Ứng dụng mô hình giải mây dự báo mưa lớn cho khu vực Trung Trung Bộ

Đó là chủ đề hội thảo khoa học thuộc đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm ứng dụng mô hình phân giải mây (cloud resolving model) tích hợp với mô hình khu vực dự báo định lượng mưa lớn thời đoạn 6h với hạn dự báo 24-48h cho khu vực Trung Trung Bộ”, được Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) tổ chức tại Hà Nội vào ngày 02/10.

TS. Lê Ngọc Cầu chủ trì hội thảo

Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của TS. Lê Ngọc Cầu (Phó Viện trưởng Viện KTTVBĐKH) với sự tham dự của thành viên trong nhóm thực hiện đề tài và các chuyên gia về khí tượng, khí hậu, thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại hội thảo, TS. Trương Bá Kiên (chủ nhiệm đề tài) đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày khái quát các nội dung mà đề tài đã thực hiện được đến thời điểm hiện tại. Theo đó, đề tài hiện đã hoàn thành 6/8 nội dung theo yêu cầu đặt hàng. Cụ thể gồm: Xây dựng hồ sơ thuyết minh; Thu thập, chuẩn hóa các loại số liệu, dữ liệu, tổng quan các tài liệu, phương pháp phục vụ các nội dung nghiên cứu của đề tài; Nghiên cứu ứng dụng mô hình phân giải mây CRESS dự báo mưa lớn cho khu vực Trung Trung Bộ hạn 24-48h; Nghiên cứu ứng dụng mô hình số trị WRFDA độ phân giải cao (2-3km) dự báo mưa lớn cho khu vực Trung Trung Bộ hạn 24-48h; Nghiên cứu xây dựng hệ thống dự báo mưa lớn hạn 24-48h cho khu vực Trung Trung Bộ dựa trên mô hình phân giải mây (Cloud resolving model) kết hợp với mô hình khu vực có đồng hóa số liệu phân giải cao; Nghiên cứu đánh giá kết quả dự báo mưa lớn hạn 24-48h cho khu vực Trung Trung Bộ trong năm 2023. Với các nội dung còn lại, đề tài đang gấp rút chuẩn bị để kịp tiến độ theo yêu cầu đề ra.

TS. Trương Bá Kiên báo cáo tại hội thảo

Trong báo cáo đánh giá kết quả thử nghiệm dự báo mưa lớn thời đoạn 6h hạn 24-48h bằng mô hình CRESS cho khu vực Trung Trung Bộ, Thạc sĩ Trần Duy Thức đã giới thiệu về mô hình CRESS (Cloud-Resolving Storm Simulator). Đây là mô hình phân dải mây khu vực được phát triển từ năm 2003 bởi hai chuyên gia thuộc đại học Nagoya và Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Thông tin với mục đích xây dựng một mô hình số trị quy mô khu vực dự báo các sự kiện thời tiết cực đoan. Mô hình được thiết kế nhằm mục đích dự báo hệ thống mưa và mây với quy mô không gian vừa meso γ (khoảng 5-15km) và quy mô micro γ (dưới 3km). Mô hình Cress dựa trên các phương trình thống trị cơ bản thủy nhiệt động lực học cho các dòng nén được và tính đến ẩm trong khí quyển. Hệ phương trình được xây dựng trên hệ tọa độ địa lý quay và hệ tọa độ thẳng đứng được sinh theo sự biến đổi của địa hình.

Các chuyên gia tham dự hội thảo nghe trình bày về mô hình CRESS

Nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu, đánh giá dự báo mưa của mô hình CRESS với 17 đợt mưa từ năm 2021 đến năm 2023 tại khu vực Trung Trung Bộ, kết quả phân bố không gian của từng thời đoạn 6h và từng hạn dự báo được so sánh với số liệu GSMAP; kết quả đánh giá sai số với các chỉ số ME, MAE, RMSE, tương quan; đánh giá kỹ năng dự báo với các chỉ số POD và FAR. So sánh đánh giá với dự báo của mô hình WRF, kết quả cho thấy mô hình Cress cho kết quả dự báo tốt ở các hạn dự báo từ 36 – 48h so với WRF, kỹ năng dự báo ở các ngưỡng mưa lớn trên 20mm tốt hơn so với WRF.

Các chuyên gia góp ý tại hội thảo

Theo dõi phương pháp và các kết quả nghiên cứu, các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng, nhóm nghiên cứu cần so sánh với số liệu quan trắc thực tế, phân tích sâu hơn để thấy được những cải tiến của mô hình Cress so với các mô hình đang được sử dụng hiện tại.

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Lê Ngọc Cầu đánh giá cao các kết quả mà nhóm thực hiện đề tài đã đạt được. Tuy nhiên, nhóm cũng cần tiếp tục cố gắng hơn nữa để kịp tiến độ đề ra và các sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu đặt hàng.