Thông tin luận án tiến sĩ của NCS. Hoàng Thị Ngọc Hà

1. Tên luận án: “Nghiên cứu tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu của hệ sinh thái – xã hội tại huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định”.

– Mã số: 9440221

– Ngành: Biến đổi khí hậu

2. Nghiên cứu sinh: Hoàng Thị Ngọc Hà

Người hướng dẫn: 1) GS. TSKH Trương Quang Học

2) TS. Bạch Quang Dũng

Cơ sở đào tạo: Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu

3. Giới thiệu về luận án:

Nghiên cứu “Tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu của hệ sinh thái – xã hội tại huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định” nhằm đạt mục tiêu tổng quát là đánh giá được khả năng chống chịu biến đổi khí hậu của hệ sinh thái – xã hội ở khu vực nghiên cứu và đề xuất được các giải pháp tăng cường khả năng chống chịu theo tiếp cận dựa vào hệ sinh thái. Các mục tiêu cụ thể gồm: 1) Đánh giá được diễn biến các yếu tố thiên tai, khí hậu và các tác động chính của BĐKH đến hệ ST-XH theo các tiểu vùng sinh thái – xã hội; 2) Đánh giá được khả năng chống chịu BĐKH của hệ ST-XH bằng bộ chỉ số phù hợp với điều kiện địa phương; 3) Đề xuất được các giải pháp cho tăng cường khả năng chống chịu BĐKH theo tiếp cận dựa vào hệ sinh thái. Đối tượng nghiên cứu của luận án là khả năng chống chịu BĐKH của hệ sinh thái – xã hội huyện Giao Thuỷ.

Luận điểm bảo vệ của luận án là: i) BĐKH gây tác động khác nhau tới các lĩnh vực và khu vực/ tiểu vùng của hệ ST-XH; ii) Khả năng chống chịu BĐKH của hệ ST-XH phụ thuộc vào các nguồn lực phát triển của hệ, bao gồm: Tự nhiên, Vật chất, Kinh tế, Xã hội, Chính sách; và iii) Đánh giá được các nguồn lực bằng bộ chỉ số thiên tai – khí hậu sẽ là cơ sở để đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường KNCC BĐKH của hệ ST-XH theo tiếp cận dựa vào hệ sinh thái/thuận tự nhiên phù hợp với bối cảnh địa phương.

Nghiên cứu của luận án được thực hiện trong khoảng thời gian 2016 – 2020 và các số liệu hồi cứu trong hơn 50 năm. Các Phương pháp chính được sử dụng bao gồm: i) Phương pháp thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin, số liệu thứ cấp; ii) Điều tra khảo sát thực địa (thu thập số liệu sơ cấp); iii) Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu; và iv Đánh giá khả năng chống chịu biến đổi khí hậu của hệ ST-XH thông qua các nguồn lực và bằng bộ chỉ số CDRI (125 chỉ số và 25 tiêu chí theo nguyên tắc 5*5.

4. Liệt kê những đóng góp mới của luận án (lượng hóa thật cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn, gạch đầu dòng cho từng đóng góp mới)

Luận án đã:

i) Xây dựng được bộ chỉ số đánh giá khả năng chống chịu BĐKH của hệ sinh thái – xã hội huyện Giao Thủy phù hợp với điều kiện Việt Nam trên cơ sở phương pháp đánh giá CDRI;

ii) Đã phân vùng sinh thái – xã hội cho địa bàn huyện Giao Thủy trong đánh giá tác động của BĐKH, đánh giá khả năng chống chịu BĐKH và đề xuất các giải pháp tăng cường khả năng chống chịu của hệ sinh thái – xã hội theo tiếp cận thích ứng dựa vào hệ sinh thái; và

iii) Luận án đã áp dụng lý thuyết về hệ sinh thái – xã hội trong điều kiện, bối cảnh của vùng đồng bằng ven biển phía bắc Việt Nam.

Để lại một bình luận