Nguồn lực tài chính cho ứng phó và khắc phục tổn thất tài chính do thảm họa thiên tai

Đó là tên Hội thảo vừa được Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức tại Hà Nội hôm 30/5. Đại diện Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bà Phạm Thị Thanh Ngà (Phó Viện trưởng) đã tham dự.

TS. Lê Thị Thuỳ Vân phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Thị Thuỳ Vân – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, tình hình biến đổi khí hậu hiện nay gây nên những hiện tượng đáng lo ngại về khí hậu và thời tiết, trong đó có thể kể đến tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, triều cường,… cùng với mức thiệt hại và tổn thất lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nói chung và đời sống của người dân nói riêng, ước tính mỗi năm, Việt Nam thiệt hại từ các thảm họa thiên tai khoảng 1,5 – 2% GDP.

Để khắc phục với những hậu quả về thiên tai, Việt Nam đã và đang huy động các nguồn lực tài trợ chủ yếu thông qua các chính sách về hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, Ủy ban Tài chính, nguồn lực từ Quỹ Phòng chống rủi ro thiên tai và từ các tổ chức, cá nhân và các hình thức bảo hiểm… Có thể thấy, việc huy động các nguồn lực tài chính như vậy có thể hỗ trợ trong việc ứng phó và khắc phục thiệt hại thiên tai khoảng 30%. Đồng thời, với những nguồn ngân sách eo hẹp, việc xây dựng các kế hoạch tài chính ngân sách cần phải chủ động hơn và theo định hướng lâu dài. Dự báo đến năm 2030, tổng thiệt hại về thảm hoạ thiên tai sẽ gây thiệt hại đến GDP bình quân của Việt Nam là khoảng 3%. Do đó, Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá tác động của thiên tai và đưa ra những biện pháp phòng chống thiên tai để giảm thiểu rủi ro về tổn thất tài chính tại Việt Nam.

Bà Phạm Thị Thanh Ngà đại diện Viện Khoa học KTTV&BĐKH tham dự hội thảo

Trong bài tham luận của mình, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) cho hay, thiên tai có mối liên hệ mật thiết với quá trình phát triển trên toàn cầu. Các thảm họa do thiên tai gây ra ngày càng gây thách thức cho các thành tựu phát triển, đồng thời, các lựa chọn phát triển của các quốc gia có thể dẫn đến sự phân bổ rủi ro thiên tai không đồng đều, cũng như gia tăng các rủi ro thiên tai cả về tần suất và cường độ. Do vậy, đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) là thách thức vô cùng lớn ở nhiều cộng đồng và quốc gia bởi những tổn thất do thảm họa thiên tai gây ra.

Trong bối cảnh của BĐKH với xu thế nóng lên toàn cầu vào khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp do IPCC công bố năm 2021, nhấn mạnh đến những diễn biến đáng lo ngại về diễn biến BĐKH bao gồm: thời tiết cực đoan đang diễn ra ở mọi nơi trên trái đất, BĐKH không những khiến nhiệt độ tăng và nước biển dâng, mà còn khiến cho các hiện tượng khí hậu, thời tiết cực đoan bao gồm El Nino, La Nina, hoàn lưu gió mùa, bão, mưa lớn, lũ, hạn hạn biến động mạnh hơn cả về không gian và thời gian, diễn biến bất thường và trái với quy luật gây khó khăn cho công tác dự báo, cũng như ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Viện Khoa học KTTV&BĐKH đã cung cấp thông tin về biểu hiện của BĐKH ở Việt Nam và một số cực đoan trong thế kỷ 21 theo Kịch bản BĐKH do Bộ TNMT công bố năm 2021, gây thách thức cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn. Ngoài các khó khăn và thách thức đối với công tác dự báo thiên tai, một số giải pháp ứng phó, phòng tránh thiên tai ở Việt Nam được nêu ra như: Tăng cường năng lực và cung cấp kịp thời, chính xác thông tin dự báo, cảnh báo, các bản đồ chi tiết rủi ro thiên tai; Chủ động triển khai công tác phòng, tránh thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ông Nguyễn Xuân Tùng trình bày tại hội thảo

Trình bày về tình hình thiệt hại do thiên tai ở Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Tùng (Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Tổng cục phòng chống thiên tai) nhấn mạnh: các hiện tượng thiên tai như bão, mưa lớn, lũ quét, ngập lụt và sạt lở núi, sụt lún đất do hạn hán đã gây thiệt hại khoảng 300 người chết và mất tích/năm, thiệt hại về kinh tế từ 1 – 1,5% GDP được tính qua các năm từ 2017 – 2022. Đặc biệt, hiện tượng bão Molave (bão số 9) đổ bộ vào Quảng Ngãi năm 2020 đã làm 88.591 nhà bị tốc mái, hơn 2500 nhà bị sập và tổng thiệt hại ước tính lên đến 10.000 tỷ đồng.

