Thành tựu nghiên cứu Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

I. Khoa học công nghệ:

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu là viện nghiên cứu cơ bản trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, có chức năng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về khí tượng, khí hậu, biến đổi khí hậu, khí tượng nông nghiệp, thủy văn, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn biển và môi trường; đào tạo sau đại học về khí tượng, thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu.

Từ khi thành lập đến nay, Viện KTTVBĐKH đã thực hiện nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng quy trình, quy phạm, điều tra, khảo sát, nghiên cứu thực địa, v.v. Các hoạt động khoa học công nghệ của Viện KTTVBĐKH được triển khai thực hiện ở cả 3 cấp: сấp Nhà nước, cấp Bộ (Tổng cục) và cấp Cơ sở. Viện KTTVBĐKH cũng đã chủ trì nhiều đề tài thuộc các chương trình khoa học trọng điểm quốc gia, nhiều đề tài độc lập cấp nhà nước và hàng trăm đề tài cấp Bộ và cấp Cơ sở có ý nghĩa quan trọng phục vụ phát triển bền vững KT-XH đất nước.

Việc triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu đã góp phần quan trọng vào việc đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu, chỉ đạo và quản lý nghiên cứu khoa học của các cán bộ khoa học, các cấp quản lý của Viện. Viện KTTVBĐKH đã đạt được các thành tựu đáng kể qua các thời kỳ.

1) Giai đoạn 1991-2005:

Viện KTTVBĐKH đã thực hiện 12 đề tài NCKH cấp nhà nước, trong đó có 6 đề tài độc lập và 6 đề tài thuộc các chương trình nghiên cứu đánh giá tài nguyên và phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường giai đoạn 1991-1995, 1996-2000, 2001-2005. Kết quả nghiên cứu đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển KT-XH bền vững, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường, quy hoạch vùng và phòng chống thiên tai.

2) Giai đoạn từ 2006 -2009:

Các đề tài NCKH của Viện KTTVBĐKH trong giai đoạn này có tính ứng dụng cao và tập trung chủ yếu vào vấn đề phòng tránh thiên tai và biến đổi khí hậu như xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng; xây dựng các bản đồ hạn hán; bản đồ nguy cơ sóng thần, phân vùng lũ quét v.v…. Các đề tài này đều đạt kết quả xuất sắc, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao.

3) Giai đoạn 2011 – 2015:

Viện KTTVBĐKH tiếp tục chủ trì thực hiện thành công nhiều đề tài, dự án, nhiệm vụ thuộc các chương trình trọng điểm Nhà nước các cấp. Kết quả nghiên cứu của các đề tài và dự án đã và đang góp phần quan trọng trong việc quản lý, giám sát, đề xuất các giải pháp quản lý tài nguyên nước, cảnh báo, dự báo các hiện tượng cực đoan, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH v.v…

Ngoài ra, Viện đã, đang và tiếp tục thực hiện tốt công tác cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo, thông báo về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cụ thể: Các bản tin dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và thông tin thời tiết hàng ngày; các bản tin dự báo lũ và mực nước trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình; các bản tin Thông báo và Dự báo khí hậu hàng tháng; các bản tin Thông báo Khí tượng nông nghiệp. Viện cũng sẽ tiếp tục duy trì tốt hoạt động của các trạm thực nghiệm và giám sát mạng lưới lắng đọng axit.

Các lĩnh vực nghiên cứu của Viện

4) Từ năm 2016 đến năm 2020

Lĩnh vực Khí tượng – Khí hậu và Khí tượng nông nghiệp

Viện KTTVBĐKH đã nghiên cứu xây dựng thành công hệ thống nghiệp vụ dự báo khí hậu hạn mùa cho Việt Nam bằng các mô hình động lực. Bản tin dự báo bước đầu được cập nhật lên địa chỉ trang web http://climate.com.vn/ với hướng hoàn thiện theo dạng WebGIS, thân thiện và hiệu quả đối với nhiều người dùng. Xây dựng thành công hệ thống nghiệp vụ dự báo định lượng mưa khu vực Nam Bộ và cảnh báo mưa lớn hạn cực ngắn cho thành phố Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao năng lực dự báo định lượng mưa lớn tại Đài KTTV Nam Bộ, phục vụ công tác ứng phó và giảm thiểu các thiệt hại về con người, kinh tế – xã hội và môi trường.

