Hội thảo nâng cao nhận thức khu vực về Mạng lưới Giám sát Lắng đọng Axit vùng đông Á (EANET) năm 2023: trọng tâm vào các Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) và Thiết bị cảm biến chi phí thấp (LCS) đã được tổ chức trong các ngày từ 29-31/05/2023 tại Thái Lan. Với tư cách là thành viên chính thức của Mạng lưới EANET, đoàn công tác của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tham dự hội thảo gồm có TS. Lê Ngọc Cầu, Phó Viện trưởng.
Hội thảo này được tổ chức trong khuôn khổ của Hội nghị Khí hậu và Không khí sạch: Tuần hành động vì chất lượng không khí” do Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Liên minh Khí hậu và Không khí sạch (CCAC) tổ chức tại Bangkok, Thái Lan. Mục đích của hội thảo là nâng cao hiểu biết của công chúng về vấn đề ô nhiễm không khí và lắng đọng axit thông qua góc nhìn của các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan khác từ khu vực thuộc Mạng lưới EANET và trên toàn cầu.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của đại diện của 13 quốc gia thành viên của EANET, các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và nhà khoa học từ các tổ chức quốc tế và những người tham gia Tuần hành động vì chất lượng không khí được tổ chức ở cùng địa điểm với hội thảo.
Trong một ngày, các đại biểu đã tham gia hai phiên hội thảo và nghe diễn giả trình bày về các thách thức, cách giám sát, giảm thiểu VOC, tiềm năng, cơ hội và hạn chế của LCS cũng như các dự án về VOC và LCS do Quỹ dự án EANET tài trợ.
Thành viên đoàn công tác của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Viện KTTVBĐKH) đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến trong cả hai phiên hội thảo về VOC và LCS. Đặc biệt, ông Lê Ngọc Cầu là tham gia với vai trò diễn giả trong phiên thứ hai và trình bày về tổng quan mạng lưới quan trắc chất lượng không khí ở Việt Nam, các nghiên cứu hợp tác về LCS mà Viện KTTVBĐKH đang triển khai cũng như các thách thức đối với LCS.
TS. Lê Ngọc Cầu phát biểu với tư cách diễn giả trong phiên thứ hai của hội thảo
Việc quan trắc phát thải và ô nhiễm VOC đã được một số quốc gia thành viên của mạng lưới EANET thực hiện và quy định giá trị giới hạn của VOC trong quy định về chất lượng không khí xung quanh. Việt Nam cần chủ động tham gia các hội nghị khoa học và thúc đẩy nghiên cứu trong nước cũng như hợp tác quốc tế về ô nhiễm VOC trong không khí để sớm có quy định về chất ô nhiễm không khí này.