Để giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra, ông Tùng đã đưa ra một số kiến nghị về giải pháp trong thể chế, chính sách như: cần lồng ghép các nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; tổ chức thực hiện, kết hợp đa mục tiêu, nhất là sử dụng và huy động các nguồn lực về tài chính. Qua đó, các nguồn lực để khắc phục hậu quả về thiên tai cần có sự vào cuộc giữa các cơ quan quản lý Nhà nước; các nguồn lực từ địa phương và cũng cần sự đầu tư, hỗ trợ từ các nguồn tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Đại biểu tham dự hội thảo

Theo thạc sĩ Đinh Ngọc Linh (Ban Kinh tế vĩ mô Viện Chiến lược và chính sách tài chính), Chính phủ nhận thức rõ về những thách thức phải đối mặt về BĐKH ngày càng tăng và đã ứng phó mạnh mẽ thông qua các chính sách, chương trình hành động, chiến lược quốc gia về BĐKH, tăng trưởng xanh. Nguồn lực tài chính ứng phó với thiên tai và BĐKH khá đa dạng, bao gồm Ngân sách Trung Ương, chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu, nguồn viện trợ ODA, viện trợ quốc tế, đầu tư của khu vực tư nhân ứng phó với BĐKH. Tuy đã có những chính sách, kế hoạch và chương trình thích ứng với BĐKH và đã cố gắng tập trung nguồn lực để thực hiện, nhưng hiện nay nguồn lực tài chính mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, trong khi chi phí ứng phó với BĐKH ở Việt Nam được dự báo sẽ vượt quá 3-5% GDP vào năm 2030. Do đó, để tăng cường nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH trong giai đoạn tới, cần tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước và tăng cường huy động nguồn lực tài chính từ hỗ trợ của quốc tế; nguồn lực của các doanh nghiệp và đóng góp của cộng đồng thông qua các giải pháp cụ thể.

Để xây dựng chiến lược tổng thể về tài chính ứng phó và khắc phục rủi ro thiên tai, ThS. Lưu Ánh Nguyệt (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính) đề xuất cần tập trung phát triển nguồn tài chính chủ động và khơi thông đầu tư từ thị trường vốn Quốc tế thông qua nguồn tài chính tài trợ trước và sau thiên tai, như vậy sẽ làm tăng hiệu quả chi của ngân sách Nhà nước, có thể xây dựng nhiều mô hình, chính sách ưu đãi (tín dụng, thuế, chi phí bảo hiểm); Bổ sung thêm nguồn thu vào quỹ tài chính ngoài ngân sách và tín dụng trái phiếu thiên tai,… nhằm hỗ trợ cho những đối tượng bị ảnh hưởng ổn định được sản xuất, xây nhà tránh lũ, xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở cho người dân.

TS. Nguyễn Thị Hải Đường trình bày tại hội thảo

TS. Nguyễn Thị Hải Đường (Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân) đã đưa ra các khuyến nghị về bảo hiểm rủi ro thiên tai thông qua Bảo hiểm nông nghiệp đối với các hoạt động sản xuất nông nghiệp và chính sách hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng được cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho cây công nghiệp, cây ăn quả; Bảo hiểm tài sản; Bảo hiểm vi mô theo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi bổ sung năm 2022 (Nghị định 21/2023/NĐ-CP: Quy định về bảo hiểm vi mô) nên được thực hiện đảm bảo cho quyền lợi của người dân khi xảy ra thiên tai.

Cũng tại Hội thảo lần này, rất nhiều các tham luận và ý kiến đóng góp, xây dựng những phương án khắc phục tổn thất do thảm họa thiên tai gây ra đến từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia đã được đưa ra.