Vừa qua tại Vương Quốc Anh, Đoàn công tác của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTVBĐKH) do PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Viện trưởng) dẫn đầu đã có nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác với Cơ quan Khí Tượng (Met Office) và các trường đại học Vương Quốc Anh về Khí tượng khí hậu và Biến đổi khí hậu.
Tại xứ sở sương mù, Đoàn đã thăm và làm việc với các đơn vị khác nhau thuộc Met Office. Trong các buổi gặp mặt, phía Met Office đã giới thiệu chung về chức năng, thành tựu của mình trong lĩnh vực dự báo thời tiết khí hậu, biến đổi khí hậu và các hỗ trợ quốc tế về Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho các khu vực khác nhau trên thế giới như Châu Phi, Châu Á Thái Bình Dương… Đặc biệt, Met Office nhấn mạnh về chương trình Dịch vụ thông tin khí hậu và thời tiết (Weather and Climate Information Services-WISER).
Theo đó, Dịch vụ thông tin khí hậu và thời tiết là nền tảng hỗ trợ thúc đẩy dịch vụ thời tiết khí tượng khí hậu toàn cầu của Met Office. Hiện nay, chương trình này đang dành trọng tâm cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Met Office cũng đang triển khai chương trình Đối tác Dịch vụ về Khoa học Thời tiết và Khí hậu (Weather and Climate Science for Service Partnership- WCSSP).
Đoàn công tác của Viện và Đại diện lãnh đạo của Met Office chụp ảnh lưu niệm
Tại buổi họp, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà (Viện trưởng Viện KTTVBĐKH) đã trao đổi các nội dung trọng tâm hợp tác giữa hai bên cùng Lãnh đạo của Met Office về BĐKH, dịch vụ khí hậu, khoa học dự báo thời tiết khí hậu cũng như hỗ trợ tăng cường năng lực cho Viện trong các lĩnh vực trên thông qua các chương trình hợp tác, dự án, chương trình trao đổi… Để việc hợp tác được thuận tiện, hiệu quả hơn, người đứng đầu Viện KTTVBĐKH đã đề xuất hai bên kí MoU. Phía Met Office rất quan tâm ủng hộ và mong muốn cùng Viện thực hiện việc kí này trong thời gian sớm nhất.
Cũng trong thời gian làm việc tại Met Office, đoàn đã tham gia các buổi trao đổi với nhóm làm việc về Kịch bản BĐKH và nước biển dâng, thống nhất về việc tăng cường năng lực cho Viện trong việc xây dựng phát triển kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên cơ sở chia sẻ các sản phẩm chi tiết hoá động lực độ phân giải cao theo báo cáo mới nhất IPCC AR6 và phát triển và áp dụng các phương pháp tiếp cận phù hợp trong việc xây dựng Kịch bản BĐKH và nước biển dâng.
Thảo luận nhóm xây dựng phát triển kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng
Đoàn cũng tham gia thảo luận về mô hình quy mô đối lưu (CPM) phục vụ cho các nghiên cứu về các hiện tượng thời tiết khí hậu cực đoan cũng như bài toán Biến đổi các cực đoan khí hậu trong tương lai do nóng lên toàn cầu. Đây là vấn đề rất quan trọng, điểm mới nổi bật cho Kịch bản BĐKH và nước biển dâng năm 2025.
Thảo luận về mô hình quy mô đối lưu (CPM) phục vụ cho các nghiên cứu về các hiện tượng thời tiết khí hậu cực đoan
Cùng với đó, Đoàn đã tham quan đơn vị dự báo nghiệp vụ thời tiết của Met Office, được Trưởng đơn vị nghiệp vụ giới thiệu chi tiết các quy trình dự báo thời tiết hàng ngày, thời tiết cực đoan, thời tiết hàng không, thuỷ văn lũ lụt và thời tiết thiên văn (bão từ). Hai bên đã trao đổi chia sẻ kinh nghiệm dự báo cũng như trao đổi tài liệu nhằm thúc đẩy công tác nghiệp vụ của Viện trong công tác phòng tránh thiên tai chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tham quan đơn vị dự báo nghiệp vụ thời tiết của MO
Đặc biệt tại hội thảo, Đoàn công tác của Viện KTTVBĐKH đã giới thiệu những thành tựu của Viện về lĩnh vực KTTV, môi trường và BĐKH, trình bày kế hoạch chi tiết về lộ trình cập nhật Kịch bản BĐKH và nước biển dâng. Hai bên thảo luận chia sẻ kinh nghiệm, phía MO cam kết giúp đỡ Viện tối đa trong cập nhật Kịch bản Quốc gia 2025 này.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Vương Quốc Anh lần này, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà đã bàn về việc hợp tác với Trung tâm nghiên cứu khoa học khí quyển Quốc gia (NCAS) tại đại học Reading.
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà tranh thủ thảo luận trước hội thảo với chuyên gia NCAS trong giờ nghỉ trưa
Cụ thể, tại buổi họp, hai bên đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến Kịch bản BĐKH và nước biển dâng. Thảo luận chuyên sâu về nghiên cứu dự báo bão hạn nội mùa cho đến mùa, chuyển giao ứng dụng công nghệ dự báo bão quy mô nội mùa đến mùa do NCAS phát triển. Khả năng tham gia dự án về chung nghề nghiên cứu bão từ quy mô thời tiết cho đến nội mùa-mùa. Hai bên thống nhất cùng tham gia và cùng thúc đẩy cũng như tổ chức cá hội thảo chuyên sâu về bão trong khu vực Đông Nam Á trên cơ sở hợp tác với các cơ quan nghiên cứu và nghiệp vụ về bão.
Với điểm chung là đều có chương trình đào tạo về khoa học khí quyển, Viện KTTVBĐKH và ĐH Reading đã thống nhất về việc trao đổi nghiên cứu sinh, sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu thỉnh giảng giữa hai bên.
Thảo luận với các chuyên gia NCAS, Đại học Reading
Cũng trong chuyến công tác lần này, Đoàn của Viện đã thăm và làm việc với Đại Học Hoàng gia London. Tại buổi làm việc, phía ĐH Hoàng Gia London đã trình bày về mô hình Mô hình Bão IRIS. Mô hình này được phát triển bởi Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London với mục đích ban đầu tính toán tổn thất và thiệt hại do các cơn bão trên cơ sở dự đoán khả năng xảy ra một cơn bão gây thiệt hại và khả năng lặp lại dựa trên dữ liệu quan trắc bão sẵn có hiện nay. Hiện nay, mô hình này được được phát triển và tối ưu có thể ứng dựng trong việc tính toán các kịch bản thay đổi về cường độ, quỹ đạo, tần suất lặp lại của các cơn bão trong tương lai (Kịch bản thay đổi các đặc trưng bão trong tương lai) trên cơ sở mô hình thống kê dưới tác động của nóng lên toàn cầu (như ngưỡng nóng lên 2 độ C, 3 độ C, 4 độ C), bên cạnh đó có thể dự báo các đặc trưng mùa bão (số lượng, cường độ, quỹ đạo) trong các điều kiện khí quyển khác nhau như các pha của ENSO.
Mô hình này sẽ được chia sẻ cho Viện nhằm phục vụ cho việc xây dựng kịch bản thay đổi đặc trưng bão trong điều kiện nóng lên toàn cầu nhằm bổ sung thêm độ tin cậy trong dự Dự án Cập Nhật kịch bản BĐKH phục vụ xây dựng “Kịch bản BĐKH và nước biển dâng 2025” do bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành.
Chuyến công tác của đoàn đã thúc đẩy và tăng cường hợp tác giữa Viện với Cơ quan Khí Tượng và các trường đại học Vương Quốc Anh về Khí tượng khí hậu và Biến đổi khí hậu. Chuyến công tác cũng hứa hẹn nhiều hợp tác trong tương lai, đóng góp cho sự phát triển của Viện, góp phần cho sự phát triển chung của ngành KTTV.