Lĩnh vực Thủy văn và Hải văn

Bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng về Dự báo lũ trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình, cảnh cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét cho các khu vực miền núi thuộc các tỉnh phía bắc, miền Trung và Tây Nguyên; dự báo nước dâng, sóng biển, Viện KTTVBĐKH đã định hướng, tập trung vào nghiên cứu thiên tai và rủi ro đơn và đa thiên tai, trong đó lũ và ngập, lũ quét được trú trọng nghiên cứu.

Lĩnh vực Biến đổi khí hậu

Viện KTTVBĐKH đã chủ trì xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xây dựng báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia. Đây là báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia lần đầu tiên của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Viện KTTVBĐKH cũng tích cực tham gia việc xây dựng, cập nhật báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam để đệ trình lên Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu và xây dựng báo cáo Thích ứng quốc gia; chủ trì đánh giá mức độ rủi ro và tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, xác định nhu cầu thích ứng và nhu cầu giải quyết các vấn đề liên quan đến tổn thất và thiệt hại, nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả các mô hình kinh tế cấp huyện thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Lĩnh vực Môi trường

Năm 2019, công tác nghiên cứu môi trường của Viện đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu vào các vấn đề nóng bỏng được toàn xã hội quan tâm, góp phần vào công tác quản lý môi trường của ngành, như dự báo (hàng tháng); thông báo (hàng quý) chất lượng môi trường không khí, đánh giá các công nghệ xử lý chất thải, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả các mô hình kinh tế cấp huyện. Với nhiệm vụ được giao là cơ quan đầu mối của Việt Nam tham gia mạng lưới giám sát lắng đọng axit Đông Á (EANET), Viện đã thực hiện nghiên cứu, đánh giá, xu thế lắng đọng ướt tại các trạm thuộc Việt Nam trong giai đoạn 2000 – 2018. Kết quả cho thấy, lắng đọng H+ có xu thế giảm do nồng độ H+ trong nước mưa giảm tại các trạm; lắng đọng NO3- và nss-SO42- có xu thế tăng tại Hà Nội, Hòa Bình và giảm tại Cúc Phương, Đà Nẵng.

5. Từ năm 2021 đến năm 2023

Năm 2021

Trong năm 2021, các kết quả nghiên cứu của Viện KTTVBĐKH đã được đẩy mạnh nhằm cung cấp các cơ sở khoa học phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, góp phần vào sự phát triển ngành tài nguyên và môi trường nói riêng và phục vụ kinh tế – xã hội của đất nước nói chung, đặc biệt là việc xây dựng và công bố thành công Kịch bản BĐKH cho Việt Nam, phiên bản cập nhật năm 2020 và lần đầu tiên hoàn thành Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia cho Việt Nam. Song song với công tác nghiên cứu, các cán bộ, giảng viên của Viện KTTVBĐKH còn tích cực tham gia công tác xuất bản các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế.

Năm 2022

Năm 2022, Viện KTTV&BĐKH đã triển khai 03 đề tài cấp nhà nước thuộc Chương trình độc lập, 05 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, thực hiện 9 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, 02 nhiệm vụ tăng cường năng lực NCKH… Trong đó, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ với những đề tài mang tính thời sự như: Nghiên cứu thử nghiệm dự báo chất lượng không khí hạn ngắn cho khu vực thành phố Hà Nội; Nghiên cứu hoạt động của tín phong và ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu ở Việt Nam; Nghiên cứu đổi mới công nghệ dự báo các đợt rét đậm, rét hại, mưa lớn trong mùa đông ở khu vực phía Bắc Việt Nam hạn đến 10 ngày dựa trên quy luật hoạt động của dòng xiết cận nhiệt đới; Nghiên cứu đổi mới công nghệ dự báo khí hậu nông nghiệp. Áp dụng cho dự báo điều kiện khí hậu nông nghiệp và tác động đến sản xuất lúa ở khu vực đồng bằng sông Hồng; Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ khoanh vùng khu vực trồng trọt hữu cơ theo đặc trưng TN&MT tại vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Viện đã thực hiện 346 bản tin thời tiết hàng ngày, 126 bản tin XTNĐ, 79 bản tin mưa lớn; ra thông báo và dự báo KTNN hàng tháng (với 12 bản tin trong năm) đúng thời hạn; cung cấp 320 các bản tin dự báo sóng biển và mực nước tổng cộng trong điều kiện bình thường với hạn dự báo 72h; cung cấp 92 bản tin dự báo sóng biển và nước dâng do bão trong điều kiện ATNĐ, bão với hạn dự báo 72h; cung cấp 374 bản tin cảnh báo lũ quét trên trên phạm vi cả nước với hạn cảnh báo 6h. Từ 15/6/2022 – 15/9/2022, Viện cung cấp 93 bản tin dự báo lũ cho LVS Hồng – Thái Bình với thời hạn dự báo 24h và 48h.

