Thúc đẩy nghiên cứu trong chương trình IHP phục vụ triển khai Luật tài nguyên nước

Thúc đẩy nghiên cứu trong chương trình IHP phục vụ triển khai Luật tài nguyên nước là một trong những ưu tiên được Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) chuyển tải tới các cán bộ nghiên cứu của Viện tại Thành phố Hòa Bình trong hai ngày 29 và 30/12.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Viện trưởng Viện KTTVBĐKH) cho biết, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường và giảm thiểu rủi ro, tác hại từ các thảm họa do con người và thiên nhiên gây ra liên quan đến nước đã được thể hiện xuyên suốt trong Luật tài nguyên nước.

Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung quy định tại Điều 26, trong đó quy định việc kiểm soát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Ngoài ra, các quy hoạch có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước; kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt; kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh phải gắn với khả năng, chức năng nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu, không vượt quá ngưỡng khai thác nước dưới đất. Đẩy mạnh xây dựng nền tảng công nghệ số trong việc hỗ trợ các cơ quan quản lý trong quá trình quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước, vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, giảm thiểu tác hại do nước gây ra, đặc biệt khi xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trên các lưu vực sông cũng được đặc biệt nhấn mạnh trong Luật Tài nguyên nước 2023.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà và TS. Lê Ngọc Cầu chủ trì hội thảo

Viện KTTVBĐKH là một trong những đơn vị nghiên cứu đi đầu về khí tượng, thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu tại Việt Nam và được giao làm cơ quan đầu mối quốc gia của Chương trình thủy văn liên chính phủ (IHP) tại Việt Nam. UNESCO cũng đã xây dựng chương trình thủy văn liên chính phủ lần thứ 9, trong đó đã xác định các chương trình ưu tiên tại Việt Nam. Với vai trò là đơn vị nghiên cứu nòng cốt của Bộ Tài nguyên và Môi trường về các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến các nội dung của Luật Tài nguyên nước, người đứng đầu Viện KTTVBĐKH kỳ vọng Hội thảo sẽ là cơ hội để các nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, truyền tải, phát triển các định hướng nghiên cứu trong thời gian tới để đảm bảo gắn kết các chương trình của IHP với việc triển khai Luật tài nguyên nước.

TS. Lương Hữu Dũng trình bày báo cáo

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày nhiều góc nhìn khác nhau để thúc đẩy nghiên cứu chương trình IHP triển khai Luật Tài nguyên nước. Trong đó, TS. Lương Hữu Dũng (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và Hải văn) đã giới thiệu về Luật Tài nguyên nước 2023, những điểm mới trong luật. Đặc biệt, báo cáo đã chỉ ra định hướng nghiên cứu thủy văn-tài nguyên nước trong các lĩnh vực như: bảo đảm an ninh nguồn nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây nên.

TS. Đặng Quang Thịnh trình bày báo cáo

TS. Đặng Quang Thịnh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi khí hậu) đã giới thiệu tổng quan về Luật Tài nguyên nước 2023. Trong đó chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong Luật Tài nguyên nước 2023 có thể khắc phục, những điểm mới của Luật, một số điểm liên quan đến BĐKH của Luật Tài nguyên nước 2023 và định hướng triển khai.

TS. Trần Thanh Thủy báo cáo tại hội thảo

Trong báo cáo “IHP9: Một số chương trình ưu tiên tại Việt Nam”, TS. Trần Thanh Thủy (Phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế) đã trình bày về một số chương trình IHP ưu tiên cần nghiên cứu tại Việt Nam như: Thúc đẩy, phát triển và áp dụng các công cụ, cách tiếp cận có cơ sở khoa học để quản lý nước bền vững, quản lý rủi ro thiên tai, giải quyết các thách thức về an ninh nước; Tăng cường quản trị nước để giảm nhẹ, thích ứng và chống chịu; Tiến hành nghiên cứu thủy văn sinh thái, đánh giá tác động của các giải pháp dựa vào tự nhiên và chu trình nước; Tăng cường năng lực thể chế và con người trong chính sách và quản lý nước ngọt và năng lực của các chuyên gia và kỹ thuật viên lành nghề trong giáo dục đại học và dạy nghề liên quan đến nước để xác định những lỗ hổng chính trong quản lý nước bền vững nhằm cung cấp các công cụ thích hợp để giải quyết những lỗ hổng đó; Nâng cao nhận thức thông qua các hệ thống giáo dục, thúc đẩy văn hóa mới về nước cho đông đảo các chuyên gia về nước và cộng đồng các nhà khoa học, bao gồm cả thanh niên và những người ra quyết định ở các lĩnh vực khác nhau trong việc quản lý tài nguyên nước.

TS. Nguyễn Đăng Mậu trình bày nội dung nghiên cứu

Với vai trò là người điều hành Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng nông nghiệp, Viện KTTVBĐKH, TS. Nguyễn Đăng Mậu đã trình bày về nhu cầu nước đối với cây lúa và khả năng đáp ứng từ nước mưa tự nhiên. Trong đó chỉ ra các quy định của Luật Tài nguyên nước 2023 về bảo vệ chất lượng nguồn nước, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong sản xuất nông nghiệp; phương pháp tính nhu cầu tưới của cây lúa dựa trên mô hình Cropwat (FAO) và dự báo nhu cầu nước đối với cây trồng.

TS. Nguyễn Văn Hồng báo cáo tại hội thảo

Báo cáo “Hiện trạng và các thách thức an ninh nguồn nước vùng hạ lưu Sông Cửu Long” của TS. Nguyễn Văn Hồng (Phân Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) đã tổng quan về nguồn nước mặt, nước dưới đất của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Báo cáo đi sâu phân tích hiện trạng và các thách thức an ninh nguồn nước vùng hạ lưu Sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu, kịch bản nước biển dâng, phát triển thượng nguồn, phát triển kinh tế – xã hội nội vùng. Đồng thời, đưa ra các đề xuất cho vùng ĐBSCL như: Chuyển đổi mô hình cây trồng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; Hoàn thiện hệ thống đê điều ven biển (khép kín) và công trình kiểm soát; Chủ động kiểm soát độ mặn và tích trữ nước để ứng phó với hạn hán;  Xây dựng bộ chỉ số an ninh nguồn nước đa mục tiêu và riêng biệt cho toàn vùng ĐBSCL và từng vùng để phục vụ nhu cầu khác nhau; Xây dựng và vận hành công tác quan trắc, cảnh báo tài nguyên nước hệ thống phục vụ vận hành hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL.

PGS.TS. Doãn Hà Phong báo cáo tại hội thảo

PGS.TS. Doãn Hà Phong (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường) trong báo cáo “Mối quan hệ qua lại giữa qui hoạch tài nguyên nước được đề xuất với qui hoạch có liên quan” đã giới thiệu các quy hoạch khác đã được duyệt có liên quan đến quy hoạch được đề xuất, phân tích khái quát mối quan hệ qua lại giữa quy hoạch được đề xuất với các quy hoạch khác có liên quan.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Sau phần trình bày của các chuyên gia, rất nhiều ý kiến thảo luận đã được đưa ra xoay quanh việc những phương án, đề xuất triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước.