Tại hội thảo, nhóm thực hiện đề tài đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của chuyên gia về các nội dung nghiên cứu.
TS. Nguyễn Quốc Khánh chủ trì hội thảo
Chiều ngày 3/11, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) đã tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến chuyên gia trước khi nghiệm thu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu đổi mới công nghệ dự báo khí hậu nông nghiệp. Áp dụng cho dự báo điều kiện khí hậu nông nghiệp và tác động đến sản xuất lúa ở khu vực đồng bằng sông Hồng”, mã số TNMT.2022.02.15, do ThS. Trần Thị Tâm làm chủ nhiệm.
Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Quốc Khánh (Phó Viện trưởng Viện KTTVBĐKH) với sự tham dự của các chuyên gia trong lĩnh vực khí tượng, khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Đăng Mậu đã đại diện nhóm thực hiện trình bày những nội dung chính của đề tài. Theo đó, đề tài xác định mục tiêu nghiên cứu là thiết lập được hệ thống mô hình động lực liên hoàn khí hậu – bề mặt – mùa vụ (Noah-MP LSM-WRF-Crop) với các tham số phù hợp điều kiện Việt Nam; Dự báo được điều kiện khí hậu nông nghiệp và tác động đến sản xuất lúa thời hạn 1-3 tháng cho khu vực đồng bằng sông Hồng bằng hệ thống mô hình được thiết lập.
TS. Nguyễn Đăng Mậu trình bày nội dung đề tài
Với đề tài này, nhóm nghiên cứu sẽ phát triển công nghệ mới với một hệ thống các mô hình khép kín từ dự báo khí hậu đến dự báo cây trồng. Hệ thống này được đề tài gọi là “hệ thống WRF-NOAH MP – CROP” với sự kết hợp của mô hình lồng ghép khí quyển – bề mặt – cây trồng được phát triển ngày càng hoàn thiện và được ứng dụng tốt trong nghiên cứu. Hay nói cách khác mô hình cây trồng (Crop) của Noah sẽ chạy trên từng điểm lưới dựa trên kết quả dự báo các yếu tố khí hậu hạn từ 1 đến 3 tháng của mô hình động lực WRF.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập, xử lý, phân tích thông tin, tài liệu, dữ liệu. Nghiên cứu xác định các tham số đầu vào của hệ thống mô hình liên hoàn khí hậu – bề mặt – mùa vụ (Noah-MP LSM / WRF-Crop) dự báo điều kiện khí tượng nông nghiệp. Nghiên cứu thiết lập hệ thống mô hình Noah-MP LSM / WRF- Crop dự báo điều kiện khí hậu nông nghiệp và tác động đến sản xuất lúa ở đồng bằng sông Hồng cho thời hạn dự báo 1- 3 tháng. Thử nghiệm ứng dụng dự báo đặc trưng khí tượng nông nghiệp thời hạn 1 đến 3 tháng tổ hợp nhiều thành phần (5-10 thành phần) cho các vụ đông xuân và mùa, giai đoạn 2017 – 2021 với độ phân giải cao 3-5km. Nghiên cứu xây dựng quy trình dự báo nghiệp vụ khí tượng nông nghiệp, áp dụng cho dự báo điều kiện khí tượng nông nghiệp và tác động đến sản xuất lúa ở khu vực đồng bằng sông Hồng.
Trong báo cáo tại hội thảo, nhóm thực hiện đề tài đã đưa ra một số kết quả dự báo trường mưa, độ ẩm không khí, hiện tượng khí hậu cực đoan, độ ẩm đất, bốc thoát hơi thực tế (ETAA), chỉ số diện tích lá (LAI), năng suất sinh khối, độ dài thời kỳ sinh trưởng, năng suất hạt của khu vực đồng bằng sông Hồng dựa trên mô hình Noah-MP-crop.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Sau phần trình bày của đại diện nhóm thực hiện đề tài, các chuyên gia tham dự hội thảo đã lần lượt đưa ra những ý kiến nhận xét, góp ý. Trong đó, GS.TS. Phan Văn Tân cho rằng đề tài cần làm rõ về các yếu tố dự báo, hạn dự báo, mức độ chi tiết (theo tuần, tháng), căn cứ so sánh sai số ruộng đất, việc dự báo năng suất hạt phụ thuộc vào canh tác hay sinh khối. Theo PGS.TS. Dương Văn Khảm, các sản phẩm của đề tài về cơ bản đã đạt tiêu chuẩn đề ra. Tuy nhiên, cần phân tích sâu hơn về ưu và nhược điểm của công nghệ dự báo được nghiên cứu trong đề tài so với các công nghệ trước đó.
Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Khánh đánh giá cao những kết quả nghiên cứu mà nhóm thực hiện đề tài đã đạt được. Đồng thời, yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện theo những góp ý để chuẩn bị tốt nhất cho buổi nghiệm thu sắp tới.