Năm 2023

Trong năm 2023, Viện KTTV&BĐKH đã triển khai 05 đề tài cấp nhà nước thuộc Chương trình độc lập, 07 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, trong đó có 03 đề tài chuyển tiếp năm 2022 và 04 đề tài mở mới năm 2023. Trình Bộ xét duyệt 05 hồ sơ tuyển chọn của nhiệm vụ KHCN cấp Bộ năm 2024. Thực hiện 9 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng 2023. Thực hiện đúng tiến độ 01 dự án thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế và 04 dự án thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường. Chuẩn bị triển khai 03 dự án thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường mở mới được phê duyệt. Ngoài ra đang triển khai thực hiện 01 nhiệm vụ đặc thù thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế và 01 nhiệm vụ đặc thì thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường. Công tác NCKH của Viện hiện đang tập trung mũi nhọn vào các nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, các vấn đề nóng bỏng được toàn xã hội quan tâm như: dự báo môi trường; dự báo thiên tai, lũ quét, sạt lở đất; xây dựng các kịch bản BĐKH và nước biển dâng,… Năm 2023, Viện đăng 22 bài báo quốc tế, trong đó 12 bài trong danh mục ISI/Scopus. Các bài báo là kết quả thực hiện các đề tài NCKH, đóng góp xây dựng phát triển ngành TN&M, phục vụ hiệu quả công tác PCTT và ứng phó với BĐKH. 

Viện ra thông báo và dự báo khí tượng nông nghiệp hàng tháng với 12 bản tin trong năm 2023 đúng thời hạn. Thủy văn – Hải văn: Cung cấp các bản tin dự báo thủy văn, hải văn, cảnh báo lũ quét và xâm nhập mặn. Tính đến tháng 12/2023, Viện cung cấp 340 bản tin dự báo sóng biển và mực nước tổng cộng trong điều kiện bình thường với hạn dự báo 72h; cung cấp 71 bản tin dự báo sóng biển và nước dâng do bão trong điều kiện ATNĐ, bão với hạn dự báo 72h. Thực hiện phát 93 bản tin lũ và 341 bản tin cảnh báo lũ quét trên địa bản các tỉnh miền núi Việt Nam.

II. Đào tạo Nghiên cứu sinh

Trong công tác đào tạo trình độ tiến sĩ, tính đến hết năm 2020, Viện KTTVBĐKH đã đào tạo thành công 92 tiến sĩ về các chuyên ngành Khí tượng và khí hậu học, Thủy văn học, Hải dương học, Quản lý tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, Viện đang tiếp tục đào tạo hơn 22 NCS cho các chuyên ngành trên và chuyên ngành BĐKH và Phát triển bền vững, góp phần không nhỏ trong việc kiện toàn đội ngũ cán bộ chất lượng cao và phát triển, nâng cao chất lượng cán bộ nghiên cứu, quản lý và giảng dạy trong và ngoài Bộ TNMT.

Hiện nay Viện đang đào tạo tiến sĩ với 04 chuyên ngành bao gồm:

Biến đổi khí hậu Mã số: 9440221

Khí tượng và khí hậu học Mã số: 9440222

Thủy văn học Mã số: 9440224

Quản lý Tài nguyên và Môi trường Mã số: 9850101

III. Hợp tác quốc tế

Nhằm thu hút nguồn lực, kinh nghiệm trong NCKH, Viện KTTVBĐKH luôn chú trọng hoạt động hợp tác quốc tế, mở rộng quan hệ với các đối tác mới, phát triển hợp tác với các đối tác đã có. Năm 2015, Viện đón tiếp trên 30 cán bộ từ các tổ chức quốc tế đến để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; phối hợp và hỗ trợ các đối tác quốc tế tổ chức các hội thảo chuyên môn về KTTV, môi trường và BĐKH, triển khai các hợp tác nghiên cứu với nhiều viện, trường và tổ chức quốc tế về các lĩnh vực nghiên cứu. Tiếp tục quản lý và thực hiện dự án “Hỗ trợ các hành động giảm nhẹ BĐKH phù hợp với điều kiện quốc gia tại Việt Nam – NAMA” (GIZ tài trợ), “Dự án tăng cường năng lực thực hiện chiến lược quốc gia về BĐKH” (UNDP tài trợ).

