TỔNG HỢP BAN ĐẦU VỀ LAN TRUYỀN KHÓI DO CHÁY RỪNG Ở AUSTRALIA

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới WMO, Australia (Úc) đang đối diện với thảm họa cháy rừng thảm khốc chưa từng có trong lịch sử. Báo cáo về mùa cháy rừng (Australian Seasonal Bushfire Outlook) cho thấy năm 2019 là năm có mức độ khô và nóng dị thường với nhiều kỉ lục về mức độ cực đoan của thời tiết được xác lập là nguyên nhân chính để các vụ cháy rừng lan rộng. Theo báo cáo của cơ quan khí tượng Australia, trên toàn quốc, thời điểm mùa xuân năm 2019 (tháng 9 đến tháng 12) có mức độ nguy hiểm về hỏa hoạn cao nhất được đo bằng Chỉ số nguy hiểm cháy rừng (FFDI) 1, với các giá trị cao kỷ lục quan sát được ở tất cả các bang và vùng lãnh thổ. Hơn 95% diện tích của Úc có các giá trị FFDI cao hơn rất nhiều so với mức trung bình, trong đó gần 60% diện tích quốc gia có kỷ lục về chỉ số FFDI.

Trong tuần đầu tiên của năm 2020, nhiều vùng miền nam và miền đông Australia, bao gồm các bang New South Wales và Victoria, đã chứng kiến những điều kiện hỏa hoạn thảm khốc hoặc cực kỳ nguy hiểm do sự kết hợp của nhiệt độ trên 40 °C, gió mạnh và thiếu mưa kéo dài. Úc đã ghi nhận thời điểm nóng nhất xảy ra vào ngày 19 tháng 12, với nhiệt độ trung bình là 41,9 °C. Ở các bang miền nam nước Úc, nhiệt độ 49,9 °C đã được ghi nhận tại Nullarbor, 49,8 tại Eucla và 49,5 tại Forrest.

Các vụ hỏa hoạn đã dẫn đến chất lượng không khí nguy hiểm ở các thành phố lớn trên khắp nước Úc, ảnh hưởng đến New Zealand và khiến khói bay hàng ngàn km qua Thái Bình Dương đến Nam Mỹ.

Theo cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia Australia, khói từ các vụ cháy rừng đã di chuyển một quãng đường rất xa và đã đến cả Argentina và Chile vào ngày 6 tháng 1 năm 2020. Ảnh vệ tinh của Cơ quan khí quyển và đại dương (NOAA) đã cho thấy hình ảnh lan truyền của khói xuất phát từ các đám cháy từ Úc vượt hàng ngàn km trên Thái Bình Dương để đến Nam Mỹ (hình 1).

 

Hình 1. Lan truyền của khói xuất phát từ các đám cháy từ Úc tới Nam Mỹ

(Nguồn: trích lại từ https://public.wmo.int/en/media/news/australia-suffers-devastating-bushfires)

Cháy rừng giải phóng các chất gây ô nhiễm có hại bao gồm các hạt vật chất và khí độc như carbon monoxide, nitơ oxit và các hợp chất hữu cơ không chứa metan vào khí quyển. Theo cơ quan giám sát khí quyển Copernicus của Liên minh châu Âu (Expedia) các vụ hỏa hoạn đã thải ra khoảng 400 megaton carbon dioxide vào khí quyển. Vào ngày 2 tháng 1, Expedia đã thấy rằng nồng độ carbon monoxide trong khí quyển cao nhất trên thế giới là trên vùng Nam Thái Bình Dương, xuất phát từ các đám cháy ở New South Wales. Nhìn chung trên toàn bộ nước Úc, lượng khí thải carbon dioxide không phải là đặc biệt cao trong mùa cháy rừng này, nhưng lượng phát thải từ New South Wales cao hơn nhiều lần so với mức trung bình của giai đoạn 2003 – 2018.

Cháy rừng chịu tác động rất lớn bởi sự dao động tự nhiên của các yếu tố khí hậu bao gồm nhiệt độ, lượng mưa và gió cũng như các yếu tố khác không liên quan đến khí hậu (ví dụ như quản lý đất và rừng, hiện trạng xây dựng). Báo cáo của CSIRO và Cục Khí tượng Úc ban hành năm 2019 cho biết đã có sự gia tăng trong dài hạn về thời tiết cực đoan gây hỏa hoạn và gia tăng thời gian của mùa cháy trên khắp lãnh thổ Úc. Báo cáo cũng nhận định Biến đổi khí hậu đang góp phần vào những gia tăng cực đoan này. Hình 2 thể hiện dị thường về nhiệt đô trung bình năm trong giai đoạn 1910 – 2018 trên toàn bộ lãnh thổ Australia.

 

Hình 2. Dị thường nhiệt độ trung bình năm thời kì 1910 – 2018

Tình trạng cháy rừng ở Australia được giảm bớt trong vài ngày qua nhờ một số cơn mưa rải rác, nhưng cơ quan khí tượng nước này cảnh báo mưa đã chấm dứt và nhiệt độ bắt đầu tăng cao trở lại, có thể khiến thảm họa cháy rừng trở nên tồi tệ hơn.

Trích lược thông tin từ website của WMO (07/01/2020)

(https://public.wmo.int/en/media/news/australia-suffers-devastating-bushfires)

Trả lời