệm và một số kết quả đạt được; Phương pháp phân tích cacbon đen và xây dựng hệ số phát thải cacbon đen từ nhà máy nhiệt điện than; Nghiên cứu phát thải cacbon đen đối với một số lò nung Clinker tại Việt Nam; Đánh giá phân bố ô nhiễm cacbon đen từ các nhà máy nhiệt điện, xi măng; Mô phỏng phân bố lượng cacbon đen do phát thải từ ô tô giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau mỗi báo cáo là phần thảo luận. Tại đây, các chuyên gia tham dự hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận về các vấn đề như phương pháp sử dụng để phân tích cacbon, hiện trạng cacbon đen ở Việt Nam…

Chuyên gia góp ý trong phiên thảo luận

Có thể nói, hội thảo đã cung cấp thông tin cho các đơn vị, tổ chức và các chuyên gia trong việc xây dựng kế hoạch ứng phó với BĐKH. Đồng thời, tạo cơ hội để các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện các hoạt động liên quan.