Viện KTTVBĐKH cũng đã tích cực phối hợp với các bên liên quan tham gia và hỗ trợ đoàn đàm phán về BĐKH tại COP21, chủ trì về kỹ thuật xây dựng “Báo cáo Dự kiến đóng góp quốc gia tự quyết định” (INDC) cho Việt Nam. Đặc biệt, cùng với gần 70 nhà khoa học có trình độ cao thực hiện trong hơn 2 năm, Viện KTTVBĐKH chủ trì và hoàn thành Báo cáo Đặc biệt của Việt Nam về quản lý rủi ro thiên tai và các hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với Biến đổi khí hậu (SREX Việt Nam). Báo cáo SREX Việt Nam đã được đề cử trong 10 Sự kiện nổi bật năm 2015 của Bộ TNMT.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Viện trưởng Viện KTTVBĐKH) tham dự COP28

Viện KTTVBĐKH đã thiết lập được quan hệ hợp tác bền vững về khoa học, công nghệ và đào tạo với rất nhiều tổ chức quốc tế và các nước như: WMO, UNDP, GEF, UNEP, UNFCCC, WB, Ủy hội Mê Công quốc tế (MRC), Chương trình Thủy văn quốc tế, Mạng lưới giám sát lắng đọng axít vùng Đông Á (EANET).

Thực hiện hợp tác song phương với các nước: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Úc, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Hàn Quốc, Đan Mạch, CHLB Đức, Anh, các nước ASEAN; ký Biên bản ghi nhớ với Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí châu Á (ACAP), Thỏa thuận hợp tác với tổ chức nghiên cứu, đào tạo của các nước như Hàn Quốc (về khí tượng, hải dương học, đào tạo nhân lực môi trường, nghiên cứu biển và tràn dầu), Phần Lan (Nghiên cứu thích ứng với biến đổi khí hậu), Trung tâm Phòng tránh thiên tai Châu Á (Nghiên cứu và triển khai hoạt động hỗ trợ kỹ thuật để cải tiến hệ thống dịch vụ thông tin khí hậu, hệ thống cảnh báo sớm khí hậu, quản lý thiên tai ở Việt Nam), OECC Nhật Bản, Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống thông tin địa lý, Đại học Feng Chia, Đài Loan, v.v. Qua đó, Viện KTTVBĐKH đã thu hút được nguồn lực đầu tư, kinh nghiệm và các thành tựu khoa học quốc tế về khí tượng thủy văn, môi trường, biến đổi khí hậu.

Một số hoạt động quan hệ quốc tế tiêu biểu như: Thực hiện nhiệm vụ của Bộ giao làm đầu mối “Đồng chủ trì Nhóm công tác Việt Nam – Hoa Kỳ về Biến đổi khí hậu”, Viện đã phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Tài Nguyên và Môi trường và phía Hoa Kỳ để ký văn bản thỏa thuận về khuôn khổ hợp tác của Nhóm công tác và đã tổ chức thành công phiên họp lần thứ nhất Nhóm công tác Việt Nam – Hoa Kỳ về Biến đổi khí hậu tại Hà Nội.

Viện cũng phối hợp trong xây dựng và ứng dụng các mô hình dự báo thời tiết, dự báo khí hậu, mô hình khí hậu khu vực, xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu với các tổ chức như Trung tâm Hadley (Cơ quan khí tượng Anh); Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển quốc gia (NCAR – Mỹ); Trung tâm Dự báo Môi trường quốc gia (NCEP – Mỹ); Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO – Úc); Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng Bjneknes (BCCR – Na Uy); Phối hợp với UNEP trong các nghiên cứu về pháp luật liên quan đến thích ứng với BĐKH và chính sách nhằm giảm sự phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), và tăng cường việc sử dụng hệ sinh thái đa mục tiêu.

