Nghiên cứu ảnh hưởng của ENSO tới các yếu tố khí tượng thủy văn và môi trường biển trên khu vực Biển Đông

Đề tài được Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thực hiện đã góp phần làm sáng tỏ thêm ảnh hưởng của ENSO đến một số yếu tố hải văn và môi trường trên Biển Đông, đồng thời đánh giá khả năng dự báo hạn dài (tháng, mùa) đối với các yếu tố đó do tác động của ENSO.

Sáng 21 tháng
10, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tổ chức nghiệm thu
cấp cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu ảnh hưởng của ENSO tới
các yếu tố khí tượng thủy văn và môi trường biển trên khu vực Biển Đông phục vụ
công tác dự báo và quản lý môi trường biển” do TS. Lê Quốc Huy làm chủ nhiệm.

Buổi nghiệm thu diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Thủy văn – hải văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

PGS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương chủ trì

Nghiên cứu ảnh hưởng của ENSO đến một số yếu tố hải văn và môi trường trên Biển Đông là cần thiết

El Niño-Southern Oscillation (ENSO) là một hiện tượng kết hợp giữa đại dương – khí quyển có nguồn gốc từ vùng biển nhiệt đới Thái Bình Dương, nhưng nó tác động đến hầu hết đến thời tiết khí hậu toàn cầu với các mức độ khác nhau.

Việt Nam nằm trên khu vực chịu ảnh hưởng của các hệ thống hoàn lưu quy mô lớn và các quá trình vật lý khí quyển đại dương, trong đó sự giao tranh của các hệ thống gió mùa: Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á. Do đó Việt Nam chịu sự tác động mạnh mẽ của sự thay đổi các điều kiện khí quyển, đại dương trong đó có ENSO. Hiện tượng này có tác động đáng kể đến điều kiện khí tượng thủy văn của nước ta khi nó gây ra những đợt lũ lụt, hạn hán nghiêm trọng.

Ngoài sự ảnh hưởng đến các yếu tố thời tiết khí hậu trên lục địa thì ENSO cũng ảnh hưởng đến các yếu tố hải văn, môi trường trên Biển Đông. Ảnh hưởng của ENSO có thể gây nên những biến động dị thường của các yếu tố trên Biển Đông và tác động đến các hệ sinh thái, các hoạt động kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng trên vùng biển khơi cũng như vùng ven bờ. Để nắm bắt được quá trình vật lý, nhận định về quy luật xuất hiện, xu thế và tác động của hiện tượng này, đã có nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước được triển khai trên quy mô Biển Đông và đất liền Việt Nam.

“Nghiên cứu ảnh hưởng của ENSO tới các yếu tố khí tượng thủy văn và môi trường biển trên khu vực Biển Đông phục vụ công tác dự báo và quản lý môi trường biển” góp phần làm sáng tỏ thêm ảnh hưởng của ENSO đến một số yếu tố hải văn và môi trường trên Biển Đông, đồng thời đánh giá khả năng dự báo hạn dài (tháng, mùa) đối với các yếu tố đó do tác động của ENSO.

 

TS. Lê Quốc Huy trình bày nội dung đề tài tại buổi nghiệm thu

Với mục tiêu phân tích, đánh giá được tác động của ENSO tới các đặc trưng khí tượng thủy văn biển khu vực Biển Đông: nhiệt độ, độ muối, gió, mực nước biển, dòng chảy, sóng và phân tích, đánh giá được tác động của ENSO tới yếu tố môi trường biển khu vực Biển Đông: chlorophyll. Đề tài đã sử dụng kết hợp ba phương pháp: Phân tích số liệu, tương quan, hồi quy để tiến hành nghiên cứu.

Tác động của ENSO tới các đặc trưng khí tượng thủy văn biển và yếu tố môi trường biển khu vực Biển Đông

ENSO có ảnh hưởng đáng kể lên biến động của mực nước biển và nhiệt độ bề mặt biển trong khu vực Biển Đông. Nhìn chung, khu vực từ duyên hải Nam Trung Bộ tới Đông Nam Bộ và hải đảo chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ quá trình ENSO so với phía Bắc. Mặc dù các yếu tố sóng, gió, độ muối và nồng độ chlorophyll-a có tương quan thấp với chỉ số ENSO nhưng vẫn có xu thế biến động phản hồi với các đặc trưng khác biệt giữa các pha của ENSO. Đợt El Nino mạnh 1997/98 ảnh hưởng rất lớn tới cả dị thường mực nước biển và dị thường SST. Trong đó, với SST, đợt El Nino có mức độ tác động vượt trội so với các đợt El Nino khác. Đối với SST, El Nino 2015/16 cũng không có tác động quá lớn. Pha La Nina có ảnh hưởng rất đáng kể lên mực nước biển, tương đương thậm chí có phần nhỉnh hơn các pha El Nino. Các đợt El Nino hay La Nina được xem là mạnh không hoàn toàn thể hiện tác động rõ rệt lên các yếu tố khí tượng thuỷ văn biển gồm: Đợt El Nino 2015/16 đối với mực nước biển và SST; La Nina 1998/99, 1999/00 và 2010/11 đối với SST. Ngược lại, một số đợt được coi là yếu lại cho thấy ảnh hưởng khá mạnh như El Nino 2004/05 đối với mực nước biển, La Nina 1995/96 và 2011/12 đối với SST.

Biến động của trường sóng và dòng chảy trong các đợt ENSO thể hiện rõ nét đặc điểm phân bố trong các mùa gió mùa Đông Bắc và Tây Nam.

Khả năng dự báo được đánh giá là khả quan đối với những yếu tố tại các trạm có hệ số tương quan cao với chỉ số ENSO. Kết quả dự báo trên quy mô không gian tương đối tốt. Nghiên cứu cho thấy xu thế và phân bố theo không gian giữa kết quả dự báo khá tương đồng với số liệu quan trắc từ vệ tinh.

Kết qủa khảo sát các trường hải văn với các chỉ số Nino khác nhau, cho thấy rằng cùng một yếu tố hải văn có thể có độ trễ tối ưu khác nhau tại các trạm khác nhau, cũng như các yếu hải văn khác nhau ở Việt Nam có độ trễ tối ưu khác nhau. Chất lượng dự báo phụ thuộc vào mối quan hệ giữa yếu tố dự báo và ENSO.

Tuy nhiên để công tác dự báo đạt hiệu quả chính xác cao cần nghiên cứu thêm một cách chi tiết hơn tác động của các pha ENSO, cụ thể tác động của từng đợt lên các yếu tố khí tượng thuỷ văn biển. Hơn nữa, có thể nhận thấy sự phản hồi lên tác động của ENSO ở những yếu tố khác nhau sẽ khác nhau cho từng sự kiện cụ thể. Đây là những lưu ý quan trọng cho những nghiên cứu tiếp theo về ảnh hưởng của ENSO tới khu vực Biển Đông.

Thêm vào đó, nghiên cứu này chưa đề cập tới sự khác biệt giữa các loại hình El Nino như El Nino khu vực 1+2 hay còn gọi là El Nino phía Đông và El Nino khu vực Nino 3+4 hay còn gọi là El Nino Trung tâm hay El nino Modoki.

 

Toàn cảnh buổi nghiệm thu. 

Để lại một bình luận