Hợp tác quốc tế

Nhằm thu hút nguồn lực, kinh nghiệm trong NCKH, Viện KTTVBĐKH luôn chú trọng hoạt động hợp tác quốc tế, mở rộng quan hệ với các đối tác mới, phát triển hợp tác với các đối tác đã có. Năm 2015, Viện đón tiếp trên 30 cán bộ từ các tổ chức quốc tế đến để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; phối hợp và hỗ trợ các đối tác quốc tế tổ chức các hội thảo chuyên môn về KTTV, môi trường và BĐKH, triển khai các hợp tác nghiên cứu với nhiều viện, trường và tổ chức quốc tế về các lĩnh vực nghiên cứu. Tiếp tục quản lý và thực hiện dự án “Hỗ trợ các hành động giảm nhẹ BĐKH phù hợp với điều kiện quốc gia tại Việt Nam – NAMA” (GIZ tài trợ), “Dự án tăng cường năng lực thực hiện chiến lược quốc gia về BĐKH” (UNDP tài trợ). Viện KTTVBĐKH cũng đã tích cực phối hợp với các bên liên quan tham gia và hỗ trợ đoàn đàm phán về BĐKH tại COP21, chủ trì về kỹ thuật xây dựng “Báo cáo Dự kiến đóng góp quốc gia tự quyết định” (INDC) cho Việt Nam. Đặc biệt, cùng với gần 70 nhà khoa học có trình độ cao thực hiện trong hơn 2 năm, Viện KTTVBĐKH chủ trì và hoàn thành Báo cáo Đặc biệt của Việt Nam về quản lý rủi ro thiên tai và các hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với Biến đổi khí hậu (SREX Việt Nam). Báo cáo SREX Việt Nam đã được đề cử trong 10 Sự kiện nổi bật năm 2015 của Bộ TNMT.

Viện KTTVBĐKH đã thiết lập được quan hệ hợp tác bền vững về khoa học, công nghệ và đào tạo với rất nhiều tổ chức quốc tế và các nước như: WMO, UNDP, GEF, UNEP, UNFCCC, WB, Ủy hội Mê Công quốc tế (MRC), Chương trình Thủy văn quốc tế, Mạng lưới giám sát lắng đọng axít vùng Đông Á (EANET); thực hiện hợp tác song phương với các nước: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Úc, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Hàn Quốc, Đan Mạch, CHLB Đức, Anh, các nước ASEAN; ký Biên bản ghi nhớ với Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí châu Á (ACAP), Thỏa thuận hợp tác với tổ chức nghiên cứu, đào tạo của các nước như Hàn Quốc (về khí tượng, hải dương học, đào tạo nhân lực môi trường, nghiên cứu biển và tràn dầu), Phần Lan (Nghiên cứu thích ứng với biến đổi khí hậu), Trung tâm Phòng tránh thiên tai Châu Á (Nghiên cứu và triển khai hoạt động hỗ trợ kỹ thuật để cải tiến hệ thống dịch vụ thông tin khí hậu, hệ thống cảnh báo sớm khí hậu, quản lý thiên tai ở Việt Nam), OECC Nhật Bản, Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống thông tin địa lý, Đại học Feng Chia, Đài Loan, v.v. Qua đó, Viện KTTVBĐKH đã thu hút được nguồn lực đầu tư, kinh nghiệm và các thành tựu khoa học quốc tế về khí tượng thủy văn, môi trường, biến đổi khí hậu.

Một số hoạt động quan hệ quốc tế tiêu biểu như: Thực hiện nhiệm vụ của Bộ giao làm đầu mối “Đồng chủ trì Nhóm công tác Việt Nam – Hoa Kỳ về Biến đổi khí hậu”, Viện đã phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Tài Nguyên và Môi trường và phía Hoa Kỳ để ký văn bản thỏa thuận về khuôn khổ hợp tác của Nhóm công tác và đã tổ chức thành công phiên họp lần thứ nhất Nhóm công tác Việt Nam – Hoa Kỳ về Biến đổi khí hậu tại Hà Nội. Viện cũng phối hợp trong xây dựng và ứng dụng các mô hình dự báo thời tiết, dự báo khí hậu, mô hình khí hậu khu vực, xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu với các tổ chức như Trung tâm Hadley (Cơ quan khí tượng Anh); Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển quốc gia (NCAR – Mỹ); Trung tâm Dự báo Môi trường quốc gia (NCEP – Mỹ); Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO – Úc); Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng Bjneknes (BCCR – Na Uy); Phối hợp với UNEP trong các nghiên cứu về pháp luật liên quan đến thích ứng với BĐKH và chính sách nhằm giảm sự phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), và tăng cường việc sử dụng hệ sinh thái đa mục tiêu.

Ngoài ra, Viện tham gia và tổ chức nhiều khóa tập huấn, hội thảo khoa học quốc tế và quốc gia về các chủ đề liên quan đến khí tượng thủy văn, môi trường, biến đổi khí hậu nhằm trao đổi và tăng cường năng lực nghiên cứu, đào tạo và ngoại ngữ cho các cán bộ thuộc Viện nói riêng, các cán bộ trong ngành KTTV của cả nước nói chung, như hội thảo về cơ chế phát triển sạch, hội thảo trong khuôn khổ của Chương trình Thủy văn Quốc tế,… Tổ chức các khoá tập huấn về Dự báo khí hậu (phối hợp với NCAR); Ngập lụt đô thị (phối hợp với UNESCO); Tổ chức một số khóa đào tạo về tích hợp vấn đề BĐKH và kế hoạch phát triển (phối hợp với UNDP); Tổ chức tập huấn về mô hình khí hậu (phối hợp với CSIRO – Úc); Tổ chức khóa tập huấn về mô hình dự báo và nghiên cứu thời tiết WRF (phối hợp với ADPC); Xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu (phối hợp với trung tâm Hadley- Anh Quốc); Phát triển đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu (phối hợp với Trường Đại học Công nghệ Cottbus, CHLB Đức); Ứng phó với các sự cố tràn dầu (phối hợp với Viện Nghiên cứu và phát triển Hàn Quốc); Viện Quản lý Nước quốc tế, Tập đoàn phần mềm về Thủy lực của Đan Mạch (DHI); Viện cũng là đầu mối quốc gia về đào tạo trực tuyến “Các công cụ chính sách Tăng trưởng xanh cho phát triển Các-bon thấp” ở Việt Nam (phối hợp với UN-ESCAP); Nghiên cứu phát triển chương trình đào tạo bậc cao học về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cho Đại học tài nguyên môi trường Hà Nội (hợp tác với Trường đại học Yonsei, Hàn Quốc); Tổ chức khóa đào tạo về Kiểm kê phát thải khí nhà kính cho các nước không thuộc phụ lục I (Hợp tác với UNFCCC); Tổ chức khóa đào tạo về Quản lý tổng hợp lũ với trọng tâm là khu vực ven biển Việt Nam (Tổ chức WMO); Phối hợp với Chương trình hỗ trợ kỹ thuật quốc tế, Bộ nội vụ Hoa Kỳ và Chương trình Vũ trụ Hà Lan tổ chức khóa đào tạo “Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ viễn thám và ra-đa phục vụ xây dựng bản đồ thảm phủ ở Việt Nam”…
Viện đã thực hiện tốt và chủ động trong công tác hợp tác quốc tế, chú trọng việc tìm cơ hội nâng cao năng lực cho cán bộ của Viện và quảng bá về các hoạt động chuyên môn của Viện nói riêng và của Bộ TNMT nói chung.

Trả lời