Ngoài ra, Viện tham gia và tổ chức nhiều khóa tập huấn, hội thảo khoa học quốc tế và quốc gia về các chủ đề liên quan đến khí tượng thủy văn, môi trường, biến đổi khí hậu nhằm trao đổi và tăng cường năng lực nghiên cứu, đào tạo và ngoại ngữ cho các cán bộ thuộc Viện nói riêng, các cán bộ trong ngành KTTV của cả nước nói chung, như hội thảo về cơ chế phát triển sạch, hội thảo trong khuôn khổ của Chương trình Thủy văn Quốc tế,… Tổ chức các khoá tập huấn về Dự báo khí hậu (phối hợp với NCAR); Ngập lụt đô thị (phối hợp với UNESCO); Tổ chức một số khóa đào tạo về tích hợp vấn đề BĐKH và kế hoạch phát triển (phối hợp với UNDP); Tổ chức tập huấn về mô hình khí hậu (phối hợp với CSIRO – Úc); Tổ chức khóa tập huấn về mô hình dự báo và nghiên cứu thời tiết WRF (phối hợp với ADPC); Xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu (phối hợp với trung tâm Hadley- Anh Quốc); Phát triển đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu (phối hợp với Trường Đại học Công nghệ Cottbus, CHLB Đức); Ứng phó với các sự cố tràn dầu (phối hợp với Viện Nghiên cứu và phát triển Hàn Quốc); Viện Quản lý Nước quốc tế, Tập đoàn phần mềm về Thủy lực của Đan Mạch (DHI); …

Đặc biệt trong lĩnh vực BĐKH, các cán bộ của Viện KTTVBĐKH đã tích cực tham gia nhiều hoạt động có liên quan trong khuôn khổ Công ước Khung của LHQ về BĐKH, tham gia các hội thảo về thị trường cacbon, cơ chế phát triển sạch, phát triển phát thải thấp,…và các khóa học nâng cao năng lực cho các nhà lãnh đạo về quản lý rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, v.v. Các hoạt động HTQT về đào tạo và khoa học công nghệ đã đem lại hiệu quả thiết thực trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thiết bị mới, đào tạo đội ngũ cán bộ và giải quyết một số vấn đề KHCN mới mà Việt Nam chưa có hoặc còn yếu như dự báo bằng các mô hình số trị, biến đổi khí hậu, công nghệ mới.

Năm 2023, Viện đã phối hợp triển khai ký kết 03 Biên bản ghi nhớ với: Khoa Dân sự và Kỹ sư Môi trường, Đại học quốc gia Seoul (CEE) nhằm mở rộng hợp tác giáo dục học thuật và nghiên cứu khoa học, hợp tác trong lĩnh vực Khí tượng Thủy văn, Môi trường và Biến đổi khí hậu; Viện Nghiên cứu và Thử nghiệm Hàn Quốc (KTR) nhằm khai thác thế mạnh của mỗi bên trong công tác hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo, đặc biệt trong lĩnh vực Biến đổi khí hậu; Văn phòng Đại diện tổ chức FriedrichEbert-Stiftung (FES) nhằm xây dựng năng lực, tổ chức các diễn đàn, hội thảo hành động khí hậu, phổ biến các thực tiễn tốt và các dự án thành công trên toàn quốc.

IV. Tạp chí Khoa học Biến đổi khí hậu

Tạp chí Khoa học Biến đổi khí hậu được hình thành theo Quyết định số 386/QĐ-BTNMT ngày 15 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tạp chí Khoa học Biến đổi khí hậu là đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu. Tạp chí được xuất bản định kỳ hàng quý bằng tiếng Việt, một số kỳ đặc biệt xuất bản bằng tiếng Anh.

Tạp chí đăng tải các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ về khí tượng thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu; thông tin các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của Viện và các đơn vị liên quan. Từ khi thành lập đến nay, Tạp chí Khoa học Biến đổi khí hậu đã xuất bản được 28 số với hơn 280 bài viết có chất lượng khoa học. Với mục tiêu trở thành một trong những Tạp chí đầu ngành về khí tượng, thủy văn, môi trường và biến đổi khí hâu, Tạp chí đang ngày càng nâng cao chất lượng và được nằm trong danh mục các Tạp chí tính điểm của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước với 0-0,75 điểm của Hội đồng giáo sư ngành Thủy lợi.

Tóm lại, các kết quả nghiên cứu của Viện KTTVBĐKH đã được đẩy mạnh nhằm cung cấp các cơ sở khoa học phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, góp phần vào sự phát triển ngành tài nguyên và môi trường nói riêng và phục vụ kinh tế – xã hội của đất nước nói chung. Song song với công tác nghiên cứu về BĐKH, các cán bộ, giảng viên của Viện KTTVBĐKH còn tích cực tham gia công tác xuất bản các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế. Tổ chức đào tạo trình độ Tiến sĩ về các lĩnh vực được giao và duy trì xuất bản Tạp chí Khoa học Biến đổi khí hậu của Viện.

Để lại một bình luận