Chiều ngày 2/11, tại Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) đã diễn ra hội thảo trước nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp Bộ do TS. Trịnh Hoàng Dương làm chủ nhiệm với sự tham dự của các chuyên gia trong lĩnh vực khí tượng, khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
TS. Nguyễn Quốc Khánh chủ trì hội thảo
Dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Quốc Khánh (Phó Viện trưởng Viện KTTVBĐKH), TS. Trịnh Hoàng Dương đã trình bày về các nội dung của nhiệm vụ. Theo đó, đề tài “Nghiên cứu đổi mới công nghệ dự báo các đợt rét đậm, rét hại, mưa lớn trong mùa đông ở khu vực phía bắc Việt Nam hạn đến 10 ngày dựa trên quy luật hoạt động của dòng xiết cận nhiệt đới” có các mục tiêu chính gồm: Xác định được quy luật hoạt động của dòng xiết cận nhiệt đới và ảnh hưởng của nó đến một số loại hình thời tiết ở Việt Nam (rét đậm, rét hại, mưa lớn trong mùa đông); Xác định được mối quan hệ giữa các đặc trưng hoạt động của dòng xiết cận nhiệt đới và sự xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại, mưa lớn trong mùa đông khu vực phía Bắc Việt Nam; Hoàn thiện được công nghệ dự báo các đợt rét đậm, rét hại, mưa lớn trong mùa đông ở khu vực phía Bắc Việt Nam hạn đến 10 ngày dựa trên sự hoạt động của dòng xiết cận nhiệt đới. Với các mục tiêu trên, từ tháng 1/2022, đề tài triển khai thực hiện và tính đến thời điểm hiện tại đã cơ bản hoàn thành những nội dung theo yêu cầu của thuyết minh đề cương.
Trong báo cáo tổng quan các vấn đề nghiên cứu và đặc điểm hoạt động của dòng xiết cận nhiệt đới, nhóm thực hiện đề tài đã trình bày về mối quan hệ của dòng xiết cận nhiệt trên khu vực Đông Á (EASJS) với không khí lạnh, mưa và mưa lớn, rét đậm, rét hại ở Bắc Bộ. Việc ứng dụng một nhánh của mạng thần kinh nhân tạo (ANN) và SOM (Self-Organization Map) trong khí tượng và dự báo. Phân tích nguyên nhân gây ra mưa, mưa lớn ở Bắc Bộ, phân loại hình thế thời tiết và dự báo. Đồng thời, chỉ ra các đặc điểm, tần suất hoạt động của dòng siết cận nhiệt đới, các đặc trưng quy mô lớn của dòng xiết cận nhiệt đới trong mùa đông…
TS. Trịnh Hoàng Dương trình bày nội dung thực hiện của đề tài
Cùng với việc chỉ ra mối liên hệ giữa đặc trưng hoàn lưu qui mô lớn, dòng xiết cận nhiệt trên khu vực Đông Á với rét đậm, rét hại và mưa lớn trong mùa đông ở khu vực Bắc Bộ, nhóm thực hiện đề tài cũng đã trình bày về thử nghiệm dự báo rét đậm, rét hại và mưa lớn trong mùa đông trên khu vực Bắc Bộ. Cụ thể, đề tài đã ứng dụng Self-Organization Map (SOM) và ANN trong dự báo mưa lớn và rét đậm rét hại trong giai đoạn mùa đông-xuân trên khu vực Bắc Bộ với hạn dự báo 10 ngày. Kết quả cho thấy, phương pháp SOM có khả năng phân loại tốt các hình thế gây mưa lớn, rét đậm rét hại trên khu vực Bắc Bộ, với các đặc trưng như sự xâm nhập lạnh, sự khơi sâu của dòng xiết trên cao. Sử dụng phương pháp SOM kết hợp số liệu dự báo ECMWF cho kết quả dự báo tốt với rét đậm rét hại, với xác suất dự báo lên tới 80-90% ở hạn dự báo 10 ngày. Phương pháp ANN giúp hiệu chỉnh tốt hơn số liệu dự báo ECMWF, đặc biệt ở các trạm đồng bằng. Đối với các trạm ở miền núi cao, khả năng dự báo được cải thiện, tuy nhiên sai số vẫn khá cao so với đồng bằng. Với hạn dự báo 10 ngày, sai số Me và MAE chỉ khoảng 1-2C đối với khu vực đồng bằng và 3-4C ở khu vực vùng núi. Tuy nhiên sai số RMSE tương đối cao, ở khoảng 3-4C ở hầu hết các trạm.
Toàn cảnh hội thảo
Sau phần trình bày của chủ nhiệm đề tài, các chuyên gia tham dự hội thảo đã lần lượt đưa ra những ý kiến nhận xét, góp ý cho nhóm thực hiện.
Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Khánh cho rằng nhóm nghiên cứu cần tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia để hoàn thiện các nội dung thực hiện. Đồng thời, tuân thủ những yêu cầu về nội dung và hình thức báo cáo theo đúng quy định để chuẩn bị tốt nhất cho buổi nghiệm thu chính thức.