Nghiệm thu niên độ năm 2024 dự án do TS. Lương Hữu Dũng làm chủ nhiệm

Hội đồng nghiệm thu đã nghe TS. Lương Hữu Dũng trình bày khối lượng công việc đã hoàn thành trong năm 2024 của dự án: “Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi”.

TS. Nguyễn Quốc Khánh chủ trì buổi đánh giá

Sáng ngày 16/10, TS. Nguyễn Quốc Khánh (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) đã chủ trì họp nghiệm thu niên độ năm 2024 đối với dự án: “Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi” do TS. Lương Hữu Dũng làm chủ nhiệm.

Tại buổi nghiệm thu, TS. Lương Hữu Dũng đã đại diện nhóm nghiên cứu trình bày các nội dung liên quan đến dự án. Trong đó, mục tiêu hướng đến của dự án là phân vùng rủi ro thiên tai và cảnh báo thiên tai, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu nhằm triển khai có hiệu quả các quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai. Từ mục tiêu này, nhóm thực hiện đã tổ chức khoanh vùng phạm vi nghiên cứu đối với bản đồ hiện trạng lũ quét, sạt lở và mô hình toán thực hiện cho 22 tỉnh vùng núi gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Thành phố Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Việc xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét được thực hiện cho 14 tỉnh là: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vình Phúc, Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình.

TS. Lương Hữu Dũng trình bày nội dung nghiên cứu năm 2024

Trong năm 2024, dự án tập trung thực hiện các dội dung còn lại đối với công việc xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét trong 14 tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành các nội dung công việc theo niên độ. Cụ thể, nhóm đã hoàn thàn báo cáo cơ sở khoa học, phương pháp và kết quả tính toán, phân vùng các bản đồ thể hiện các thành phần hình thành nguy cơ lũ quét (độ dốc địa hình, nguy cơ xói mòn, khả năng phòng hộ của lớp thảm phủ và khả năng trữ nước theo sử dụng đất) và bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét cho 14 tỉnh miền núi phía Bắc; Bản đồ số phân vùng nguy cơ lũ quét cho các tỉnh miền núi phía Bắc (105 Mảnh), trong đó thể hiện 05 cấp mức độ nguy cơ xảy ra lũ quét.

Sau khi nghe TS. Lương Hữu Dũng báo cáo các công việc và kết quả đạt được của dự án trong năm 2024, các thành viên trong hội đồng nghiệm thu đã lần lượt đưa ra nhận xét. Đa phần các ý kiến đánh giá dự án đã đảm bảo được số lượng sản phẩm theo yêu cầu đặt hàng. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cần rà soát lại các báo cáo, bổ sung số liệu xây dựng bản đồ và thống nhất cách sử dụng các ký hiệu, cỡ chữ trong bản đồ…

Các chuyên gia nhận xét về các kết quả của dự án

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Khánh yêu cầu nhóm thực hiện dự án cần rà soát, chỉnh sửa lại các nội dung theo góp ý. Đồng thời, dự án cần viết rõ nội dung, phương pháp thực hiện, bổ sung đánh giá số liệu trong báo cáo tổng kết, thống nhất việc chia mảnh bản đồ với đơn vị phối hợp là Tổng cục Khí tượng Thủy văn. Theo Phó Viện trưởng Khánh, nhóm nghiên cứu phải sớm hoàn thiện việc chỉnh sửa để kịp tiến độ nghiệm thu.