Buổi hội thảo đã giúp chủ nhiệm đề tài nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia để tiếp tục hoàn thành dự án.
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà chủ trì buổi hội thảo
Chiều ngày 19/7, tại Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) đã diễn ra Hội thảo tham vấn lấy ý kiến chuyên gia nhiệm vụ “Xây dựng định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên sông thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Ninh Bình”. Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Viện trưởng Viện KTTVBĐKH) với sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại hội thảo, Thạc sĩ Văn Thị Hằng đã trình bày báo cáo tính toán mô phỏng lập bản đồ lũ, ngập lụt tại các vị trí xác định cấp báo động lũ. Trong đó nêu ra mục tiêu cụ thể của nhiệm vụ là đề xuất bổ sung quy định mực nước tương ứng với cấp báo động lũ đối với vị trí trên các sông, suối chính trên địa bàn tỉnh Ninh Bình bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ phục vụ nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành phòng chống giảm thiểu thiệt hại do lũ và ngập lụt gây ra; Ban hành quyết định quy phạm pháp luật của UBND tỉnh Quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ tại các vị trí thuộc địa bàn tỉnh quản lý chưa được quy định trong Quyết định số 05/2020/QĐ-TTg.
Thạc sĩ Văn Thị Hằng trình bày báo cáo
Với đề tài này, nhóm thực hiện xác định phạm vi nghiên cứu là các sông thuộc phạm vi địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa được quy định trong Quyết định số 05/2020/QĐ-TTg ngày 31/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ gồm: Lạng, Bôi, Rịa, Hoàng Long, Đáy, Vạc.
Để hoàn thành được các mục tiêu đặt ra, nhóm thực hiện đề tài tiến hành thu thập dữ liệu, thiết lập mô hình toán, xây dựng bản đồ ngập lụt cho khu vực xây dựng cấp báo động lũ.
Sau quá trình tính toán, đề tài đã thiết lập, hiệu chỉnh và kiểm định được bộ mô hình thủy văn, mô hình hình thủy lực 1 Mike 11, 2 chiều Mike 21 và mô hình Mike Flood mô phỏng ngập lụt trong sông và ngoài đông cho hệ thống sông tỉnh Ninh Bình; Các mô hình thủy văn, thủy lực mô phỏng quá trình lưu lượng, mực nước tại các trạm thủy văn khá sát với hệ số NASH cao (>0,90), sai số tổng lượng nhỏ, sai số đỉnh lũ chấp nhận được. Mô hình mô phỏng thủy lực và ngập lụt 2 chiều cho kết quả tốt về diện ngập và chấp nhận được về độ sâu ngập. Mô hình toán đã thiết lập và hiệu chỉnh đủ tin cậy cho các tính toán sau này. Xác định, xây dựng và tính toán thủy văn, thủy lực cho các kịch bản lũ lớn (năm 2017, 2018) và lũ trung bình (2013) tại 05 vị trí đề xuất cấp báo động lũ (Nho Quan, cầu Gia Phong, Cầu Yên, âu Kim Đài, ngã ba Độc Bộ). Từ đó thành lập được bản đồ ngập lụt tỉ lệ 1:10.000 cho các vị trí này.
TS. Lương Hữu Dũng tại buổi hội thảo
Trình bày về nội dung đề xuất mực nước tương ứng với cấp báo động lũ, TS. Lương Hữu Dũng (chủ nhiệm đề tài) đã nêu ra đặc trưng của cấp báo động lũ, nguyên tắc xây dựng cấp báo động lũ, cơ sở xác định cấp báo động lũ và các tiêu chí xác định cấp báo động lũ. Để cho ra kết quả chính xác nhất, nhóm thực hiện đề tài đã đi sâu nghiên cứu về đặc điểm lũ và ngập lụt khu vực tỉnh Ninh Bình, tính toán đặc trưng lũ, phân cấp lũ. Qua kết quả tính toán rủi ro lũ và ngập lụt tại các vị trí đề xuất báo động lũ, nhóm nghiên cứu đã phân tích, đề xuất mực nước tương ứng các cấp báo động lũ tại 5 vị trí trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đảm bảo nguyên tắc, tiêu chí, tiêu chuẩn và quy định về cấp báo động lũ và làm căn cứ phục vụ trong công tác phòng chống thiên tai tại địa phương.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý giúp nhóm thực hiện đề tài tiếp tục hoàn thiện trước khi bảo vệ cấp cơ sở.