Quy trình tính toán phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính ở Việt Nam cấp lĩnh vực và cấp cơ sở

Đó là chủ đề hội thảo được Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) tổ chức sáng ngày 25/10 tại Hà Nội. Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài KHCN cấp Bộ: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất xây dựng hướng dẫn phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Áp dụng thí điểm cho lĩnh vực quản lý chất thải”, mã số: TNMT..2024.01.05 do TS. Đào Minh Trang làm chủ nhiệm.

TS. Lê Ngọc Cầu chủ trì hội thảo

Tại hội thảo, dưới sự chủ trì của TS. Lê Ngọc Cầu (Phó Viện trưởng Viện KTTVBĐKH), TS. Nguyễn Thị Liễu đã giới thiệu về hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS) và quy trình xây dựng ETS.

TS. Nguyễn Thị Liễu trình bày tại hội thảo

Theo đó, quy trình xây dựng ETS sẽ gồm các bước như: Chuẩn bị, tham vấn các bên liên quan, quyết định phạm vi, thiết lập tổng hạn ngạch phát thải, phân bổ hạn ngạch, thúc đẩy thị trường hoạt động hiệu quả, đảm bảo tuân thủ và giám sát, xem xét sử dụng bù trừ, xem xét liên kết và cuối cùng là triển khai, đánh giá và cải thiện.

TS. Đào Minh Trang đại diện nhóm nghiên cứu trình bày đề xuất quy trình tính toán phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính ở Việt Nam cấp lĩnh vực (trên thế giới, đề xuất quy trình phân bổ hạn ngạch cấp lĩnh vực cho Việt Nam) và cấp cơ sở (tổng quan các phương pháp phân bổ hạn ngạch cấp cơ sở trên thế giới, đề xuất quy trình phân bổ hạn ngạch cấp cơ sở cho Việt Nam).

 TS. Đào Minh Trang báo cáo tại hội thảo

Sau phần trình bày của nhóm nghiên cứu, các chuyên gia tham dự hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến nhận xét về phương pháp và kết quả nghiên cứu của đề tài. Cụ thể, các chuyên gia cho rằng đề tài cần có dữ liệu và đưa vào quy trình tính toán thử thì mới đánh giá được từng công cụ. Việc “áp dụng thí điểm” cần được thể hiện trong đề tài để cụ thể hóa được các nội dung nghiên cứu. Thêm vào đó, các chuyên gia cũng cho rằng, để xây dựng tài liệu hướng dẫn cho tất cả các lĩnh vực có phát thải khí nhà kính mà ra được hướng dẫn cụ thể cho từng ngành và cấp cơ sở là không khả thi vì đây là lĩnh vực khó và mới. Tuy nhiên, việc tập trung vào lĩnh vực quản lý chất thải như đề tài đã nêu là hoàn toàn có khả năng.

Các chuyên gia tham dự hội thảo

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Lê Ngọc Cầu cho rằng, đề tài cần phải đưa ra phương pháp và phân tích phương pháp nào phù hợp với Việt Nam. Vì số liệu là vấn đề Việt Nam không mạnh nên cần lựa chọn phương pháp phù hợp. Với đề tài này, TS. Cầu kỳ vọng nhóm nghiên cứu sẽ đưa ra một sản phẩm có thể áp dụng được trong thực tế và phục vụ công tác quản lý của nhà nước. Riêng với lĩnh vực chất thải cần xây dựng chi tiết hơn về quy trình chung, việc áp dụng với lĩnh vực chất thải cụ thể ra sao…